Buộc nhân viên kinh doanh làm phụ bếp

02/05/2013 - 07:58

PNO - PN - Không có biên bản kỷ luật, không quyết định thuyên chuyển nhưng người lao động lại bị chuyển đổi công việc từ nhân viên kinh doanh xuống làm phụ bếp.

Đó là trường hợp của chị Dương Cẩm Linh (SN 1983, quê Nam Định) nguyên là nhân viên bán hàng kiêm thủ kho của Chi nhánh Công ty cổ phần kinh doanh thiết bị công nghiệp (Q.10, TP.HCM - gọi tắt là chi nhánh) thuộc Công ty cổ phần Kinh doanh thiết bị công nghiệp (Q.Thanh Xuân, TP. Hà Nội). Phản ánh với Báo Phụ Nữ, chị Linh cho biết: Chị làm việc tại Chi nhánh từ tháng 9/2004 đến tháng 4/2007 thì được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn.

Tháng 4/2012, chị Linh được điều chuyển sang làm chuyên viên kinh doanh. Khi bàn giao công việc có xuất hiện một số tiền chênh lệch là 14.012.000 đồng. Ngày 7/11/2012, Chi nhánh giữ lại 30% lương của chị Linh với lý do chị còn nợ tiền công ty. Ngày 7/11/2012, chị Linh nhận được thông báo của Chi nhánh chuyển chị từ chuyên viên kinh doanh xuống làm phụ bếp (không có biên bản kỷ luật, không quyết định thuyên chuyển).

Ngày 20/12/2012, Công ty ở Hà Nội họp xét kỷ luật (vắng mặt chị Cẩm Linh), ngày 28/12/2012, Công ty ra thông báo số 781 giải quyết vi phạm kỷ luật của chị Cẩm Linh. Ngày 26/2/2013, Công ty ra quyết định số 71 chuyển công tác chị từ Chi nhánh đến Nhà máy Quy chế II (Q.6, TP.HCM) kể từ ngày 1/3/2013.

Chị Linh bức xúc: "Khi xảy ra thất thoát tiền bạc, chưa có một bằng chứng, văn bản chính thức nào khẳng định lỗi đó thuộc về ai mà Chi nhánh cứ gán trách nhiệm cho tôi. Ngày 26/2/2013, do bị xúc phạm, tôi đã làm đơn xin nghỉ việc. Thời gian chính thức nghỉ tôi ghi trong đơn là ngày 15/3/2013. Sau thời điểm nộp đơn nghỉ việc thì lãnh đạo Chi nhánh đột nhiên đưa tôi quyết định điều chuyển địa điểm công tác sang Q.6 do Tổng giám đốc Công ty ngoài Hà Nội ký. Tôi thấy điều này là vô lý vì tôi ký hợp đồng với Chi nhánh, chịu sự quản lý của Chi nhánh chứ không chịu ảnh hưởng bởi quyết định vượt cấp của phía công ty. Ngày 18/3/2013, tôi tới Chi nhánh để làm thủ tục nghỉ việc và lấy lại số tiền mà Chi nhánh đã thu của tôi và tiền lương tháng 2/2013 thì bảo vệ không cho vào. Tôi có gọi điện cho bà Mai Lương Bảo Châu - Giám đốc Chi nhánh, bà Châu trả lời tôi không còn làm việc tại Chi nhánh nữa nên không được vào. Tôi nói tôi đến giải quyết về thủ tục nghỉ việc theo đơn xin nghỉ việc tôi gửi ngày 26/2 thì bà Châu trả lời là phía Chi nhánh sẽ không giải quyết trường hợp của tôi nữa. Nếu tôi muốn đòi quyền lợi thì xuống nơi làm việc mới theo như quyết định thuyên chuyển mà đòi”.

Buoc nhan vien kinh doanh lam phu bep

Chị Dương Cẩm Linh trình bày sự việc

Trao đổi với PV, bà Mai Lương Bảo Châu - Giám đốc Chi nhánh cho rằng, trong HĐLĐ, NLĐ phải chịu sự điều động và phân công làm bất cứ việc gì của lãnh đạo Chi nhánh. Nếu công việc không hợp với mình thì xin nghỉ. Trường hợp của chị Linh bị điều động xuống bếp, nếu không thích thì cứ xin nghỉ. Việc chi nhánh giữ 30% lương là làm đúng luật, luật quy định được phép làm như vậy. Theo bà Châu, quyết định kỷ luật và điều chuyển công việc chị Linh là quyết định của Tổng công ty ngoài Hà Nội, không thuộc thẩm quyền của Chi nhánh. Do đó, từ ngày 1/3/2013, chị Linh không còn là người thuộc sự quản lý của Chi nhánh mà thuộc Nhà máy Quy chế II. Vì vậy, đơn xin nghỉ phép, xin nghỉ việc của chị Linh, Chi nhánh không có quyền giải quyết.

Theo luật sư Nguyễn Lễ (Đoàn Luật sư TP.HCM): Điều 87 Bộ luật Lao động quy định: Khi tiến hành việc xử lý vi phạm kỷ luật lao động, NSDLĐ phải chứng minh được lỗi của NLĐ. Khi xem xét xử lý kỷ luật lao động phải có mặt NLĐ và phải có sự tham gia của đại diện BCH Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp. Điểm c, khoản 3, điều 11 Nghị định 41/CP hướng dẫn về xử lý kỷ luật quy định: NSDLĐ gửi quyết định kỷ luật cho NLĐ và Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Thực tế, Chi nhánh công ty hoặc Công ty chưa ban hành quyết định kỷ luật NLĐ và buộc NLĐ bồi thường, do đó Chi nhánh giữ 30% lương của chị Linh là chưa thỏa đáng.

Mặt khác, Chi nhánh ra thông báo ngày 7/11/2012 buộc chị Linh chuyển từ Phòng Kinh doanh sang làm việc tại nhà bếp từ ngày 8/11/2012 là thay đổi nội dung công việc nhưng không thỏa thuận với chị Linh là trái với quy định tại điều 33 và 34 Bộ luật Lao động, phải báo cho chị Linh biết trước ít nhất ba ngày, bố trí công việc phù hợp với sức khỏe và giới tính của NLĐ.

Đối với Công ty, họp xử lý kỷ luật vắng mặt chị Linh và chuyển chị Linh sang công việc mới mà không thỏa thuận với NLĐ là trái quy định tại các điều luật nêu trên.

 Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI