Bước đi tươi mới của nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM

24/06/2024 - 06:20

PNO - Từ giữa tháng Sáu, nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM phối hợp với nhóm Hiếu Văn Ngư (Cultura Fish) tổ chức chuỗi chương trình talk show và workshop tìm hiểu về nghệ thuật hát bội.

Báo Phụ nữ TPHCM đã phỏng vấn ông Võ Hồ Hoàng Vũ - Giám đốc nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM - về những hoạt động này.

Phóng viên: Được biết nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM đang triển khai talk show Ca biện phấn hành và workshop Hát bội 101. Có gì khác nhau giữa 2 chương trình này, thưa ông?

Ông Võ Hồ Hoàng Vũ: Workshop Hát bội 101 chủ yếu phân tích, trao đổi và tương tác với khán giả để họ hiểu hơn về hát bội. Nói cách khác là hướng dẫn khán giả cách xem hát bội để khi thưởng thức một tiết mục, họ sẽ biết được hay cái gì, tại sao hay, tại sao diễn viên làm động tác đó… Qua các buổi như vậy, chúng tôi hướng đến việc làm sao để một người có thể chưa biết gì về hát bội sẽ hình dung được, có thể xem và hiểu hát bội.

Còn talk show Ca biện phấn hành đi sâu vào giá trị nghệ thuật của loại hình và đặt nặng trình diễn nhiều hơn, với việc giới thiệu một số trích đoạn tiêu biểu và buổi cuối sẽ biểu diễn phiên bản rút gọn của tuồng hát bội kinh điển San Hậu.

2 chương trình được tổ chức gần như song song để khán giả có thể lựa chọn. Đây là bước đầu để nhà hát thăm dò dư luận, tìm hiểu sở thích của khán giả. Từ đó, có những điều chỉnh, thay đổi phù hợp hơn ở các chương trình sau và các dự án nối tiếp.

* Vì sao nhà hát quyết định bán vé ở chuỗi chương trình tương tác này trong khi trước đó hát bội gần như chỉ diễn phục vụ miễn phí?

- 3 năm qua, loạt chương trình biểu diễn của nhà hát tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, trong Thảo cầm viên, các chương trình sân khấu học đường, biểu diễn ở các di tích, đình làng… đã tạo được hiệu ứng rất tốt. Trên fanpage, nhà hát ghi nhận nhiều ý kiến bày tỏ sự thích thú, mong muốn được xem hát bội, hỏi điểm diễn hát bội… Rõ ràng, vẫn còn một lượng khán giả có nhu cầu xem hát bội, tìm hiểu hát bội.

Đó là cơ sở để nhà hát phối hợp cùng nhóm Hiếu Văn Ngư - nhóm bạn trẻ đứng sau nhiều dự án truyền thông về nghệ thuật truyền thống - tổ chức chuỗi sự kiện này. Tất nhiên, lượng khách chưa nhiều, nhưng những chương trình như thế này sẽ là khởi đầu, có thể giúp khán giả quen dần việc đến rạp xem hát bội. Chúng tôi không dừng ở việc quảng bá mà muốn người tham gia hiểu hơn về hát bội, có thể tự tin xem hát bội một cách chuyên nghiệp. Từ đó, người ta mới thấy hát bội hấp dẫn và khác biệt các loại hình khác như thế nào và có thể trở thành khán giả thường xuyên của hát bội.

Từ diễn miễn phí đến thu phí là cả một quá trình. Thời gian đầu, chúng tôi không đặt nặng vấn đề phải thu đủ bù chi, chỉ cốt tạo cho khán giả thói quen thưởng thức một chương trình hát bội. Người mua vé đến xem thì tâm thế sẽ khác hoàn toàn khi xem miễn phí. Để xây dựng một chương trình bán vé, nhà hát cũng phải tập trung, chỉn chu hơn về mọi mặt, từ chuyên môn đến hình thức, bài trí, đón tiếp, dịch vụ… để khán giả hài lòng với số tiền họ đã bỏ ra.

Talk show Ca biện phấn hành và workshop Hát bội 101 sẽ diễn ra tại rạp Thủ Đô vào cuối tuần, từ giữa tháng Sáu đến tháng Tám
Talk show Ca biện phấn hành và workshop Hát bội 101 sẽ diễn ra tại rạp Thủ Đô vào cuối tuần, từ giữa tháng Sáu đến tháng Tám

* Nhà hát sửa sang, chỉnh trang rạp Thủ Đô là để chuẩn bị cho chuỗi sự kiện này?

- Việc sửa rạp có nhiều mục đích. Trước nhất là tạo không gian cho nghệ sĩ an tâm công tác. Qua thời gian dài, một số hạng mục của rạp Thủ Đô đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Sau đó là tính toán đến việc khai thác hiệu quả các công năng của rạp hát. Ngoài chuỗi sự kiện này, sắp tới có thể đưa một số tác phẩm nổi bật được nhà hát dàn dựng trong nhiều năm qua như Sanh vi tướng tử vi thần, Chiếc áo thiên nga, Lê công kỳ án… trở lại biểu diễn và tiến tới dàn dựng các vở hấp dẫn hơn.

* Như vậy, nhà hát sẽ trở lại sáng đèn định kỳ?

- Đúng là có dự định đó. Bên cạnh các vở diễn, chúng tôi sẽ làm nhiều workshop, talk show như thế này với đa dạng quy mô và chủ đề. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch và chủ động tìm đối tác cho các workshop nhỏ, có thể là về mặt nạ hát bội, trình diễn thời trang hát bội, kết hợp thời trang và hát bội…

Nhà hát cũng đang xây dựng một kênh phân phối vé để tiếp cận khán giả tốt hơn.

* Ông có tự tin vào các kế hoạch này?

- Chúng tôi vẫn còn nhiều ý tưởng và cũng chuẩn bị khá kỹ. Hiện nay, rạp đã sửa chữa xong phần sân khấu biểu diễn, thay toàn bộ sàn, đổi hệ thống ghế ngồi mới, làm mới khu vệ sinh cho khán giả… Công tác truyền thông cũng được chú ý. Hợp tác với Hiếu Văn Ngư trong chuỗi sự kiện tìm hiểu về hát bội này, nhà hát mong muốn xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu của riêng mình. Bao gồm logo, hình ảnh, màu sắc, trang phục… sẽ trở thành bộ nhận diện thống nhất mà một khi xuất hiện là người ta sẽ biết đó là hát bội TPHCM.

* Xin cảm ơn ông.

Ninh Lộc (thực hiện)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI