|
Cửa hàng bán lẻ không có nhân viên hoạt động khá phổ biến ở Hàn Quốc, với nhiều cửa hàng tiện lợi hoạt động mà không có nhân viên vào ban đêm - Ảnh: The Korea Herald |
Bùng nổ cửa hàng không nhân viên
Anh Choi Seung-hoon (32 tuổi), khách quen thường xuyên của các địa điểm tự phục vụ ở Hàn Quốc, cho biết gần đây anh đã tìm thêm được nhiều cửa hàng không có nhân viên, điển hình như tiệm sashimi mang đi.
“Tôi thường ăn một mình" - anh nói khi đứng tại Sea Fridge, một cửa hàng sashimi không người phục vụ gần ga Sangwangsimni, trung tâm Seoul. Anh nhìn qua cửa tủ lạnh bằng kính để xem các loại cá được đóng gói với một hai phần ăn và hút chân không. “Tôi nghĩ điều này tốt vì tôi có thể mua sashimi mà không cần đến chợ hải sản hay nhà hàng bán cá sống”.
Cửa hàng bán lẻ không có nhân viên dần trở nên phổ biến ở Hàn Quốc gần đây. Nhiều cửa hàng tiện lợi hoạt động mà không có nhân viên nào vào ban đêm. Mô hình này đang được mở rộng và đa dạng hóa loại hình khi các doanh nhân trẻ áp dụng mô hình này vào các lĩnh vực truyền thống như chợ cá, cửa hàng thịt, cửa hàng quần áo và cửa hàng thú cưng.
Không có dữ liệu toàn diện về số lượng không gian bán lẻ không có nhân viên trên toàn quốc, nhưng một cuộc khảo sát gần đây của Cơ quan Cứu hỏa Quốc gia từ năm 2022 đến năm 2023 cho thấy có ít nhất 6.300 cơ sở như vậy.
Tiện lợi, tinh tế và kinh tế
Chủ cửa hàng sashimi gần ga Sangwangsimni, anh Kang Dong-yoon, 34 tuổi, điều hành tổng cộng 3 cửa hàng dưới thương hiệu Sea Fridge cho biết, để cạnh tranh với các nhà hàng sashimi truyền thống thường trưng bày cá sống trong bể nước, các cửa hàng không có nhân viên phải đảm bảo độ tươi ngon của thực phẩm.
Để làm được điều này, Kang mua cá 3 lần một tuần thông qua các cuộc đấu giá tại Chợ cá Noryangjin, chợ hải sản lớn nhất ở Seoul. Anh quay phim quá trình này và chia sẻ nó trên trang Instagram của cửa hàng.
Việc quản lý ba cửa hàng sashimi của anh mất khoảng 10 giờ một tuần. “Điều này bao gồm tất cả mọi thứ từ thu mua cá đến cắt lát, đóng gói, trưng bày và bảo trì tại cửa hàng” - anh cho biết.
Kang Dong-yoon là người có 10 năm kinh nghiệm điều hành một doanh nghiệp nhượng quyền, hiện có kế hoạch tự mình mở thêm vài cửa hàng không có nhân viên khác nữa và cả một cửa hàng bán thịt.
|
Giám đốc điều hành Sea Fridge Kang Dong-yoon đang sắp xếp sản phẩm tại cửa hàng sashimi không có nhân viên của mình ở Seoul - Ảnh: The Korea Herald |
Chị Lee So-in, 34 tuổi, chủ cửa hàng quần áo cho biết lợi ích chính của việc bán lẻ tự phục vụ là tính linh hoạt mà nó mang lại cho người bán trong việc quản lý thời gian.
Cửa hàng của cô tên My Sassy Fairy, ở Gimpo, tỉnh Kyunggi, mở cửa vào đầu năm 2023. Ban đầu, cô trực tiếp trông coi, nhưng từ mùa hè, khi Lee phải chăm sóc con nhỏ, cửa hàng đã không có nhân viên. Giờ đây, cô chỉ làm việc ở cửa hàng một lần trong tuần để bổ sung quần áo và phụ kiện.
“Tôi đã mất đi một số khách hàng thường xuyên vì họ thích trò chuyện với tôi, nhưng đồng thời, tôi cũng có được những khách hàng mới. Có vẻ như khi không có nhân viên, khách hàng cảm thấy thoải mái hơn khi thử những bộ quần áo khác nhau” - cô nhận xét.
Theo một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu Embrain, thăm dò 1.000 người, 71,9% số người được hỏi cho biết họ đã ghé thăm các cửa hàng không có nhân viên. Trong số này, khoảng 80% bày tỏ sẵn sàng đến mua lần nữa. Lý do chính cho phản ứng tích cực của họ là loại bỏ nhu cầu tương tác với nhân viên phục vụ.
Go Ye-eun, 37 tuổi, đang mua sắm tại cửa hàng không có nhân viên Fredit ở Yongsan, Seoul, đã đồng tình với kết quả của cuộc khảo sát.
Cô cho rằng việc không phải đối mặt với nhân viên, nhất là khi mua những món hàng nhỏ mà phải bằng thẻ tín dụng hoặc khi rời khỏi cửa hàng mà không cần mua bất cứ thứ gì mà không phải ái ngại.
“Bên cạnh đó, sản phẩm tại các cửa hàng không có nhân viên đa dạng hơn và giá thành rẻ hơn”, cô nói thêm.
Đối mặt với hư hỏng và trộm cắp
Các chủ cửa hàng cho biết dù không gặp mặt trực tiếp khách hàng nhưng điều quan trọng là họ phải đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và thu hút khách hàng thông qua các kênh tiếp thị khác.
|
Anh Park Seung-min đang sắp xếp sản phẩm tại cửa hàng cung cấp đồ dùng cho thú cưng Sugar Pet ở Seoul - Ảnh: The Korea Heald |
Anh Park Seung-min, 34 tuổi, người điều hành cửa hàng cung cấp vật nuôi không có nhân viên Sugar Pet ở Seoul, liên tục nghiên cứu các xu hướng mới nhất trong ngành thú cưng để luôn cập nhật các sản phẩm của cửa hàng mình.
Vì 99% khách hàng là phụ nữ ở độ tuổi 20 và 30, nên Park cố gắng mang lại trải nghiệm mua sắm thú vị cho nhóm đối tượng nhân khẩu học đặc biệt này. “Tôi cũng cố gắng đăng nhiều tin nhắn trên Instagram về các sản phẩm mới để bù đắp cho sự thiếu tương tác cá nhân” - anh nói.
Chủ cửa hàng quần áo Lee So-in, cho biết ngay cả trong những cửa hàng không có nhân viên, cô vẫn ghé cửa hàng của mình hàng ngày để dọn dẹp. "Trong khi hầu hết khách hàng đều ân cần và cố gắng giữ mọi thứ ngăn nắp thì vẫn có những trường hợp bất cẩn, như làm rơi móc treo trên sàn, hoặc treo quần áo bừa bãi sau khi thử. Nếu không có người trông coi cửa hàng, các mặt hàng có thể bị xử lý sai, dẫn đến hư hỏng..." - Lee kể.
Nhưng có lẽ, thách thức chính mà các chủ cửa hàng không có nhân viên phải đối mặt là nạn trộm cắp. Thường các cửa hàng này hoạt động bằng cách chỉ cho phép khách hàng vào cửa thông qua xác minh thẻ tín dụng. Tuy nhiên, các cửa hàng khác như cửa hàng kem hay cửa hàng tiện lợi thì không, vì những khách hàng - thường còn quá trẻ để sở hữu thẻ - nên phải đối mặt với tỷ lệ trộm cắp cao hơn.
Theo dữ liệu của cảnh sát, đã có 6.018 trường hợp trộm cắp được báo cáo tại các cửa hàng không có nhân viên vào năm 2022, tăng 71,25% so với năm 2021. Sự gia tăng tội phạm đặc biệt đáng chú ý là nhóm thanh thiếu niên.
Phân tích dữ liệu của công ty quản lý an ninh S-1 Corp, trong giai đoạn từ 2020 đến 2022, cho thấy thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các vụ trộm cắp với 34,8%. Các phương thức trộm cắp rất đa dạng, từ việc giấu sản phẩm và rời khỏi cửa hàng mà không bị phát hiện cho đến việc khách đến cửa hàng cố tình bỏ qua việc thanh toán các mặt hàng.
Nhiều chủ cửa hàng phải đăng những hình ảnh được ghi lại từ camera an ninh về các vụ trộm cắp lên tường cửa hàng của họ, kèm theo các biển cảnh báo. Tuy nhiên, một số người không muốn áp dụng phương pháp này vì sợ tác động tiêu cực cũng như tạo ấn tượng không an toàn cho khách hàng.
"Một lần, khi kiểm tra camera giám sát tôi phát hiện có người lấy quần áo mà không trả, 5 ngày sau, chính người này quay lại và lấy trộm quần áo một lần nữa" - cô Lee đã đăng một thông báo trên trang Instagram của cửa hàng rằng cô đã nộp đơn khiếu nại cảnh sát về vụ trộm, hy vọng đây sẽ là một dấu hiệu cảnh báo. “Tôi không muốn trước cửa hàng mình toàn là những bản hiệu cảnh báo trộm cắp".
Trọng Trí (Korea Herald)