Bước chuyển mới của K-pop

13/12/2017 - 07:27

PNO - Sau mười năm phát triển và lan tỏa, sức ảnh hưởng của K-pop tại nhiều quốc gia đang ngày một giảm. Các nhà sản xuất, công ty giải trí quyền lực Hàn Quốc đã làm gì để thay đổi?

K-pop thực sự giảm nhiệt?

Với bệ đỡ là các bộ phim truyền hình và sự hậu thuẫn của chính phủ Hàn với chiến lược culturenomy (kinh tế dựa trên văn hóa), K-pop nhanh chóng càn quét khắp thế giới: từ Á sang Âu, đến Mỹ và xuống tận Nam Mỹ. Super Junior, Wonder Girls, Big Bang… trở thành những cái tên cực "hot". 

Buoc chuyen moi cua K-pop
Big Bang thành công tại Hàn và ảnh hưởng ra thế giới nhờ âm nhạc và phong cách thời trang độc đáo

Năm 2012, K-pop chạm đỉnh khi khuynh đảo thế giới với giai điệu bắt tai cùng điệu nhảy ngựa có một không hai. Tính đến lúc này, đã vượt mốc ba tỷ lượt xem trên YouTube. Big Bang, sau hơn 11 năm hoạt động, trở thành tượng đài của âm nhạc Hàn hiện đại, là nhóm nhạc phát triển mạnh mẽ và hái ra tiền nhiều nhất xứ kim chi với 44 triệu USD vào năm 2016.

Tại Việt Nam, năm 2014, có hơn 15 tên tuổi lớn của K-pop xuất hiện, như: SNSD, Miss A, TVXQ, JYJ, 2NE1, 2PM… Những năm sau đó, số lượng nghệ sĩ Hàn đình đám như Bi-Rain, U-Kiss, T-ara, DIA, NCT 127, Block B, GOT7… đến Việt Nam không ngừng tăng lên hàng loạt.

Thành công của những cái tên trên thổi bùng giấc mơ chinh phục thế giới của các công ty giải trí Hàn. Theo Melon, mỗi năm, trung bình có khoảng 15-18 nhóm nhạc thần tượng mới ra đời. Điều đáng nói là, so với thế hệ tiền bối, những nhóm mới không có nhiều đột phá trong phong cách và dòng nhạc. “Làn sóng hallyu thành công nhờ nội dung đặc biệt và riêng có. Giờ đây, khi nội dung na ná nhau, chúng ta phải tìm được những điều mới mẻ hơn” - ông Lee Pal-seung, Chủ tịch Quỹ Trao đổi văn hóa quốc tế Hàn Quốc, chia sẻ.

Những nhóm đã khẳng định tên tuổi chú trọng củng cố thị trường bằng cách tăng cường các tour lưu diễn. Thế nhưng, sự hào hứng của khán giả đã giảm. Một trong những lý do khiến ban tổ chức MAMA e dè chọn biểu diễn trong khuôn khổ nhà hát là để tránh cảnh vắng khách như đêm nhạc MBC Music K-Plus tại Hà Nội hồi tháng Ba năm nay. Tại Nhật, K-pop vấp phải lòng tự tôn dân tộc của giới trẻ nước này. Tại Trung Quốc - thị trường lớn nhất của K-pop ở châu Á, nhiều hoạt động giải trí liên quan đến nghệ sĩ Hàn đều bị “tẩy chay” vì mâu thuẫn giữa hai quốc gia.

Sự biến động thành viên các nhóm nhạc tiên phong như DBSK, Super Junior, SNSD, Kara hay Big Bang cộng scandal tình ái của Seungri, scandal liên quan tới cần sa của G-Dragon, gần đây nhất là T.O.P càng khiến âu lo về cuộc thoái trào của K-pop trên thế giới càng có cơ sở. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đã đến lúc nhìn lại và đánh giá thực chất sự lan tỏa phía sau làn sóng K-pop. Đó phải chăng là sức hút của âm nhạc, thành công từ mô hình đào tạo, phương thức quảng bá và cả sự thổi phồng quá mức của truyền thông?

K-pop tự chuyển mình

Buoc chuyen moi cua K-pop
Nhóm Wanna One tại MAMA 2017

Thực tế, việc các nghệ sĩ Hàn mang chuông đi đánh xứ người, đặc biệt ở thị trường Âu - Mỹ không hề dễ dàng. Nhiều nhóm nhạc Hàn tuyển thành viên nước ngoài như Fei, Jia (Trung Quốc) của Miss A, Jackson Wang (Hồng Kông - Trung Quốc) của GOT7, Amber (Hoa Kỳ) của F(x), Sana (Nhật Bản) của TWICE, Tzuyu (Đài Loan - Trung Quốc) của TWICE… 

Việc tuyển chọn thực tập sinh cho các nhóm nhạc Hàn còn được tổ chức quy mô, bài bản tại nhiều nước. Ngoài nguồn lợi thu được từ thị trường bản địa của các ngoại binh, việc tiếp tục lan tỏa sức ảnh hưởng của làn sóng K-pop tại các quốc gia này là điều các công ty giải trí Hàn Quốc đặc biệt quan tâm. Tất nhiên, đi kèm là rủi ro mà các công ty dù già dặn cũng khó tránh. Việc ba thành viên EXO khởi kiện và dứt áo khỏi SM Entertainment là minh chứng điển hình.

Ông Lee Pal-seung khẳng định Hàn Quốc đang chuẩn bị cho đợt sóng hallyu mới, tập trung vào những sản phẩm hữu hình như thời trang, ẩm thực… Nghĩa là, K-pop không còn được chính phủ ưu tiên hỗ trợ, buộc phải tự chuyển mình để thích ứng. Các nhà sản xuất đã chọn đưa những giải thưởng âm nhạc ra khỏi phạm vi lãnh thổ bằng cách mở rộng các hạng mục dành cho nghệ sĩ châu Á.

Năm 2017, MAMA khiến fan K-pop tại Hàn la ó vì tổ chức tại ba quốc gia khác nhau (Việt Nam, Nhật Bản, Hồng Kông - Trung Quốc) thay vì chỉ ở một nước ngoài Hàn Quốc như chủ trương của nhà tổ chức vào năm 2010. Tuy nhiên, đây là động thái khôn ngoan của MAMA. Nhà tổ chức không chỉ khéo léo lấy lòng các nghệ sĩ có lượng fan đông tại quốc gia được tổ chức (bằng những giải thưởng vô thưởng vô phạt, kiểu: Nghệ sĩ xuất sắc nhất châu Á tại Việt Nam) mà còn bơm những cái tên mới nổi tại thị trường Hàn để củng cố vị trí thần tượng trong lòng người hâm mộ.

Tại Việt Nam, trong hai năm gần đây, số lượng nhà sản xuất Hàn hợp tác với một số giọng hát/nhóm nhạc Việt tiềm năng ngày càng tăng. Rapper Kang Taeyang với Trang Pháp, ê-kíp thực hiện MV cho SNSD với Monstar, bộ đôi Krazy Park và Eddy Park với Chi Pu và sắp tới sẽ là Hari Won với nhà sản xuất của Sistar. 

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI