PNO - Với kỹ thuật can thiệp điện sinh lý tim, trẻ bị rối loạn nhịp tim có thể được điều trị khỏi hẳn bệnh, thay vì phải uống thuốc duy trì cho đến khi 18, 20 tuổi, hoặc đi nước ngoài điều trị với chi phí hơn 1 tỉ đồng.
Từ bé, em N.T.K. (hiện 13 tuổi, ở Khánh Hòa) và gia đình luôn sống trong căng thẳng. Mỗi khi K. lên cơn mệt, tay chân em co quắp rồi bất tỉnh. Các bác sĩ ở bệnh viện tỉnh chẩn đoán K. bị động kinh, cho thuốc về uống. Tuy nhiên, càng lớn, các cơn co giật, ngất xỉu càng xảy ra dày đặc.
Bác sĩ Bùi Gio An đang thực hiện kỹ thuật điện sinh lý tim điều trị rối loạn nhịp cho bệnh nhi - Ảnh do bệnh viện cung cấp
Tình hình còn trở nên tệ hơn khi em lên 8 tuổi, cứ mỗi khi hồi hộp, lo lắng K. lại… lăn đùng ra xỉu. Trong một lần co giật, K. suy hô hấp, phải nhập viện tuyến tỉnh, rồi dần hôn mê. Bệnh viện quyết định chuyển em đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cấp cứu. Tại đây, K. co giật liên tục, ngưng tim, phải cấp cứu nhiều lần. Bằng sự nỗ lực của các bác sĩ, K. dần ổn định. Lúc này, bác sĩ nghi ngờ K. bị rối loạn nhịp nên cho kiểm tra điện sinh lý thăm dò. Kết quả cho thấy K. bị rối loạn nhịp nặng, có tổn thương não chứ không phải động kinh. Do bệnh gây ra các vấn đề thứ phát nên trước khi bị ngất xỉu, K. thường co giật, gây chẩn đoán nhầm.
“Uống thuốc điều trị bệnh rối loạn nhịp được vài tháng, các cơn co giật, ngất xỉu thưa dần. Sau 5 năm dùng thuốc, K. hầu như không còn bị ngất nữa. Đến khi bác sĩ nói có kỹ thuật điện sinh lý tim để điều trị dứt điểm, gia đình tôi mừng lắm” - mẹ của K. cho biết. Sau khi can thiệp đốt các ổ gây loạn nhịp, cấy máy phá loạn nhịp, sức khỏe của K. tiến triển thấy rõ. Thay vì phải ngồi ở nhà nhìn bạn bè vui chơi, em đã có thể đánh cầu lông, chạy chơi cùng bạn. Gia đình cũng đỡ căng thẳng hơn. Tết này, em K. sẽ được cả nhà dẫn đi du lịch, chúc tết ông bà.
Đang nhập viện chờ phẫu thuật, em P.C.H. (10 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) được bác sĩ nâng thể trạng, giúp ổn định tâm lý, không còn xỉu liên tục như trước. Từ khi lên 2 tuổi, H. đã được chẩn đoán rối loạn nhịp nhanh thất nhưng do điều trị ngắt quãng nên bệnh ngày càng nặng. Mỗi lần em lên cơn mệt, mẹ em ra tiệm thuốc tây mua thuốc cho con uống đỡ.
2 năm trước, sức khỏe H. yếu đi, em ngất xỉu nhiều đến nỗi tâm trạng luôn sợ hãi. Trong một lần vừa ngủ dậy, H. đột ngột la hét, ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, H. khá hoảng loạn nên được mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám bệnh. H. được chẩn đoán rối loạn nhịp do bệnh về cấu trúc gen, buộc phải phẫu thuật càng sớm càng tốt, nếu không nguy cơ đột tử rất cao khi em chơi thể thao, đi cầu thang… Thậm chí chỉ cần lo lắng quá mức, hay giật mình cũng nguy hiểm đến tính mạng.
Những ngày qua, bác sĩ tại bệnh viện đang hội chẩn cùng chuyên gia nước ngoài. Dự kiến, đoàn bác sĩ quốc tế sẽ đến Việt Nam hội chẩn, để điều trị cho H. Theo kế hoạch, em sẽ được đốt phá ổ rối loạn nhịp, đốt hủy hạch giao cảm kích thích tim bằng kỹ thuật điện sinh lý tim… Khi thành công, H. sẽ trở lại sinh hoạt bình thường, giảm nguy cơ đột tử trên 90%.
Đã điều trị hơn 300 trường hợp
Theo thạc sĩ, bác sĩ Bùi Gio An (Đơn vị Điện sinh lý tim, Bệnh viện Nhi Đồng 1), rối loạn nhịp thường xảy ra với trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, gen gây rối loạn nhịp hay bệnh lý di truyền. Trước đây, phương pháp điều trị duy nhất là uống thuốc để kiểm soát. Trẻ phải uống thuốc và tái khám theo lịch hẹn kể từ khi phát hiện bệnh cho đến khi trưởng thành mới có thể can thiệp điện sinh lý tim. Lúc đó y học ở Việt Nam chỉ có thể can thiệp ở người lớn. Uống thuốc trong thời gian dài, trẻ có nguy cơ chịu tác dụng phụ như lên huyết áp, tăng nhịp tim, nặng hơn gây suy tim… Trong thời gian chờ đủ tuổi, đủ cân nặng để can thiệp, khoảng 1% trẻ mắc rối loạn nhịp đột tử.
Bác sĩ Bùi Gio An đang khám cho em H.
Bác sĩ Bùi Gio An cho biết các gia đình có trẻ bị rối loạn nhịp thường sẽ rất lo sợ. Mặc dù bác sĩ có theo dõi, tư vấn về sinh hoạt trong quá trình trẻ điều trị bằng thuốc, tuy nhiên cha mẹ, ông bà vẫn thường ngăn cấm trẻ vận động, không cho ra ngoài, hạn chế du lịch… Cuộc sống gia đình dần đi vào bế tắc. “Vì vậy, khi các bệnh viện tại Singapore, Thái Lan… thực hiện kỹ thuật can thiệp điện sinh lý tim điều trị rối loạn nhịp cho trẻ em, rất nhiều gia đình mong muốn đưa con em mình ra nước ngoài trị bệnh. Tuy nhiên, chi phí điều trị ở nước ngoài rất cao, trung bình lên đến hơn 1 tỉ đồng cho 1 bệnh nhi” - bác sĩ Bùi Gio An nói thêm.
Nhận thấy sự quan trọng của điều trị sớm rối loạn nhịp ở trẻ em, ban giám đốc bệnh viện đã có kế hoạch đưa nhân lực sang nước ngoài đào tạo kỹ thuật can thiệp điện sinh lý tim, đầu tư mua sắm thiết bị. Năm 2018, khi Trung tâm Chuyên sâu phẫu thuật và can thiệp tim mạch trẻ em ra đời, bệnh viện bắt đầu triển khai kỹ thuật điều trị này.
Ban đầu, bệnh viện chỉ có thể thực hiện cho các bé có độ tuổi khoảng 14-15, thể trạng gần giống người lớn. Dần dần, trẻ nhỏ tuổi hơn được can thiệp điện sinh lý tim. Hiện bệnh nhi 5 tuổi đã được điều trị dứt điểm rối loạn nhịp. Thậm chí, những bé nhỏ hơn, mắc nhiều vấn đề về tim mạch, rối loạn nhịp nặng, không đáp ứng thuốc điều trị cũng sẽ được can thiệp bằng kỹ thuật này. Tính đến nay, bé nhỏ nhất được bệnh viện điều trị thành công là 18 tháng tuổi.
“Đến nay, bệnh viện đã điều trị cho hơn 300 trường hợp bệnh nhi. Do vết mổ nhỏ nên hầu như không có bé nào bị nhiễm trùng vết mổ, tỉ lệ bình phục cao. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý, sau khi điều trị khỏi bệnh, sẽ có khoảng 5% trẻ sau điều trị có thể bị tái phát bệnh trở lại vì trong quá trình phát triển có thể có ổ rối loạn nhịp mới xuất hiện do bé đã có nền bệnh sẵn. Lúc này bé có thể quay lại thực hiện nội soi can thiệp tiếp” - bác sĩ Bùi Gio An cho biết.
Bệnh nhi có thể xuất viện sau can thiệp khoảng 24 tiếng
Theo bác sĩ Bùi Gio An, ê kíp bác sĩ chỉ cần mở một đường nhỏ ở đùi, đưa dây dẫn theo mạch máu lên tim. Dây dẫn có những thụ cảm để xác định ổ loạn nhịp, sau đó bác sĩ sẽ dùng sóng cao tần để đốt phá ổ loạn nhịp cho trẻ nhưng vẫn bảo tồn cấu trúc, van tim xung quanh, hạn chế tối đa biến chứng, di chứng khi trẻ lớn lên. Việc nội soi đốt phá rối loạn nhịp giúp trẻ tránh phải đối mặt với đường mổ hở lớn, giảm nguy cơ tử vong, nhiễm trùng nên tỉ lệ thành công rất cao.
Tùy theo tình trạng bệnh, số lượng ổ loạn nhịp và vị trí tiếp cận, trung bình mỗi ca phẫu thuật chỉ kéo dài từ 1-3 tiếng đồng hồ tính từ khi bệnh nhi vào phòng mổ, can thiệp và hồi tỉnh. Nếu bệnh nhi hợp tác, có thể chỉ gây tê chứ không cần gây mê. Sau can thiệp khoảng 24 tiếng đồng hồ, trẻ có thể xuất viện về nhà, ngưng sử dụng thuốc và vui chơi, sinh hoạt bình thường. Khi được điều trị tốt rối loạn nhịp, thì các bệnh như hen suyễn, rối loạn đông máu, bệnh phổi… những bệnh lý khác giảm xuống, nhất là bệnh đồng mắc.
Giảm đáng kể chi phí điều trị so với ra nước ngoài
Chi phí đi nước ngoài điều trị với kỹ thuật này là hơn 1 tỉ đồng. Khi điều trị trong nước, nhờ bệnh nhi đã được bảo hiểm y tế thanh toán, tùy theo mức độ bệnh, gia đình chỉ phải thanh toán khoảng từ 30-50 triệu đồng cho 1 ca can thiệp ở trẻ trên 6 tuổi.
Đến nay, bệnh viện không chỉ thực hiện can thiệp cho bệnh nhi trong nước mà cả bệnh nhi từ Campuchia. Trung bình mỗi năm có khoảng 200-300 trường hợp trẻ được phát hiện rối loạn nhịp, có hơn 10 ca được Bệnh viện Nhi Đồng 1 can thiệp mỗi tháng.
Từ năm 2020, bệnh viện cũng đã có các lớp tập huấn, đào tạo cho các bệnh viện khác về điện tim, rối loạn nhịp tim, nên kết quả phát hiện trẻ bị rối loạn nhịp đang nhiều hơn. Đây là điều đáng mừng trong chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Dự kiến thời gian tới, bệnh viện sẽ đào tạo kỹ thuật này cho các bác sĩ ở Myanmar.
Mỗi tháng, Bệnh viện Da liễu TPHCM tiếp nhận từ 4.300-4.600 lượt bệnh nhân bị bệnh vảy nến. Bệnh không chỉ gây đau đớn mà còn khiến bệnh nhân trầm cảm...