Bụng to, người khác thường, đi khám “khổ chủ” mới biết mình vỡ kế hoạch

18/12/2016 - 06:30

PNO - Mang thai, sinh con là sự kiện nhiều bà mẹ trông ngóng. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp, một ngày bỗng dưng... Bụng to, người khác thường, đi khám “khổ chủ” mới biết mình vỡ kế hoạch.

Vỡ kế hoạch

Mắc bệnh tim thông liên nhĩ lỗ lớn và sau khi sinh con đầu lòng vào năm 2015, chị Trần Ngọc T. (29 tuổi, ở Bình Chánh, TP.HCM) được BS cảnh báo không nên sinh nở nữa, vì rất nguy hiểm cho sức khỏe. Lời dặn này như án treo, khiến chị T. canh cánh lo lắng. Thế nhưng, khi quan hệ với chồng, chị lại quên ngừa thai.

Sau đó, chị T. cũng thắc thỏm, nhưng đang cho con bú nên chị không dám uống thuốc ngừa thai khẩn cấp, đồng thời nghĩ: “Đang cho con bú, chắc không dính bầu đâu”. Khi cơ thể thay đổi: buồn ngủ, ăn nhiều hơn và bụng ngày càng to, chị T. vẫn nghĩ do bận bịu, thức khuya chăm con nên thèm ngủ, lại được mẹ chồng tẩm bổ thường xuyên món chân giò hầm đu đủ để có nhiều sữa nên người phì ra…

Bung to, nguoi khac thuong, di kham “kho chu” moi biet minh vo ke hoach

Đến một hôm, bỗng cảm nhận có gì cựa quậy trong bụng, chị mua que thử thấy hai vạch, liền tới BV Hùng Vương khám. Kết quả siêu âm cho thấy, chị T. đã mang thai 17 tuần, trong khi con đầu của chị mới 11 tháng. Nghe tin, chị T. chỉ biết khóc và càng buồn hơn khi BS phân tích: "Giữ thai thì nguy hiểm vì mẹ có thể bị mệt bất cứ lúc nào, lại dễ biến chứng khi mang thai như phù phổi cấp, khi đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi và cả mẹ. Nếu mẹ giữ được thai đến cuối kỳ cũng nguy hiểm, vì không thể sinh thường và sinh mổ cũng không an toàn. Việc hủy thai ở giai đoạn 17 tuần cũng đầy rủi ro, bất trắc với người bệnh tim".

Bung to, nguoi khac thuong, di kham “kho chu” moi biet minh vo ke hoach

Còn chị Lê Phương N. (32 tuổi, ở Cai Lậy, Tiền Giang) khi phát hiện mang thai lần 3, chị thấy những dấu hiệu: nôn ói, đau bụng nên nghĩ mình ốm nghén. Tình trạng khó chịu ngày càng nặng, chị đến cơ sở y tế địa phương khám thì được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa.

Uống thuốc một tuần không đỡ, chị đau bụng dữ dội, sốt và lạnh run nên được gia đình chuyển lên Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám khi thai 19 tuần. Các BS chụp MRI và phát hiện chị N. bị ung thư đại trực tràng ở giai đoạn muộn và khối u đã vỡ, nhiễm trùng.

Ôm con như ôm... bom

Với nhiều trường hợp vỡ kế hoạch, người phụ nữ dù muốn cũng không thể bỏ thai, bởi rất nguy hiểm. Như trường hợp của chị N., chị bị nhau thai tiền đạo trung tâm, nghi thai nhau cài răng lược - mà thai của chị đã gần năm tháng nên không thể áp dụng các biện pháp hủy thai.

BS cảnh báo: “Nội tiết tố của thai tiết ra có thể làm tình trạng bệnh ung thư diễn tiến nặng hơn và khi mổ lấy thai có thể phải cắt cả tử cung của mẹ”. Vì thế, chị N. mang thai mà hồi hộp như... mang bom trong người. Chị tâm sự: “Mỗi sáng dậy, được thấy mặt trời là tôi biết mình đã sống thêm một ngày. Lo cho mình thì ít, mà lo cho đứa nhỏ trong bụng thì nhiều, sợ mẹ bệnh thế này, con ra đời có bình thường? Tôi có mệnh hệ gì, hai đứa con năm tuổi và tám tuổi cũng mồ côi mẹ”.

Chị N. luôn tự trách “vì cha mẹ ẩu mà con cái khổ”. Hiện nay, giải pháp duy nhất để cứu tính mạng chị là phẫu thuật cắt bỏ khối u và sau đó tiến hành hóa trị, nhưng chị chỉ thực hiện được một nửa, bởi đang mang thai không thể hóa trị.

BS Võ Duy Long, Phó khoa Ngoại tiêu hóa BV ĐH Y Dược và ê kíp đã thực hiện ca mổ khó này: phẫu thuật cắt u, nạo hạch và mở hậu môn nhân tạo cho chị T. Điều đáng lo nhất đã không xảy ra: chị không bị sẩy thai. Hiện thai nhi đang phát triển tốt và các BS chờ đến cuối thai kỳ sẽ đưa bé ra ngoài để tiến hành hóa trị cho mẹ.

Cũng mang tâm trạng day dứt, hối hận nên chị T. không ngày nào yên giấc. Thai càng lớn, chị càng mau mệt. Nhiều đêm, chị chỉ ngủ ngồi, vì nằm xuống là tức ngực, khó thở. Chị từng vào bệnh viện cấp cứu vì bị rối loạn nhịp tim, phù phổi cấp gây khó thở, ngất xỉu. Chồng và cha mẹ, anh chị hai bên đều không thể ăn ngon, ngủ yên vì lúc nào cũng ngay ngáy lo cho sức khỏe của chị, đếm ngược từng ngày em bé ra đời.

Theo BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, có nhiều trường hợp chị em mang bầu vì vỡ kế hoạch trong khi mẹ mắc bệnh mạn tính như suy tim, suy thận hay lupus ban đỏ… Không chỉ thai nhi bị ảnh hưởng, mà tính mạng của mẹ cũng nguy hiểm.

Nhiều trường hợp phát hiện có bầu khi thai đã lớn, giữ thai thì không an toàn, mà bỏ cũng nguy hiểm nên đây là thử thách không chỉ cho người mẹ, mà còn cả BS sản khoa và BS chuyên khoa tim mạch, gan, niệu… Khi mang thai, cơ thể người mẹ sẽ có sự biến đổi về nội tiết, tuần hoàn…, đồng thời khi mang thai sức đề kháng của phụ nữ cũng suy giảm bệnh dễ tấn công hơn so với người bình thường như bệnh Zika, H5N1…

Do đó, dù là người sức khỏe bình thường hay có bệnh mạn tính cũng nên chủ động ngừa thai, nhất là những trường hợp suy tim, suy thận, ung thư… thì không nên đánh cược với tính mạng của mình và con. Khi muốn mang thai, chị em nên đi khám sản khoa để được đánh giá sức khỏe, tư vấn đầy đủ.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI