Tộc người ngủ ngồi... đã có giường
Con đường đất dốc dựng đứng từ trung tâm xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An dẫn vào bản Búng - nơi người Đan Lai đang sinh sống - chỉ khoảng 20km nhưng chúng tôi phải mất một tiếng rưỡi đồng hồ chạy xe máy mới tới nơi. “Vậy là nhanh rồi, chứ ngày trước chúng tôi phải đi bằng thuyền nên mất cả ngày”, một người dân nói.
Nhìn chốn thâm sơn cùng cốc này, nhiều người khó hình dung được đời sống của người Đan Lai giữa rừng thẳm gần biên giới Việt - Lào, nơi vùng lõi của vườn Quốc gia Pù Mát này ra sao.
|
Ông Hồng thuật lại cảnh ngủ ngồi ngày xưa |
“Khoảng hơn 300 năm trước, tổ tiên chúng tôi sống dưới hạ nguồn khe Khặng, bị một bạo chúa trong vùng bắt nộp 100 cây nứa bằng vàng, nếu không sẽ giết chết. Vì thế, họ buộc phải kéo nhau bỏ trốn lên đây” - ông La Văn Hồng, 56 tuổi - nói về truyền thuyết của tổ tiên mình.
"Ở nơi rừng sâu nhiều thú dữ nên người Đan Lai đã phải ngủ ngồi để kịp đối phó. Có người còn phải trèo lên cây ngủ để tránh thú dữ" - ông Hồng cho biết thêm về tục ngủ ngồi của người Đan Lai.
Dần dần, thói quen ngủ ngồi ăn sâu vào mỗi người dân bản, trở thành tập tục, nên đến khi đã dựng nhà gỗ to để ở thì mọi người vẫn ngủ ngồi. Cho đến gần đây, người Đan Lai mới thay đổi tập tục này. “Giờ thì nhà nào cũng có giường, chiếu, chăn màn như đồng bào các dân tộc khác. Riêng nhà tôi có đến hai cái giường bằng gỗ” - ông Hồng hào hứng khoe.
|
Con đường dốc dẫn vào bản Búng - nơi người Đan Lai sinh sống |
Ông La Văn Linh - Bí thư bản Cò Phạt, xã Môn Sơn - cho biết, giờ tục ngủ ngồi không còn nữa do nơi đây đã không còn hoang vu như trước, thú dữ cũng đã bỏ đi. “Nhờ cán bộ dân số, y tế và bộ đội biên phòng đến tuyên truyền thường xuyên nên mọi người cũng dần hiểu và bỏ được tập tục ngủ ngồi, đẻ ngồi” - ông Linh nói.
Chỉ tay về phía thượng nguồn sông Giăng, ông Hồng cho hay, đó là địa bàn của bản Cò Phạt. Đây là bản có nhiều đổi mới, đã có trường lớp cho con em dân bản đi học, nhiều nhà đã sắm được ti vi, tủ lạnh, xe máy.
Cuộc sống mới
Nghèo đói, thất học, sống biệt lập trong rừng sâu, người Đan Lai còn bị đe dọa bởi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống kéo dài, làm suy vong giống nòi. Trước nguy cơ này, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai đang sinh sống tại vùng lõi vườn quốc gia Pù Mát. Đề án đặt mục tiêu 146 gia đình tộc người Đan Lai ở bản Búng và bản Cò Phạt sẽ được di dời ra khỏi rừng sâu.
|
Ông Linh hào hứng khoe chiếc ti vi nhà ông đang có |
Năm 2007, người dân Đan Lai bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc chia tay lớn, khi có những gia đình chấp nhận “rời cội”, rời mảnh đất tổ tiên đã sống để đến với vùng đất mới. 42 hộ dân đã “tiên phong” rời bản ra nơi ở mới, cách nơi cũ khoảng 60km dựng xây một cuộc sống no ấm hơn, hòa nhập với các cộng đồng dân tộc khác, với xã hội.
Sau 12 năm, giữa tháng 7/2019, 22 hộ dân tiếp theo đã tiếp tục rời rừng. Ở nơi ở mới, trong năm đầu, các hộ gia đình được hỗ trợ điện, nước sinh hoạt, lương thực; được tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất và mua sắm công cụ lao động… để tạo lập cuộc sống.
Mở chiếc ti vi để xem thời sự, cập nhật tin tức sau giờ cơm trưa, ông La Văn Linh cho biết, ông là người tiên phong cho con đi xuất khẩu lao động thoát nghèo nên đã từng phải chịu rất nhiều áp lực và lời đồn thổi. “Người dân bản còn nghèo quá, khổ quá, nhưng không dám ra ngoài làm ăn. Năm 2015, khi có chủ trương của Nhà nước, tôi đã tiên phong cho con gái đi xuất khẩu lao động tại Arab Saudi” - ông Linh kể.
|
Đồ điện tử xuất hiện ngày một nhiều hơn trong các ngôi nhà của người Đan Lai |
Thời điểm đó, nhiều người không tin ông Linh dám cho con gái đi xa làm ăn, nên những lời đồn ông bị điên hay ông bán con đã xuất hiện.
Ba tháng sau ngày con gái đi xuất khẩu lao động, nhân viên bưu điện đến nhà báo tin có người gửi tiền từ nước ngoài về, ông Linh mừng muốn khóc. Ông chạy ngay ra xã để nhận 5 triệu đồng của con gái gửi, quyết định họp bản để cho mọi người thấy số tiền con gái ông cho. Ai cũng tròn mắt vì khoản tiền quá lớn, mới tin ông Linh nói thật.
Sau con gái, ông Linh tiếp tục đăng kí cho con trai La Văn Thái (26 tuổi) đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Rồi hai người con gái sau cũng đi vào miền Nam làm công nhân may mặc, lắp ráp điện tử. Cuộc sống ấm no của gia đình ông Linh đã khiến nhiều người Đan Lai nhìn vào và thay đổi nhận thức.
|
Các giáo viên cắm bản, đưa "con chữ" đến cho trẻ em Đan Lai |
Học theo ông Linh, bản Cò Phạt ngày càng có nhiều người thoát nghèo bằng cách đi xuất khẩu lao động. Nhiều nam, nữ thanh niên đi vào miền Nam làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp.
“Chúng làm trong đó, giờ có gia đình cả rồi đấy. Chính lớp trẻ này đã phá bỏ hủ tục hôn nhân cận huyết, do trước đây quanh năm sống co cụm trong rừng nên anh em lớn lên chỉ biết lấy nhau vì không biết lấy ai. Chúng lấy chồng lấy vợ xa, tôi đồng ý hết, miễn là chúng hiểu nhau, yêu thương nhau” - ông Linh vui vẻ nói.
Ông Vi Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông - cho biết, chính quyền địa phương đang bảo tồn ngôn ngữ, lưu giữ mái nhà tranh của người Đan Lai (chủ yếu ở bản Búng) để xây dựng bản của người Đan Lai thành điểm du lịch độc đáo.
“Năm 2013, huyện thực hiện dự án tái định cư đồng bào Đan Lai của Trung ương, mở tuyến đường xuyên núi song song sông Giăng, dài hơn 20 km. Nhưng hiện đi xe máy từ trung tâm xã Môn Sơn vào bản Cò Phạt cũng còn mất hơn 1 giờ nên huyện đang kêu gọi đầu tư rải nhựa tuyến đường để giảm thời gian đi lại xuống còn chừng 20 phút” - ông Sơn nói.
Phan Ngọc