Dồn dập đêm nhạc
Chưa bao giờ các chương trình ca nhạc, biểu diễn tại TPHCM lại sôi động như hiện tại. Trong tháng Bảy, Tám, Chín, mỗi tháng đều diễn ra các đêm nhạc đặc biệt của ca sĩ trong và ngoài nước như Trung Quân, Cẩm Ly, Park Bom (cựu thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc 2NE1)... Bước sang tháng Mười, thị trường concert tại TPHCM gần như “bùng nổ” và từ chính những cuộc đụng độ này, sự khởi sắc của ngành nghệ thuật biểu diễn tại TPHCM lại càng rõ nét hơn.
Mở đầu tháng Mười là đêm nhạc Có đôi lần (ngày 5/10) của nhạc sĩ Đức Trí với hơn 4.000 khán giả và hơn 4 tiếng đồng hồ biểu diễn. Đây là sự kiện âm nhạc cá nhân lớn nhất trong sự nghiệp của nam nhạc sĩ với nhiều điểm nhấn thú vị. 1 tuần sau, đêm nhạc của ca sĩ, nhạc sĩ Vũ. diễn ra, thu hút hơn 8.000 khán giả. Ở cột mốc mới trong sự nghiệp, âm nhạc của Vũ. nhận được sự quan tâm lớn của khán giả so với cách đây 2 năm.
|
Show Anh trai vượt ngàn chông gai được chú ý lớn trong thời gian qua |
Tiếp tục sau đó vào ngày 19/10, cuộc “đại chiến” nổ ra giữa concert của Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi và đêm nhạc Hội - Thuần - Hội 2024. Dù tổ chức tại TPHCM trong cùng ngày, cùng khung giờ, cả 3 sự kiện đều “cháy vé”. Nếu Anh trai vượt ngàn chông gai thu hút 20.000 khán giả tham gia, Anh trai say hi từ 15.000-20.000 người thì Hội - Thuần - Hội 2024 cũng không kém cạnh với 9.000 khán giả. Chỉ trong 1 đêm, TPHCM thu hút khoảng 50.000 khán giả đến các sự kiện với doanh thu hàng trăm tỉ đồng. Điều này cho thấy dư địa phát triển của ngành nghệ thuật biểu diễn tại thành phố còn rất lớn.
Sau “cơn địa chấn” của ngày 19/10, ngày 20/10, ca sĩ Phương Mỹ Chi tiếp nối chuỗi đêm nhạc ấn tượng với Vũ trụ cò bay, quy tụ 10.000 khán giả. Kết thúc tháng Mười sôi động, bước sang 2 tháng cuối năm, hàng loạt đêm nhạc ấn tượng khác cũng sẽ diễn ra tại TPHCM như 8Wonder với tượng đài âm nhạc thế kỷ XXI - Imagine Dragons, Những thành phố mơ màng, GENfest 2024, Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò dô 2024...
Tại buổi họp báo giới thiệu sự kiện âm nhạc Hò dô 2024 (HOZO), bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM - cho biết, trong chiến lược và kế hoạch triển khai công nghiệp văn hóa của TPHCM đến năm 2035, ngành nghệ thuật biểu diễn được xác định là một trong những mũi nhọn. Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò dô cũng nằm trong chiến lược đó. Sau 3 mùa Hò dô đã diễn ra, bà nhận định, việc tổ chức một lễ hội âm nhạc mang tầm quốc tế, mang giá trị cộng đồng và gắn với sự phát triển của TPHCM là rất khó khăn, thậm chí, có thời điểm bà đã nghĩ đến việc phải giãn thời gian tổ chức để mọi người cùng nhìn lại, dồn lực cho cơ hội mới. Nhưng sau mỗi mùa, Hò dô tiếp tục nhận về nhiều sự ủng hộ, được kỳ vọng trở thành thương hiệu của thành phố, vẫn được tổ chức thường niên.
Để âm nhạc thành “át chủ bài”
Trong 8 lĩnh vực trọng tâm được TPHCM chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa có điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang. Ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mảng âm nhạc có tiềm năng phát triển rất lớn khi thuận lợi về nhiều mặt từ cơ sở vật chất, đội ngũ tổ chức, vị trí đi lại thuận tiện, đối tượng khán giả đa dạng đặc biệt phân khúc trẻ, thuận lợi kết hợp du lịch và thưởng thức concert...
|
Vũ. tại đêm nhạc thu hút 8.000 khán giả ở TPHCM |
“Trong thời điểm này, thị trường âm nhạc Việt Nam phát triển giống như một “cơn bão”. Các chương trình và các bạn trẻ đang cùng nhau nâng tầm âm nhạc của Việt Nam lên rất gần với các nước bạn như Hàn Quốc, Nhật Bản và cả thị trường Âu - Mỹ. Tôi rất mừng vì không phải chỉ vài bạn mà cả một thế hệ trẻ như các bạn trong chương trình Anh trai say hi và nhiều chương trình khác đều rất hay. Cùng với sự phát triển này, các nhà sản xuất âm nhạc nếu như không nhanh chóng nắm bắt được thị trường thì sẽ tụt hậu” - nhạc sĩ Lưu Thiên Hương chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM.
Nữ nhạc sĩ cho biết, vì có nhiều năm ở vai trò sản xuất nên bà hiểu, thị trường phát triển như hiện tại tạo sự khốc liệt, cạnh tranh rất lớn, tính đào thải rất cao. Nếu muốn tạo được ấn tượng, đòi hỏi ngoài tài năng cần thêm may mắn và có ê kíp đứng sau. Bà nhận định: âm nhạc Việt Nam bây giờ đã rất khác trước. Mọi thành công không đến dễ dàng mà phần lớn do ê kíp phía sau ca sĩ đó tính toán, lên ý tưởng, thực hiện chiến lược quảng bá, lo phần hình ảnh... để làm sao lan tỏa mạnh nhất có thể. Với một nền công nghiệp âm nhạc, các công ty đào tạo, quản lý nghệ sĩ có vai trò rất quan trọng.
Về năng lực tổ chức của các đơn vị Việt Nam, theo nhạc sĩ Lưu Thiên Hương là khá tốt, đủ sức đáp ứng các sự kiện âm nhạc tầm cỡ. Bằng chứng là đã có những concert cực kỳ thành công trong thời gian qua và bà tin rằng, những thành tích này sẽ giúp đẩy mạnh hơn nữa công nghiệp biểu diễn trong thời gian tới.
Thị trường concert tại TPHCM thời gian qua bùng nổ về số lượng, chất lượng âm nhạc cũng được nâng lên thấy rõ. Tuy nhiên, về mặt tổ chức, theo phản ánh của khán giả, khâu soát vé, khu vực giữ xe, công tác hậu cần của các chương trình cần được hoàn thiện hơn để tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho khán giả. Chính việc nâng tầm chất lượng từ các khâu nhỏ sẽ giúp tạo nên thành công chung cho chương trình.
An Trịnh