Bùng phát chiêu lừa tiền cổ

23/01/2014 - 11:58

PNO - PN - Tin là số tiền đô la, đồng vàng cổ do các băng nhóm lừa đảo vẽ ra có giá trị thực tế lên đến hàng trăm tỷ USD, nhiều phụ nữ đã sập bẫy lừa. Gần cuối năm, các băng nhóm lừa đảo bằng chiêu thức này xuất hiện càng...

edf40wrjww2tblPage:Content

TỪ KHO BÁU HOA MAI HỘI…

Ngày 21/1/2014, Đại tá Nguyễn Xuân Mừng, Phó Cục trưởng Cục An ninh điều tra Bộ Công an cảnh báo, người dân nên đề phòng tổ chức lừa đảo có tên Hoa Mai Hội hiện đã biến tướng thành “Gia đình nhà Rồng”. Theo xác minh của cơ quan điều tra, nhiều năm qua, tổ chức này đã liên tục tung tin đồn về hàng trăm kho tiền cổ có trị giá lên đến 900 tỷ USD nằm rải rác khắp cả nước.

Các thành viên của Hoa Mai Hội đã thuyết phục những người nhẹ dạ là Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương cho khai thác và sẽ trao thưởng lên tới hàng trăm triệu USD nhưng với điều kiện phải là thành viên của Hoa Mai Hội. Điều kiện để vào hội này là đóng các loại tiền để “ngoại giao”, thăm hỏi các cụ cao niên trông giữ... kho báu.

Bung phat chieu lua tien co

Ảnh minh họa. Nguồn: van-hien.vn.

Theo trình báo của ông C. (ngụ huyện Bình Chánh), tháng 8/2012, ông gặp Nguyễn Thành Chơn (ngụ Q.6). Chơn xưng danh là thành viên của Hoa Mai Hội, đang nắm giữ chìa khóa và kho báu tỷ đô. Chơn còn trưng ra hàng loạt giấy tờ đặc biệt như thẻ bất khả xâm phạm của Ban Cố vấn chiến lược trung ương, giấy công lệnh, giấy giới thiệu của Ban Cố vấn chiến lược trung ương mà Chơn là thành viên của tổ công tác đặc biệt. Thấy ông C. đã choáng ngợp vì “vị thế” của “người đặc biệt”, Chơn đưa ra hai hộp kim loại có in hình tiền USD ghi sản xuất năm 2003-2006, mỗi hộp đại diện cho 274 tỷ 300 triệu USD. Nếu ông C. nộp hai hộp này cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ hoặc Ngân hàng thế giới sẽ nhận được số tiền thưởng bằng 0,5% của tổng số hơn 270 tỷ USD.

Tin lời Chơn, ông C. đã đưa hơn hai tỷ đồng để tham gia. Trước khi “vận chuyển kho tiền” từ Kiên Giang về như Chơn nói, ông C. còn được gặp một vị "cao niên trông giữ kho báu" do Chơn dẫn đến. Sau nhiều tháng chờ đợi không thấy kho báu xuất hiện, ông C. nhận ra mình đã bị lừa và đi trình báo. Theo xác minh của cơ quan an ninh, vị cao niên mà C. dẫn đến thực chất là một... ông lão chăn vịt ở huyện Cần Giờ.

Sau khi bắt giữ Chơn, cơ quan an ninh điều tra phát hiện thêm, Hoa Mai Hội đã có những hoạt động ở nhiều tỉnh thành, nạn nhân của tổ chức lừa đảo có cả các cán bộ hưu trí và một số người đang làm việc trong cơ quan nhà nước. Để tiếp tục tồn tại bất hợp pháp, Hoa Mai Hội thay tên, trở thành “Gia đình nhà Rồng”.

Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, đối tượng cầm đầu Lê Văn Dũng (tự xưng là Ba Vương, Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam) giữ chức danh Tổng tài chủ - Vua tài chính toàn cầu đại diện cho “Gia đình nhà Rồng” thuộc tổ chức Hoa Mai Hội, sở hữu nhiều kho báu, kho tiền đô la rải khắp Việt Nam, trong đó có một kho vàng ở Đăk Lăk.

Tham gia nhóm của Dũng còn có Ngô Văn Hân (tự xưng là Trung tướng an ninh), Nguyễn Phú Quốc - Giám đốc công ty “Đầu tư xây dựng Miền Nam QK” và một người đàn ông tên Vinh tự xưng là “cụ” trông kho vàng tại Đăk Lăk. Nhóm này đã tụ tập tại Đăk Lăk vào tháng 8/2013 làm thủ tục kiểm kê kho báu của “Gia đình nhà Rồng” thuộc tổ chức Hoa Mai Hội ở huyện Lăk rồi đào bới tại khu vườn một nhà dân. Khi chính quyền địa phương đến kiểm tra, nhóm này không xuất trình được giấy tờ nên bỏ đi.

…ĐẾN BIẾN TƯỚNG THÙNG TIỀN K22

Ngoài tổ chức lừa đảo Hoa Mai Hội, gần đây trên địa bàn TP.HCM còn xuất hiện một nhóm lừa đảo có chiêu thức tương tự, nhưng “vẽ” ra một thùng tiền USD cổ có ký hiệu K22 để gây sự tò mò. Theo lời đồn, ai có các đồng tiền cổ này sẽ được nhiều ngân hàng ở Mỹ mua lại với giá hàng trăm tỷ USD. Các đối tượng lừa đảo vừa là người bán, vừa cho đồng bọn đóng vai người mua để dẫn dụ nạn nhân. Khi có người tham gia vào quá trình mua bán, bọn chúng sẽ “bật đèn xanh” cho đồng bọn bên mua từ chối mua lại số tiền đó khiến nạn nhân mất trắng.

Trong tháng 1/2014, công an Q.10 đã triệt phá một băng nhóm lừa đảo với thủ đoạn như trên, nhưng thực chất các đối tượng này chỉ là các chân rết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, “con cá mập” của đường dây lừa đảo này là một đối tượng xưng tên Dũng ở Hà Nội. Trong năm 2013, Dũng và một phụ nữ đã vào TP.HCM gặp hai người có nhu cầu mua tiền cổ ở Q.2. Thời điểm đó, Dũng tung tin sở hữu nhiều tiền cổ có giá trị quy đổi ra hàng ngàn tỷ USD và gửi hình ảnh vào email của nhiều người để chào mời mua với giá… 1 tỷ 50 triệu đồng. Chưa hết, Dũng còn rao bán tiền cổ và xuất hiện một đại gia tên Trần Thanh Cao (SN 1973, quê huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) có nhu cầu mua lại tiền cổ với giá ba tỷ. Tuy nhiên, Cao và Dũng không quen biết nhau.

Choáng ngợp trước “núi tiền”, chị Nguyễn Thị Hồng Lê (SN 1973, ngụ Q.2) đã cầm cố căn nhà ở P.Cát Lái, Q.2 để mua tiền cổ nhằm bán lại cho Cao. Chị Lê nhờ bạn trai là Trần Xuân Ba (SN 1965, ngụ Q.2) và Long (bạn của Xuân Ba) thực hiện giao dịch. Chị Lê đã chuyển khoản cho Long số tiền 1 tỷ 50 triệu đồng, Long giao lại một lốc 100 tờ “tiền cổ” mệnh giá 1.000.000 USD và hai lốc loại 100 USD. Hai bên thỏa thuận, sau khi bán số tiền này lại cho Cao được ba tỷ đồng, mỗi bên hưởng 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi chị Lê mua được tiền và liên lạc, Cao “lật kèo” không mua loại tiền nêu trên (ký hiệu C*) mà chỉ đồng ý mua loại tiền có ký hiệu #.

Dù mất trắng 1 tỷ 50 triệu đồng nhưng chị Lê vẫn cho là do mình “thiếu may mắn” vì chỉ sai ký hiệu nhỏ trên tờ tiền, vẫn tin tưởng “bánh vẽ” của nhóm lừa đảo Dũng và Cao. Cuối năm 2013, nghe tin Dũng bán thùng tiền ký hiệu K22 có giá trị sau khi quy đổi lên đến 3.000 tỷ USD, chị Lê đã nhận tiền từ một “người bí mật” do Cao giới thiệu, chuyển khoản cho Dũng 800 triệu đồng để mua. Thế nhưng, Dũng lại không bán thùng tiền K22 và cũng không trả lại tiền cọc. Khi chị Lê đang kiệt quệ vì rơi vào bẫy bọn lừa đảo thì bất chợt “người bí mật” xuất hiện. Ông này tên Phan Văn Ba (SN 1960, ngụ quận Thủ Đức), đến gặp chị Lê yêu cầu trả lại 800 triệu đồng. Do bị đe dọa, quấy rối nhiều lần, chị Lê hoảng sợ giao sổ đỏ mảnh đất ở huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) và 100 triệu đồng cho Văn Ba để cấn nợ.

Những tưởng vụ lừa đảo đến đây là chấm dứt, nhưng giữa tháng 1/2014, Cao và Văn Ba bị bắt khi đang lừa đảo bán tiền cổ cho một người ở Q.10. Trong phi vụ này, Xuân Ba (bạn trai chị Lê) cũng bị bắt. Như vậy, không loại trừ Xuân Ba đã "góp phần" gài bẫy chị Lê trước đó.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an kêu gọi các nạn nhân, người dân biết thông tin về Hoa Mai Hội hay các hình thức lừa đảo tương tự gửi thông tin đến email daklak_ca@yahoo.com hoặc số điện thoại 05003869438 để cung cấp thông tin.

Minh Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI