Hợp đồng bán mình, bộ phim đầu tiên ra mắt trong năm 2019 do Nhà nước đặt hàng Công ty cổ phần phim Giải Phóng (tức hãng phim Giải Phóng) sản xuất có đề tài hiện đại, cách thể hiện tươi mới trong nỗ lực “mềm hóa” dòng phim thường bị xem là “cúng cụ”. Dẫu vậy, để những phim đặt hàng như Hợp đồng bán mình tiếp cận rộng rãi với các rạp chiếu vẫn còn là giấc mơ xa vời.
Hành trình hai năm
Lâu lắm rồi, cụm rạp Cinebox Lý Chính Thắng mới có một buổi ra mắt phim nhộn nhịp như đêm ra mắt Hợp đồng bán mình ngày 5/11 vừa qua. Cũng thảm đỏ, cũng tràn ngập hoa như bao buổi ra mắt các phim tư nhân khác, chỉ thiếu màn trình diễn của các nghệ sĩ ăn khách, hay cảnh các báo điện tử, trang tin giải trí chen lấn chụp ảnh. Khách mời đa số là những gương mặt kỳ cựu trong giới làm phim, bởi lâu rồi họ mới có dịp hội ngộ để sống lại không khí “một thời vàng son” của phim Nhà nước.
Cảm giác “xem phim Nhà nước” cũng ùa về khi khán giả bước chân vào phòng chiếu giống kiểu nhà hát - ngồi dưới đất và ngồi trên lầu - một thiết kế chẳng còn thấy ở bất cứ cụm rạp nào hiện nay.
|
Cảnh trong phim Hợp đồng bán mình, bộ phim đề cập những câu chuyện về mối quan hệ chân dài - đại gia, vòng xoáy tình - tiền |
Không khí “phim Nhà nước” chỉ được đánh tan khi từng cảnh phim dần hé mở. Màu phim hiện đại, cảnh quay đẹp, tiết tấu nhanh, diễn viên trẻ xinh, là những cảm nhận tích cực ban đầu dành cho phim. Hợp đồng bán mình kể về cô gái trẻ Ngọc Lam phải hy sinh tình yêu đẹp với người chồng sắp cưới để làm vợ đại gia, với mục đích nhận 120 tỷ đồng giúp cha thoát vòng lao lý.
Kịch bản của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn thường có thế mạnh ở sự gai góc, chất thời sự, nhưng để tiệm cận với dòng phim thị trường, kịch bản phân cảnh đã được chỉnh sửa hơn chục lần theo hướng “mềm hóa” câu chuyện. Quá trình này khiến kế hoạch làm phim bị kéo từ năm 2017 sang 2019 mới triển khai, vì sau khi kịch bản hoàn chỉnh, còn phải chờ thêm thời gian để Bộ Tài chính duyệt rót tiền. Kết quả là thay cho kịch bản ban đầu nhấn mạnh vấn đề tham nhũng, Hợp đồng bán mình rẽ hướng khai thác một câu chuyện về đại gia - chân dài, chuyện hợp đồng hôn nhân - những chủ đề khá thời thượng và gây tò mò.
Trên nền kịch bản chắc tay của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, có thể nhận ra nỗ lực của đạo diễn Trần Ngọc Phong trong việc tiết chế lối kể lể lê thê của dòng phim tuyên truyền: nhịp phim nhanh, cắt cảnh gọn, khéo léo cài cắm thủ pháp điện ảnh.
Phim tuyên truyền: đủ thương sẽ đủ yêu!
Có thể nói Hợp đồng bán mình đánh dấu bước chuyển mình đáng kể của dòng phim tuyên truyền nói chung, của hãng Giải Phóng nói riêng, trong hành trình tiếp cận công chúng. Đã bốn năm kể từ tác phẩm đặt hàng gần nhất Đường xuyên rừng (đạo diễn Xuân Cường) ra mắt người xem, hãng phim Giải Phóng mới trình làng sản phẩm phim truyện điện ảnh mới.
|
Cảnh phim Hợp đồng bán mình |
Quy trình duyệt kịch bản, cấp kinh phí làm phim của những tác phẩm đặt hàng sẵn sàng làm nản lòng bất cứ ai làm phim Nhà nước. Ban đầu đạo diễn được nhắm đến là Đinh Thái Thụy - một người trẻ được đánh giá cao trong dòng phim chính luận - nhưng thời gian chờ rót tiền để thực hiện quá lâu, anh phải nhận những dự án khác kiếm sống, cho đến khi phim được bấm máy thì anh lại vướng lịch. Thủ tục đầu tiên - tiền đâu cũng làm khó khâu diễn viên, đoàn phim phải chọn đi chọn lại bốn lần mới xong.
Đạo diễn Trần Ngọc Phong thổ lộ: “Ban đầu hãng phim đã mời một số hoa hậu, người mẫu nổi tiếng vào vai nữ chính, nhưng chờ mãi phim không quay, các cô dần bỏ cuộc, còn người nhận lời thì hét cát-sê đến 1,5 tỷ đồng (quay ở TP.HCM) - 1,7 tỷ đồng (quay ở tỉnh) nên kinh phí phim không kham nổi. Có lẽ vì vậy mà xem xong, nhiều khán giả thấy tiếc vì sức nặng của phim giảm hẳn do nữ chính Phan Hoàng Kim (vai Ngọc Lam) diễn xuất còn khá non.
Việc sở hữu dàn diễn viên hoặc quá mới như Phan Hoàng Kim hay Thủy Phạm (vai Ngọc Thủy - chị gái Ngọc Lam), hoặc không phải là những ngôi sao tên tuổi như Minh Luân, Lâm Vissay cũng là lý do khiến khâu phát hành gặp khó khăn. Hai yếu tố cơ bản để phim lọt vào hệ thống phát hành lớn là chi phí phát hành (khoảng 2 tỷ đồng) và ngôi sao phòng vé thì Hợp đồng bán mình đều không thể đáp ứng.
Vì vậy, con đường đến với khán giả của phim sau đêm ra mắt ngày 5/11, chỉ là một buổi chiếu trong khuôn khổ tuần lễ phim chào mừng Liên hoan phim Việt Nam 2019 (từ ngày 4/11-12/11), và trong tương lai là bán vé ở vài cụm rạp nhỏ lẻ trực thuộc Nhà nước như Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội), Đống Đa Cinema (TP.HCM). Một hướng khác giúp phim đến với công chúng mà đơn vị sản xuất đang xúc tiến, đó là đưa phim vào trường học với mức phí chiếu rất phải chăng.
Sau nhiều năm tạm ngưng, dòng phim đặt hàng được khởi động trở lại từ năm nay với màn mở đầu của Hợp đồng bán mình. Dẫu đã có những đổi mới về tư duy chọn kịch bản, phong cách thể hiện, nhưng phải thừa nhận dòng phim tuyên truyền như Hợp đồng bán mình không thể nào đủ lực để bán vé.
Hương Nhu