Vừa trở về TP.HCM sau ngày cưới tại nhà gái ở TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) vào ngày 25/9/2020, vợ chồng chị Vũ Nguyễn Phương Thùy - anh Lê Thạch Nam (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) lại tất bật chuẩn bị lễ cưới ở nhà trai tại TP.HCM.
Chị Thùy chia sẻ: “Suốt mấy tháng rồi, vừa mở mắt là vợ chồng tôi đọc báo ngay, xem có ca bệnh COVID-19 nào mới không? Vì COVID-19, chúng tôi đã hoãn cưới một lần khi đã phát gần 800 thiệp mời, nên lần này lo đến mất ăn mất ngủ. Tranh thủ cưới cho xong, nhưng nhà hàng kẹt lịch phải dời lại đến tháng Mười”.
|
Lịch cưới bị kéo dài dù đã chuẩn bị từ đầu năm, chị Vũ Nguyễn Phương Thùy quyết cưới gọn ngay sau khi dịch bệnh tại Đà Nẵng im hơi - Ảnh: NVCC |
Ngày cưới do… nhà hàng quyết
Ngày 26/9, Thùy đăng trên Facebook cá nhân: “Tháng Năm dạm ngõ, tháng Sáu đăng ký kết hôn, tháng Bảy lễ cưới nhà thờ, tháng Tám lễ hỏi và gia tiên, tháng Chín tiệc cưới Bảo Lộc, tháng Mười tiệc cưới Sài Gòn”. Đó chính là lịch cưới của Thùy, bị kéo dài do COVID-19.
Vợ chồng Thùy từng lên kế hoạch cưới rất kỹ, mọi thứ đều đã được chuẩn bị. Tới trước đám cưới hai tuần, Thùy nhận tin Đà Nẵng bùng phát dịch. Hai bên gia đình bắt đầu sống trên lửa, khi thiệp đã phát hết và đã đặt vé máy bay khứ hồi cho một số người thân ở Hà Nội vào ăn cưới. Thấy tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn, vợ chồng Thùy đến nhà hàng tiệc cưới mình đặt ở đường Lý Chính Thắng, Q.3 xin hoãn. Nhà hàng không đồng ý do TP.HCM chưa có lệnh cấm. Nếu hủy, Thùy phải chịu mất 40 triệu đồng tiền cọc. Ba ngày sau đó, TP.HCM có văn bản khuyến cáo không nên tụ tập đông người. Thùy chuyển văn bản này cho nhà hàng. Nhà hàng trả lời, thành phố chỉ “khuyến cáo chứ không cấm”, và vẫn quyết tổ chức lễ cưới cho Thùy như thỏa thuận.
Tuy nhiên, vì ý nghĩ phải có trách nhiệm với xã hội và với khách mời, vợ chồng Thùy quyết định hoãn cưới, chấp nhận mất cọc. Lúc đó, nhà hàng lại đồng ý cho hoãn.
Đến đầu tháng Chín, khi dịch vừa tạm ổn, gia đình Thùy quyết định tổ chức tiệc cưới ngay ngày 25/9. Lúc này, nhà hàng báo hết chỗ. Ngày 25/9 có quá nhiều khách đặt từ trước nên nhà hàng không thể nhận thêm. Sau khi tính toán, nhà hàng ấn định, tiệc cưới của Thùy phải diễn ra vào… 18/10. Điều này khá tréo ngoe so với một cặp vợ chồng vốn kỹ lưỡng, chu đáo, thích sự chủ động. Nhưng, sau năm lần bảy lượt cân nhắc, cả hai đành phải tổ chức tiệc cưới vào ngày ấn định của nhà hàng. Lễ, tiệc ở mỗi bên đàng trai, đàng gái đều bị thay đổi, rồi diễn ra trong bị động - chi phí đám cưới của Thùy “đội” lên gần gấp đôi. Nhưng sự tốn kém đó vẫn chưa là gì so với sự nơm nớp, phập phồng mà gia đình hai bên phải chịu, cho đến cái phút lễ cưới thực sự diễn ra.
“Bà sui tui nói, lần này cỡ nào cũng cưới. Không có dịch thì mời họ hàng đông đủ, còn nếu có dịch nữa thì chỉ hai gia đình, không mời họ hàng. Phải cưới cho xong, chớ treo hoài tội tụi nhỏ”. Đó là tâm sự của chị Đặng Thị On, ở ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang. Con gái chị đã hoãn cưới lần 1 vào đầu tháng Năm. Lần này hai bên sui gia định ngày cưới lại là 7-8/11/2020 và đang chạy đua in thiệp, mời khách, đặt tiệc cưới… Theo chị On, lần hoãn cưới trước “hai đứa nhỏ buồn lắm”, bạn bè còn trêu chọc tụi nó “đường ăn ở sao” mà không biết có được cưới không. Đây là lần đầu tiên ở quê chị có đám cưới sắp diễn ra mà phải hoãn.
Là bác sĩ, vợ chồng Nguyễn Khánh - Huỳnh Hồng Ân (Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ) nghiêm túc chấp hành lệnh giãn cách xã hội, hoãn cưới vào tháng Tư. Đang định “tái khởi động” chuyện cưới xin thì gặp ngay dịch đợt 2, anh Khánh quyết định cưới nhanh gọn ngay khi đợt dịch ở Đà Nẵng vừa kết thúc. Từ 1.000 khách, anh rút xuống còn 300. Anh Khánh tâm sự: “Lần đầu cưới, chắc chắn ai cũng háo hức, tụi này cũng có tâm trạng đó, nhưng ở lần đầu. Còn nếu đã từng bị hoãn và thấp thỏm quá lâu như vậy, tôi thật sự chỉ mong cưới cho trôi chảy, chớ không còn tha thiết bày vẽ, tạo ấn tượng như ý tưởng ban đầu”.
|
Sau quá nhiều thấp thỏm, anh Nguyễn Khánh và chị Huỳnh Hồng Ân không còn mong mỏi một đám cưới ấn tượng |
“Nghề cưới” cũng nhớ đời
Dịch bệnh đã vô tình biến mùa “thấp điểm” thành cao điểm mùa cưới. Hiện, nhiều nhà hàng đã kín lịch những ngày cuối tuần, dù mỗi nhà hàng tiệc cưới có 4-6 sảnh. Chị Nguyễn Thùy Linh (Q.8, TP.HCM) cho biết, chị đặt nhà hàng tiệc cưới Callary trên đường Lý Chính Thắng, Q.3 vào Chủ nhật 27/9 nhưng nhà hàng đã kín chỗ tiệc tối. Vì mới quyết định “tái cưới” trước 20 ngày do phải chờ dịch bệnh thật sự qua đi.
Trước đó, vợ chồng chị cũng đi nhiều nơi để đặt tiệc, nhưng những nơi ưng ý, tổ chức lễ cưới nổi tiếng lâu nay hầu như kín chỗ vào những ngày cuối tuần của cuối tháng Chín và đầu tháng Mười.
Không chỉ ở TP.HCM, mà ở các tỉnh cũng xảy ra hiện tượng: hết bùng phát dịch thì… bùng phát cưới, nhà hàng tiệc cưới, cơ sở nấu ăn đều kín lịch. Chị Đặng Thi Thu Cúc - chủ nhà hàng tiệc cưới Thành Nguyên (TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) - cho biết: “Vào đợt dịch thứ 2, nhà hàng của chúng tôi bị hoãn hơn 20 tiệc cưới đã kề cận ngày, và cũng vài chục tiệc đặt trước vài tháng. Nhà hàng thiệt hại, chịu ảnh hưởng nhiều vì dịch bệnh, nhưng đáng thương nhất vẫn là cô dâu chú rể. Họ háo hức, vui mừng chờ đợi ngày cưới, vậy mà đùng một cái vỡ kế hoạch. Chúng tôi không nỡ giữ tiền cọc của họ, vì dịch bệnh đâu ai mong muốn. Hiện nay, nhiều cặp đôi đặt tiệc trở lại. Mọi năm, thời điểm này chúng tôi chỉ tổ chức tiệc lai rai, năm nay “làm không kịp thở, phải huy động thêm hơn chục nhân viên”.
Ngày 28/8, khi UBND tỉnh Quảng Nam dỡ lệnh cách ly xã hội tại những địa phương cuối cùng trong tỉnh thì chị Nguyễn Thị Lợi - chủ dịch vụ tiệc cưới Dũng Lợi (H.Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu nhận được nhiều đơn đặt hàng. Số lượng tăng chóng mặt, và tăng đến mức tréo ngoe.
Từ đầu tháng Chín, khi có chút kết nối trở lại với khách hàng, chị Lợi tá hỏa khi thấy lịch tiệc đổ dồn vào hai tuần sau đó. Đỉnh điểm, ngày 20/9, có đến 9 khách muốn đặt tiệc cưới. Những ngày Chủ nhật sau đó cũng tầm 7-8 khách ướm lời.
Là dịch vụ trọn gói, bao gồm cả MC (người dẫn chương trình), dàn nhạc, rạp cưới, bàn ghế và mâm cỗ; khi lịch tiệc chồng chất, chị Lợi bắt đầu khốn đốn đường… MC. Với ưu thế về ẩm thực, chị có thể chủ động về mâm cỗ dù số lượng có tăng đột biến. Tuy nhiên, việc kiếm một lúc 9 MC đám cưới là điều không thể. Chị buộc lòng từ chối.
Từ đó, mùa cao điểm sau dịch của dịch vụ tiệc cưới Dũng Lợi diễn ra với con số tối đa mỗi ngày 6 tiệc. Có ngày chị phải chỉ đạo nấu gần 300 mâm cỗ. Với tinh thần “ưu tiên ngày tốt”, ngày tốt sau dịch càng quá tải tiệc cưới.
Theo sắp xếp của chị Lợi, mỗi bốn bàn phải có một nhân viên phục vụ. Mỗi tiệc cưới lại cần một người tổng chỉ huy, một dàn “đầu bếp”. Với ngày cao điểm, cần đến 70 nhân công - chị Lợi phải huy động tất cả con cháu, dâu rể vào cuộc.
Nhưng, quá tải không phải là vấn đề. Điều ấn tượng nhất của nghề cưới sau dịch, chính là những chồng chéo từ một sự kiện bị chi phối bởi quá nhiều yếu tố. Thường, đám cưới phải đảm bảo các yếu tố: ngày lành tháng tốt, điều kiện tài chính của hai bên gia đình. Thì nay, đám cưới còn phải được sự “cho phép” của dịch bệnh, rồi cả sự chấp thuận của… dịch vụ tiệc cưới. Là người làm dịch vụ, giữa sự quá tải, lại thêm sự quyết tâm của những khách hàng vừa trải qua quá nhiều thăng trầm vì đám cưới - chị Lợi phải… tư vấn ngược ngày cưới cho khách.
Với kinh nghiệm của mình, chị Lợi sẽ thỏa thuận ngày với các khách hàng là đàng gái - tiệc vu quy không quá phụ thuộc ngày giờ. Với khách hàng là đàng trai, gặp ngày quá tải, chủ dịch vụ sẽ chủ động thương thuyết về giờ làm tiệc.
Chị đùa: “Giờ này rồi, ai có đòi hỏi gì thì cũng phải chấp nhận rằng đám cưới chỉ có thể diễn ra vào thời điểm dịch vụ không bị quá tải. Biết vậy, nên khách hàng cũng hợp tác để tìm ra ngày giờ khả quan nhất cho việc làm tiệc”.
Thùy Dương - Hà Dung