Bùng phát biểu tình bạo lực tại Ý, châu Âu ban hành các biện pháp hạn chế mới vì dịch COVID-19

28/10/2020 - 07:06

PNO - Trên khắp nước Ý, hàng trăm người biểu tình đã xuống đường phản đối những hạn chế nghiêm ngặt như đóng cửa các quán bar, nhà hàng… Đáng chú ý, nhiều cuộc biểu tình ở một số thành phố đã bắt đầu trở nên bạo lực.

Châu Âu ban hành các lệnh hạn chế mới

Các nước châu Âu đã ban hành các lệnh hạn chế mới nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm SARS-CoV-2 và cung cấp các biện pháp hỗ trợ kinh tế giúp đỡ doanh nghiệp tồn tại qua đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier phát biểu tại một hội nghị trực tuyến Đức-Pháp ở Berlin. “Chúng tôi đang đối phó với sự tăng trưởng theo cấp số nhân. Ở Đức, số ca nhiễm mới đang tăng 70-75% so với tuần trước".

Pháp, Ba Lan, Nga, Thụy Điển, Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục trong những ngày gần đây, khi thời tiết bắt đầu lạnh lên ở Bắc bán cầu. Tính đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 43,2 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 1,15 triệu người tử vong.

Số bệnh nhân nhiễm mới SARS-CoV-2 tiếp tục tăng cáo.
Số bệnh nhân nhiễm mới SARS-CoV-2 tiếp tục tăng cao tại châu Âu

Tại Pháp, Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin tuyên bố đất nước sẽ chuẩn bị cho "những quyết định khó khăn", khi một số hạn chế nghiêm ngặt nhất được áp dụng.

Chính phủ Séc đã yêu cầu các nhà lập pháp gia hạn tình trạng khẩn cấp cho đến ngày 3/12, cố gắng ngăn chặn một trong những đợt gia tăng mạnh nhất về dịch bệnh ở châu Âu.

Vùng sản xuất rượu vang La Rioja của Tây Ban Nha đã ra lệnh đóng cửa các nhà hàng và quán bar ở hai thị trấn lớn nhất trong một tháng. Cùng với đó, lệnh giới nghiêm toàn quốc cũng đã được chính phủ Tây Ban Nha ban bố, có hiệu lực từ ngày 25/10.

Ngoài ra, các nhà chức trách ở Nga, quốc gia có hơn 1,55 triệu ca nhiễm virus, đã ra lệnh cho mọi người đeo khẩu trang ở nơi công cộng và yêu cầu chính quyền khu vực xem xét đóng cửa các quán bar, nhà hàng.

Bùng phát biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế tại Ý

Hàng trăm người biểu tình đã xuống đường trên khắp nước Ý phản đối những biện pháp hạn chế mới, bao gồm đóng cửa các quán bar và nhà hàng. Đáng chú ý, các cuộc biểu tình ở một số thành phố đã bắt đầu trở nên bạo lực.

Tại Milan, các thanh niên ném bom xăng, hơi cay vào cảnh sát, ít nhất 28 người biểu tình đã bị bắt giữ. Trong khi ở Turin, các cửa hàng sang trọng bị đập vỡ cửa sổ và lục soát, dẫn đến việc cơ quan chức năng buộc phải bắt giữ 11 kẻ bạo loạn.

Các cuộc biểu tình bạo lực tại Ý.
Các cuộc biểu tình bạo lực tại Ý

Trước tình hình ngày càng nghiêm trọng, nội các của Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã chuẩn bị ban hành sắc lệnh mới, hỗ trợ 5 tỷ euro (5,8 tỷ USD) để giúp đỡ cho những người bị ảnh hưởng bởi các hạn chế. 

Ý đã chứng kiến hơn 20.000 ca bệnh mới bùng phát mỗi ngày. Khoảng 13.000 bệnh nhân COVID-19 đã phải nhập viện và gần 1.300 trường hợp đang được chăm sóc đặc biệt.

Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza cho biết: “Đây là những ngày khó khăn. Chúng ta phải phản ứng ngay lập tức và quyết tâm nếu muốn tránh những con số kỷ lục tiếp tục gia tăng".

Ý không phải là nước duy nhất đối mặt với tình trạng bất ổn. Toàn bộ các quốc gia châu Âu đang vật lộn để ngăn chặn sự hồi sinh của dịch COVID-19, trước khi hệ thống bệnh viện trở nên quá tải.

Cuối tuần qua, cảnh sát Ba Lan đã sử dụng bình xịt hơi cay để chống lại những người biểu tình phẫn nộ vì những hạn chế mới. Còn các bác sĩ Tây Ban Nha đã tổ chức cuộc đi bộ quốc gia đầu tiên sau 25 năm để phản đối điều kiện làm việc tồi tệ, trong khi các cuộc biểu tình khác đã được lên kế hoạch ở Hà Lan.

Liên Hợp Quốc hủy bỏ các cuộc họp vì COVID-19

Liên Hợp Quốc thông báo sẽ hủy tất cả cuộc họp trực tiếp tại trụ sở chính ở New York, sau khi 5 người trong phái bộ của Niger dương tính COVID-19.

Niger là thành viên của Hội đồng Bảo an, đã có cuộc gặp mặt trực tiếp vào ngày 22/10. Các nhà ngoại giao cho biết những người tham dự cuộc họp hôm đó đang được xét nghiệm.

Kể từ tháng 3/2020, hầu như các cuộc họp ở New York đã tạm ngưng hoạt động khi thành phố này trở thành điểm nóng COVID-19 toàn cầu. Trong tháng 10, Liên Hợp Quốc gồm 193 thành viên mới tổ chức lại một số cuộc họp mặt trực tiếp, với các biện pháp phòng ngừa như yêu cầu các nhà ngoại giao đeo khẩu trang, xa cách xã hội và hạn chế số người tham dự.

Trong một bức thư gửi tới Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Volkan Bozkir, Tổng thư ký Antonio Guterres nói rằng "hết sức thận trọng và tuân theo lời khuyến cáo y tế", tất cả các cuộc họp trực tiếp nên tạm dừng trong phần còn lại của tuần này "để theo dõi mức độ phơi nhiễm và liên hệ tiếp xúc".

Chung Thu Hương (theo Reuters và CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI