Buộc chủ thuê bao bổ sung ảnh chân dung: Quản thông tin hay quản… nhân diện?

21/06/2017 - 00:05

PNO - Nếu đã vì lí do an ninh phải quản chặt và gây phiền đến người dùng di động, thì sao không sử dụng giải pháp có yếu tố bền vững thay vì sử dụng yếu tố thiếu tính ổn định là… quản lí gương mặt?

Xét về tổng thể, Nghị định 49/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6.4.2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông có nhiều điểm mới quản lí tích cực hơn.

Buộc chặt, quản kĩ

Một trong những điểm mới và tích cực nhất là qui trách nhiệm về một đầu mối là doanh nghiệp viễn thông. Nên nhớ rằng, tình trạng SIM rác – tin nhắn rác, thuê bao ảo… bùng phát mạnh trong những năm qua có nguyên nhân chủ yếu do các nhà mạng buông lỏng quản lí, tiếp đến là do cơ quan chức năng nương tay xử nhẹ hết lần này đến lần khác.

Bởi, nếu nhà mạng kiểm soát chặt việc đăng kí thông tin chính chủ, cơ quan quản lí xử nghiêm sự lơ là này, thì sự tình đã không diễn ra như ngày nay.

Buoc chu thue bao bo sung anh chan dung: Quan thong tin hay quan… nhan dien?
Nhiêu khê quy định đăng ký thuê bao di động kèm ảnh chân dung. Ảnh minh họa.

Như vậy, vấn đề quản thông tin lâu nay đã không được nghiêm và chặt. Nghị định 49/2017/NĐ-CP, như một động thái mạnh mẽ hơn để chỉnh đốn lại, tăng cường quản lí chặt chẽ hơn. Và với những nét mới như những điểm nêu trên hầu hết được người dùng di động ủng hộ.

Thuận tiện quản lí – Phiền phức người dùng

Việc siết chặt quản lí TBDĐ, theo người viết, cần được ủng hộ. Trên thực tế, những hệ lụy của hàng chục năm buông lỏng quản lí như thế nào chúng ta quá rõ, và nó gây phiền, gây bực bội, thậm chí gây bất bình ra sao thì chúng ta cũng đã thấm thía.

Trong nhiều qui định mới tích cực của Nghị định 49/2017/NĐ-CP, chỉ duy một điểm gây xôn xao dư luận chính là qui định thuê bao di động phải đến cửa hàng/điểm giao dịch của nhà mạng để cập nhật ảnh chân dung chính chủ (chụp tại đây hoặc mang ảnh chân dung đến để đối chiếu, xác nhận chính chủ) vào hồ sơ đăng kí sử dụng dịch vụ.

Những ngày qua, tại các cửa hàng/điểm giao dịch của nhà mạng đã triển khai bổ sung việc chụp ảnh chân dung chính chủ vào qui trình thủ tục đăng kí sử dụng dịch vụ đối với các thuê bao mới, cho thấy không có gì nhiêu khê và quá mất thời gian.

Tuy nhiên, vấn đề gây xôn xao dư luận chỉ nằm ở một điểm: Các thuê bao cũ đã và đang sử dụng dịch vụ phải đến điểm giao dịch để cập nhật ảnh chân dung chính chủ vào hồ sơ lưu.

Hiện nay cả nước có khoảng hơn 130 triệu TBDĐ, thì cũng hầu hết số thuê bao này chưa có ảnh chân dung lưu trong hồ sơ. Với qui định mới, 130 triệu TBDĐ phải cập nhật ảnh chân dung chính chủ, sẽ phải đích thân đến cửa hàng/điểm giao dịch, tính ra bình quân mỗi tháng các nhà mạng phải giải quyết việc này cho gần 11 triệu thuê bao.

Buoc chu thue bao bo sung anh chan dung: Quan thong tin hay quan… nhan dien?
Hiện nay cả nước có khoảng hơn 130 triệu TBDĐ, thì cũng hầu hết số thuê bao này chưa có ảnh chân dung lưu trong hồ sơ. 

Đối với nhà mạng đây là một thách thức, còn đối với người dùng chắc chắn sẽ không tránh khỏi được phiền phức. Hàng chục triệu người, trong đó có những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, heo hút, vùng hải đảo cách trở… sẽ phải mất thời gian đi lại, chi phí di chuyển để cập nhật ảnh chân dung.

Nhà mạng, nếu có tổ chức các tổ đội lưu động để giúp khách hàng bớt đi xa, thì cũng khó mà rộng khắp hết được. Song, nếu không xử lí kịp tiến độ thì sẽ bị phạt, còn TBDĐ thì sẽ bị cắt SIM – số.

Thời gian qua, trong thủ tục đăng kí sử dụng dịch vụ thông tin di động phía nhà mạng cũng đã chủ động sao lưu chứng minh nhân dân của người đến trực tiếp đăng kí dịch vụ, và trong chứng minh nhân dân đương nhiên là đã có ảnh chân dung và dấu vân tay.

Việc buộc người dùng di động cập nhật thêm ảnh chân dung chính chủ, sẽ dẫn đến một số tình huống: Trường hợp thứ nhất là cần thiết vì ảnh chụp trong chứng minh nhân dân đã quá lâu, vì thế cần cập nhật ảnh mới nhất. Trường hợp thứ hai, không nhất thiết vì ảnh chân dung mới với ảnh trong chứng minh nhân dân cũng không có khác biệt gì. Trường hợp thứ ba, hình ảnh vốn dĩ là yếu tố không ổn định, vì theo thời gian trong tương lai cũng sẽ thay đổi, dị biệt so với hiện tại, theo đó ảnh chụp chân dung chính chủ vào năm 2017-2018 cũng sẽ không giống gương mặt thật sau 10, 15 năm tới. Không lẽ lúc ấy lại bắt TBDĐ đến cửa hàng/điểm giao dịch để cập nhật lại ảnh chân dung?

Nếu đã vì lí do an ninh phải quản chặt và gây phiền đến người dùng di động, thì sao không sử dụng giải pháp có yếu tố bền vững thay vì sử dụng yếu tố thiếu tính ổn định là… quản lí gương mặt?

Thụy Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI