Bước chân khác biệt của các cây bút trẻ

16/12/2023 - 07:34

PNO - Từng là “cái nôi” phát hiện và giới thiệu những tác giả trẻ nhưng cuộc thi Văn học tuổi 20 của Nhà xuất bản Trẻ phải tạm ngừng sau mùa giải lần VII/2022. Điều đáng mừng là Nhà xuất bản Trẻ đã tiếp tục chú trọng giới thiệu những tác phẩm mới của các cây bút trẻ ấn tượng.

Những phát hiện mới
Đại diện Nhà xuất bản (NXB) Trẻ cho biết: “Tuy cuộc thi Văn học tuổi 20 đã tạm ngừng, chúng tôi vẫn muốn tiếp tục hỗ trợ các tác giả mới, có tác phẩm chất lượng đến với đông đảo bạn đọc”.

3 tác phẩm được giới thiệu lần này gồm tập truyện ngắn Lạc đà bay của Võ Đăng Khoa, 2 người trong 1 ngăn tủ của Phát Dương và truyện dài Dị bản của Nguyễn Đinh Khoa. Trong đó Lạc đà bay là tác phẩm đầu tay của Võ Đăng Khoa - tác giả sinh năm 2001, đã đạt nhiều giải thưởng về truyện ngắn. Trước Dị bản, Nguyễn Đinh Khoa cũng từng thắng giải tư ở Văn học tuổi 20 lần VI với truyện dài Độc hành. Phát Dương sáng tác đều tay ở nhiều thể loại, dành cho nhiều đối tượng và cũng từng có tác phẩm Tự nhiên say được chọn vào cuộc thi trên của NXB Trẻ. 

Bộ 3 tác phẩm của 3 nhà văn trẻ vừa được Nhà xuất bản Trẻ phát hành
Bộ 3 tác phẩm của 3 nhà văn trẻ vừa được Nhà xuất bản Trẻ phát hành

Lạc đà bay gồm 10 truyện ngắn, chủ yếu xoay quanh vùng Tây Nam Bộ, nơi tác giả sinh ra và lớn lên. Ở đây ta vẫn thấy được những điểm thân quen với thế hệ cầm bút đi trước như Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư… trong cách khai thác nội dung về cuộc sống của con người nơi đây, đặc biệt là phụ nữ nhưng với một phong cách riêng.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận xét Võ Đăng Khoa là cây bút “chững chạc, tự tin, tưởng tượng phong phú, tinh tế trong chi tiết”. Đọc tác phẩm này, không có cảm giác đây là tập truyện ngắn đầu tay của một tác giả vừa bước qua tuổi 20.

Còn với 2 người trong 1 ngăn tủ, cây bút Phát Dương sinh năm 1995 đã tái hiện rất nhiều vấn đề của thế hệ trẻ: thực trạng con người ngày càng đánh mất chính mình trong cuộc sống thật, dần trở thành “nô lệ” cho tiền tài, cho vật chất… Bằng khả năng liên tưởng và sử dụng hình tượng độc đáo, Phát Dương đã kết hợp được rất nhiều phong cách văn chương như siêu thực, huyền ảo, phản địa đàng… để biến các truyện ngắn này trở nên đặc biệt.   

Dị bản của Nguyễn Đinh Khoa mang yếu tố khoa học viễn tưởng. Lấy cảm hứng từ thế giới công nghệ ngày càng phát triển, tác giả đã đặt ra vấn đề về tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo cũng như mặt trái của nó như con dao 2 lưỡi, phục vụ cho sự phát triển nhưng cũng có thể bị lạm dụng và trở thành dấu chấm hết cho nền văn minh. 

Dấu ấn khác biệt

Thoát khỏi dòng văn hiện thực thường thấy, cả 3 tác giả đã thử thách bản thân ở nhiều đề tài mới mẻ, thức thời và nóng bỏng hơn. Các sáng tác này bám rất sát những sự kiện, hiện tượng… diễn ra trong vài năm qua, từ đó tái hiện những vấn đề xoay quanh thế hệ trẻ.

Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, tác giả Võ Đăng Khoa cho biết: “Vấn đề của tác giả trẻ là thiếu trải nghiệm sống và kỹ năng viết có thể hạn chế. Nhưng họ lại có lợi thế lớn là có nhiều thời gian để học hỏi và cải thiện”. Điều này cũng thấy rất rõ trong cách 3 tác giả triển khai đề tài. Văn chương của họ không thuần túy chỉ được tạo lập từ các từ ngữ, suy ngẫm cũng như quan sát cá nhân, mà có sự tìm tòi, nghiên cứu liên bộ môn, nhằm mang đến những dấu ấn khác biệt. Chẳng hạn trong Dị bản, kiến thức về sinh học, xây dựng, triết học, âm nhạc… chiếm một vai trò lớn, từ đó mang đến màu sắc rất riêng.

Từ trái sang: Võ Đăng Khoa, Phát Dương và Nguyễn Đinh Khoa
Từ trái sang: Võ Đăng Khoa, Phát Dương và Nguyễn Đinh Khoa

Đối tượng họ hướng đến cũng đặc biệt hơn: người khuyết tật, cộng đồng LGBTQ+, người trải qua các chấn thương tâm lý và những cá thể yếm thế khác. Tác giả Nguyễn Đinh Khoa chia sẻ: “Tôi bắt đầu ấp ủ Dị bản từ một ý niệm rất đơn giản là viết về những nỗ lực tột cùng của một người từng bị bạo hành về mặt tinh thần muốn kết nối lại với người thân. Từ bi kịch của một gia đình, tôi đặt nhân vật vào bức tranh của thời đại: dịch bệnh, sự bùng nổ của AI cho đến viễn cảnh diệt vong của con người. Chúng ta đang mất dần sự kết nối giữa con người với con người, giữa con người với điều kiện sống xung quanh”.

Ngay cả khi viết về những vấn đề cũ, các nhà văn trẻ vẫn luôn biết cách để làm mới chúng. Chẳng hạn, viết về vùng Tây Nam Bộ, Võ Đăng Khoa kết hợp với các yếu tố phản địa đàng về biến đổi khí hậu, khủng hoảng dân số.

Các tác phẩm mới này cho thấy thế hệ những cây viết trẻ đang tạo những bước chân rất riêng trên hành trình văn chương của mình, hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều sự thú vị mới cho độc giả. Điều NXB Trẻ đã và đang làm là rất cần thiết để cổ vũ họ và cũng rất cần thêm sự chung sức của các NXB khác, các cơ quan truyền thông, quản lý và công chúng. 

Ngô Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI