Dù ngành y tế tuyên truyền sâu rộng, nhưng nhiều nơi người dân vẫn chủ quan, ý thức phòng ngừa dịch bệnh kém, không đến bệnh viện (BV) điều trị kịp thời.
Mỗi tuần hơn 200 người nhập viện
Sáng 11/8, tại các BV Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) đều đông nghẹt BN đến khám, trong đó có nhiều người bị sốt ngày thứ 2-3. Tại khu khám bệnh BV Nhi Đồng 2, anh Trần Văn T. (P.An Phú, Q.2) vừa dìu cậu con trai mặt đỏ lừ, vừa điện thoại cho người thân: “Con nhập viện rồi, bị SXH”. Anh T. cho biết, con anh 13 tuổi, bị sốt ngày thứ 5. Khi bé mới sốt, anh đã đưa đến khám tại một cơ sở y tế ở Q.2 nhưng được chẩn đoán viêm họng cấp. Tái khám, BS vẫn kết luận do viêm họng, nhưng dặn theo dõi SXH.
Thấy con sốt cao, uống thuốc hạ sốt vẫn không hạ, anh đưa con lên BV Nhi Đồng 2 và được chẩn đoán bị SXH ngày thứ 5. BS Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2 cho biết, hiện có 40 ca SXH đang điều trị nội trú, trong đó có hai trường hợp nặng đang theo dõi ở phòng Chăm sóc tăng cường. Tháng 6/2016, BV Nhi Đồng 2 có 125 ca SXH điều trị nội trú, nhưng tháng Bảy, tăng đến 237 ca và 10 ngày đầu tháng Tám đã có 135 ca nhập viện do SXH.
|
Bệnh nhi bị sốt xuất huyết đang được người nhà lau mát để hạ nhiệt (ảnh chụp chiều 11/8 tại Bệnh viện Nhi Đồng 2) - Ảnh: Phùng Huy |
Tại BV Nhi Đồng 1, ngày 11/8 có gần 70 ca SXH đang điều trị nội trú, trong đó hơn 10 ca nặng. 50% ca bệnh đến từ các tỉnh. Chị Phạm Thị Hà, 36 tuổi, ở Q.Tân Phú đang nuôi con bệnh tại khoa SXH BV Nhi Đồng 1 mệt mỏi cho biết, chị vừa mới “ra trại” lại phải “nhập trại”. Chị chia sẻ: “Nhà tôi có hai đứa con thì cả hai cùng bị SXH. Đứa con trai lớn bảy tuổi vừa xuất viện tuần trước, giờ tới thằng em ba tuổi”. Lượng bệnh nhi nhập viện khá đông, không đủ giường nằm, nhiều ông bố bà mẹ phải bế con ra ngoài sân hoặc mắc võng ở hành lang.
Chỉ trong vòng chưa đầy nửa giờ trong buổi sáng 11/8, Khoa Khám bệnh - BV Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận khoảng 50 lượt BN đến khám bệnh. Theo quan sát của chúng tôi, khoảng 50% BN đến khám là trẻ em từ ba-bảy tuổi. Rất nhiều BN trong tình trạng sốt cao, nôn ói, mệt mỏi… Đứng thấp thỏm bên hàng ghế chờ đợi, anh Nguyễn Minh Khang (31 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) cho biết: “Đêm qua con tôi đột nhiên sốt cao, khóc suốt đêm. Thấy cháu có một vài triệu chứng giống SXH nên tôi đưa đến đây khám cho yên tâm. Cháu mới hơn hai tuổi, thể trạng lại khá yếu nên vợ chồng tôi rất lo lắng khi cháu bệnh”.
Cũng theo anh Khang, ở khu vực anh đang sống, gần đây muỗi bùng phát khá nhiều. Gần nhà anh đã có một cháu bé sáu tuổi vừa nhập BV Nhi Đồng 1 để điều trị SXH. Dù gia đình anh đã có nhiều biện pháp phòng tránh nhưng vẫn không tránh khỏi. Trong 10 ngày đầu tháng Tám, BV Bệnh nhiệt đới đã có gần 200 BN nhập viện điều trị và theo dõi SXH. BN tập trung ở các Q.Bình Tân, Q.8, H.Bình Chánh, Nhà Bè. Từ đầu tháng Tám tới nay, Khoa Nội của BV An Sinh cũng đã tiếp nhận 16 BN SXH, hiện có bốn BN SXH đang điều trị.
|
Bệnh nhi bị sốt xuất huyết đang điều trị tại BV Nhi Đồng 2 (Ảnh chụp chiều 11/8) |
Tại BV Nhân dân Gia Định, nhiều người dân cũng đang thấp thỏm chờ kết quả xét nghiệm SXH. Ôm đứa con gái nhỏ, chị Trần Thị Thu Thủy (Q.Gò Vấp) buồn bã: “Tôi đang chờ kết quả xét nghiệm. Con tôi bị sốt, uống thuốc hai ngày không giảm. Hôm qua tôi ra nhà thuốc thì được khuyên nên đưa cháu đến BV vì cháu có những triệu chứng như bị SXH”. Anh N.Hào (Q.Bình Thạnh) kể: “Vợ tôi bị sốt, nôn ói hai ngày liền. Đến đây khám thì BS phát hiện vợ tôi bị SXH, giữ lại điều trị ba ngày nay”. BS Hồ Văn Hân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhân dân Gia Định cho biết, từ đầu tháng Bảy đến nay, BV đã tiếp nhận 50 lượt BN nhiễm SXH. Tính từ ngày 1/8 đến nay, đã có 33 lượt BN nhập viện điều trị bệnh này. Hiện đang vào mùa dịch, số lượng BN tăng khá cao.
Về diễn tiến của dịch SXH, BS Nguyễn Trí Dũng, nhận định: “Số ca SXH đang tăng mạnh”.
Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính từ đầu năm tới nay, tổng số ca mắc SXH tại TP cao hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 57%. Trong tháng Bảy, toàn TP có 875 ca SXH nhập viện. Khoảng một tháng trở lại đây, trung bình mỗi tuần có hơn 200 ca SXH.
Lơ là phòng bệnh
Trước tình hình SXH diễn biến phức tạp, Trung tâm Y tế dự phòng TP đã chỉ đạo các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện phối hợp với địa phương, khu phố, tổ dân phố phân lập các điểm nguy cơ, tùy mức độ mà có hướng xử lý thích hợp. Với những nơi xảy ra ca bệnh tử vong, y tế dự phòng quận, huyện sẽ tiến hành diệt lăng quăng, phun xịt hóa chất ba lần, mỗi lần cách nhau một tuần. Theo chỉ đạo của Sở Y tế, sắp tới sẽ thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra và xử phạt hành chính các cá nhân, đơn vị, tổ chức để tồn tại lăng quăng và vật phế thải chứa nước ở cơ sở mình quản lý. Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, chủng vi-rút SXH vẫn không thay đổi. Theo ghi nhận, tại TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, người lớn bị SXH chiếm tỷ lệ cao hơn; trong khi tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì nhiều trẻ em mắc bệnh.
Theo thông tin từ ngành y tế, SXH không chỉ gia tăng ở TP.HCM mà từ đầu năm tới nay, số ca SXH trên cả nước cũng đã tăng gấp ba lần cùng kỳ năm 2015, lượng bệnh SXH ở khu vực miền Nam tăng 100% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, việc phòng chống dịch bệnh của người dân vẫn còn lơ là. Ngành y tế hiện đang giám sát 10.979 điểm có nguy cơ SXH trên địa bàn TP, ghi nhận 3.440 điểm có lăng quăng và phát hiện thêm 723 điểm nguy cơ mới phát sinh.
Dù bệnh SXH đang tăng cao, nhưng ở nhiều địa phương, ngay cả những vùng được “điểm danh” là có số ca mắc SXH cao như Bình Tân, Bình Chánh, Gò Vấp… người dân vẫn lơ là, việc tuyên truyền, phòng chống dịch của cơ quan chức năng cũng “khi có khi không”. Bình Chánh là nơi có nhiều kênh rạch, là ổ muỗi nhưng người dân vẫn dùng lu chứa nước mưa. Khi được hỏi không sợ bị SXH sao để trước nhà đến ba lu nước, bà Hai C. ở xã Tân Quý Tây phẩy tay: “Mấy đứa cháu tui nó chạy chơi ầm ầm, muỗi nào cắn được”. Bà tỏ ra hoàn toàn xa lạ với thông tin người lớn cũng bị SXH vì “xưa giờ ở đây có thấy người lớn nào bệnh SXH đâu”.
Hỏi đến việc chính quyền địa phương có phun thuốc, tuyên truyền phòng chống SXH không, bà ngơ ngác: “Tui có biết đâu, mà cũng không để ý nữa, tối ngày lo giữ cháu rồi ai mướn gì làm đó, thời gian đâu để mắt tới mấy chuyện đó”. Còn ở Gò Vấp, nơi cũng được xem là “cái nôi” của bệnh SXH với nhiều vườn hoa, vườn kiểng, lu vại là những điểm lý tưởng cho muỗi sinh sống, chị Phan Thị T. ở KP.11, P.16, thật thà nói, chị chỉ biết chuyện SXH qua báo chí, còn chị dù có hai con nhỏ, rất sợ con bệnh nhưng chưa thấy ai đến nhà phun thuốc hay tuyên truyền phải phòng chống SXH như thế nào.
Nhiều bệnh nhân do sai lầm đã khiến bệnh diễn tiến nặng, phức tạp hơn, gây khó khăn, tốn kém trong điều trị, đặc biệt là nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Khi sốt, không nên tự mua thuốc điều trị. Một số thuốc có thể gây xuất huyết. Khi sốt, nhiều người nghĩ mình bị cảm cúm, trúng mưa, trúng nắng nên cạo gió, giác hơi, cắt lể, hành động này rất nguy hiểm vì cũng gây xuất huyết nặng hơn. Việc lạm dụng truyền dịch có thể gây tràn dịch màng bụng, màng phổi, gây suy hô hấp, dễ dẫn đến tử vong. BS Phạm Kiều Nguyệt Anh (Khoa Cấp cứu người lớn, BV Bệnh nhiệt đới) Chủ quan, đến bệnh viện thì đã muộn Ba tuần qua, tại ấp 1, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết (SXH). Dù ngành y tế dự phòng huyện khoanh vùng kiểm soát, phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng, kết hợp tuyên truyền người dân phòng chống dịch bệnh, nhưng đến nay đã ghi nhận 13 ca mắc bệnh, trong đó có một trường hợp tử vong. Cụ thể, lúc 18g ngày 7/8, bệnh nhân N.T.G. (SN 1973, ngụ tổ 10, ấp 1, xã Đông Thạnh) nhập Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn với biểu hiện sốt cao, được chẩn đoán bị sốc SXH Dengue ngày 4. Ngay sau đó, chị G. được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Tuy nhiên, bệnh nhân bị suy tạng nặng, không còn khả năng cứu chữa. Ông Nguyễn Văn Nhị, Trưởng ấp 1, xã Đông Thạnh, cho biết, chị G. có biểu hiện sốt trước đó vài ngày nhưng chủ quan đi khám phòng mạch tư. Lúc gia đình đưa chị đến bệnh viện thì đã muộn. Theo Trung tâm Y tế dự phòng H.Hóc Môn, từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 456 ca SXH, trong đó, khu vực ấp 1, xã Đông Thạnh được xem là “điểm nóng”. Từ ngày 22/7-8/8, nơi này đã có bảy ca SXH. Đến ngày 10/8, có thêm sáu ca bệnh mới. Hoài An |
Thùy Dương - Thanh Huyền - Sơn Vinh