Trong bán kính khoảng 500m quanh chợ Bình Long (Q.Bình Tân, TP.HCM) có đến năm cửa hàng tiện ích, chưa kể năm cửa hàng khác nằm xa hơn một chút.
"Những cửa hàng này có mặt bằng đẹp, máy lạnh, trình bày bắt mắt, một số mặt hàng như rau củ, đồ chế biến sẵn còn được giảm giá đến mức thấp nhất, chỉ còn vài ngàn đồng/bó rau vào buổi chiều khiến tiểu thương trong chợ bị ế ẩm”, anh Nguyễn Ảnh Tươi - chủ đầu tư chợ Bình Long lo lắng khi nói về sự bùng nổ của các cửa hàng tiện ích.
|
Nhờ bán thực phẩm có nguồn gốc, an toàn, các tiểu thương ngành hàng rau, thịt đã giữ chân được khách hàng |
Thực tế, cuộc chiến tranh giành khách hàng đã được các ông lớn ngành bán lẻ trong và ngoài nước để mắt đến từ ba năm qua, vấn đề là chợ truyền thống vẫn chưa chịu chuyển mình tìm cách “sống chung với lũ”.
Giảm 50% doanh thu vì cửa hàng tiện ích
Chỉ một đoạn khoảng 800m trên đường số 1 cách chợ Bình Long không xa, chúng tôi đã đếm được ba cửa hàng tiện ích gồm hai cửa hàng Bách Hóa Xanh và một SatraFood. Ở đường số 3, chỉ cách nhau 300m đã có hai cửa hàng Bách Hóa Xanh khác.
Trước các cửa hàng là tấm bảng liệt kê các loại thực phẩm khuyến mãi với giá cực tốt, mỗi ngày đều thay đổi khiến khách hàng khó bỏ qua. Dù mới 15 giờ nhưng nhiều phụ huynh đã tranh thủ ghé mua hàng trước khi đón con tan học.
Tay cầm lỉnh kỉnh rau, trái cây và một số thực phẩm chế biến sẵn, chị Nguyễn Thúy Hà tươi cười cho biết, thay vì vào chợ chen lấn mệt mỏi, tiện đường đón con chị tấp vào cửa hàng tiện ích mua thực phẩm, vừa vệ sinh vừa mát mẻ, giá cả cũng phải chăng.
Đường ĐHT 11 đi tắt qua chợ An Sương (Q.12) chưa đến 3km nhưng cũng có đến bốn cửa hàng tiện ích gồm: Vinmart, Co.op Food, Bibomart và SatraFood. Từ khi các cửa hàng này xuất hiện, tiểu thương chợ An Sương mất dần khách hàng.
Ngày 14/3, dạo quanh chợ, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt vui mừng của tiểu thương mỗi khi có khách ghé vào sạp. Một tiểu thương bán rau nói: “Chợ ế quá, thấy khách là mừng. Trước đây bà con bên đường Nguyễn Văn Quá đều sang đây mua nhưng từ khi có các cửa hàng tiện ích, chợ đã vắng càng thêm vắng. Doanh thu đã giảm gần một nửa”.
So với các ngành hàng rau củ quả, ngành hàng mỹ phẩm và các sản phẩm thiết yếu (bột giặt, nước tương, nước mắm) còn thảm hơn, có ngày tiểu thương chỉ bán được…50.000đ.
Gần chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10), ngoài ba siêu thị lớn là Sài Gòn Satra, hai siêu thị Co.opmart, những con đường quanh chợ còn có cả chục cửa hàng tiện ích mở cửa 24/24. Ngay góc đường Nguyễn Tri Phương - Hòa Hảo có Familymart, Shop&Go; đường Ngô Quyền có Shop&Go, Winnut Food…
Bà Nguyễn Thị Huyền Trân - Phó trưởng ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương cho biết, cửa hàng tiện ích mọc lên quá nhiều làm việc buôn bán của tiểu thương hết sức khó khăn, lượng khách đến chợ chỉ còn phân nửa so với trước. Chợ có 833 sạp nhưng hiện có năm sạp trống, 10 sạp đã nghỉ do buôn bán ế ẩm”.
Một số chợ khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ngay sát chợ Thái Bình (Q.1) trên đường Bùi Viện có đến ba cửa hàng Circle K, B’Mart; đường Cống Quỳnh có Circle K, MiniTop, Familymart, siêu thị Hà Nội, Co.opmart… Bên hông chợ Bình Thới (Q.11) có hai cửa hàng C Express và Satrafoods; gần chợ Thiếc (Q.11) có cửa hàng Satrafoods…
Điểm chung của các cửa hàng tiện ích là tiếp cận tối đa nhu cầu của khách hàng, mở cửa 24/24, giao hàng tận nơi, thậm chí có cả những dịch vụ như giặt ủi, bán sản phẩm theo mùa giá rẻ…
Giá cả tại các cửa hàng tiện ích rất cạnh tranh, chẳng hạn chai nước suối Dasani chỉ 3.800đ/chai, nước suối Aquafina loại 500ml 6.000đ/chai… Một số loại rau củ thường xuyên được giảm giá đến mức thấp nhất hàng ngày.
Tiểu thương phải tự đổi mới
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, trong năm 2016 và 2017, Hội đã tiến hành nhiều đợt khảo sát thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Nếu trước đây kênh bán hàng truyền thống vẫn giữ thị phần chủ lực, chiếm 70-80% doanh số thị trường thì khảo sát mới đây cho thấy có sự dịch chuyển của người tiêu dùng từ chợ truyền thống, chợ dân sinh sang những kênh mua sắm hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị hay cửa hàng tiện ích.
Bên trong một cửa hàng tiện ích
|
|
Tỷ lệ người cho biết mình mua hàng tại kênh hiện đại đã lên đến 34%, người vẫn mua hàng ở chợ hay quầy tạp hóa giảm chỉ còn khoảng 60%. Độ chênh lệch rút xuống trong thời gian rất ngắn.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt này, bà Nguyễn Thị Huyền Trân cho rằng, ban quản lý chợ phải phối hợp với các cơ quan, ban ngành tuyên truyền, vận động tiểu thương thay đổi thói quen kinh doanh bằng cách bán các sản phẩm thịt, cá, rau củ quả có nguồn gốc rõ ràng, được chứng nhận an toàn.
Sau nhiều tháng tiến hành, hiện chợ Nguyễn Tri Phương đã có 29/29 cửa hàng kinh doanh thịt có chứng nhận an toàn do Vissan cung cấp. Tháng 3/2016 chợ tiếp tục ra mắt sạp kinh doanh rau an toàn và hiện có 4/33 cửa hàng rau tại chợ đã đăng ký. Các tiểu thương còn tự đổi mới hình thức kinh doanh, lấy công làm lời, chiều chuộng khách hàng.
Kinh doanh rau củ quả nhưng chị Đỗ Thị Minh Nguyệt cũng nhận ship hàng tận tay khách sau giờ tan chợ; chịu khó sơ chế sạch sẽ từng bó rau cho vào bao ny lông tươm tất trước khi giao cho khách, bởi theo chị “bỏ công làm lời, chiều khách một chút nhưng giữ được khách lâu dài”.
Tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) cũng đã có nhiều sạp treo bảng “gian hàng thực phẩm tươi sống, an toàn”. Chị Lê Thị Tuyết Mai - tiểu thương ngành hàng rau tại chợ nói: “Phải thay đổi để “chạy đua” với cửa hàng tiện ích. Buôn bán không được nói thách. Thà lời ít nhưng bền vững”.
Theo ban quản lý các chợ, nhờ sự thay đổi trên, lượng khách đến các ngành hàng rau, củ, thịt cá đã tăng dần, hàng ngày nào bán hết ngày đó... Tuy nhiên, các ngành hàng nhu yếu phẩm vẫn… ế chỏng chơ; tiểu thương cũng chưa nhiệt tình thay đổi cách buôn bán.
Bà Huyền Trân thừa nhận, việc tìm nguồn cung cấp thực phẩm an toàn đã khó nhưng thay đổi thói quen mua bán của tiểu thương còn khó hơn nhiều, vì những ngày đầu sức mua thực phẩm an toàn không cao, do có chênh lệch khá lớn về giá so với thực phẩm “trôi nổi”.
Hiện các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn tại chợ đã dần đi vào ổn định, nhưng để duy trì và “chạy đua” với cửa hàng tiện ích còn cần thêm sự nỗ lực không nhỏ của tiểu thương, hướng đến mục tiêu: luôn trung thực với khách và luôn bán hàng đạt chuẩn.
Đánh giá tốc độ tăng trưởng của các cửa hàng tiện ích, ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ - Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho rằng, đó là một sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ. Hiện nay sự cạnh tranh trên thị trường không đơn thuần là cuộc chiến giữa các đại gia bán lẻ nội - ngoại mà còn là cuộc chiến của kênh bán hàng truyền thống và hiện đại.
Để tồn tại, các chợ truyền thống cần nâng chất lượng và tiếp thị nhiều hơn đến khách hàng như phải luôn có đủ nguồn hàng, không để tình trạng hết hàng khiến khách hàng truyền thống chuyển sang mua chỗ khác; sắp xếp lại quầy hàng tinh tươm để giúp người mua dễ tìm món hàng mình cần; tận dụng các cơ hội bán hàng từ chương trình khuyến mãi.
Cần thiết phải số hóa tiệm tạp hóa để bắt kịp xu hướng công nghệ hóa của thị trường và giảm tải trong khâu thanh toán. Nên thành lập các hiệp hội cho các chủ cửa hàng truyền thống để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, nắm bắt kịp thời xu hướng của người tiêu dùng…
Thu Hồng - Thanh Hoa
Chuỗi cửa hàng tiện ích còn tiếp tục mở rộng
Theo thống kê của Nielsen, năm 2012, toàn quốc chỉ có 147 cửa hàng tiện ích nhưng đến năm 2014 đã tăng gấp đôi, lên 348 cửa hàng và tiếp tục tăng trong năm qua. Chỉ tính riêng tại TP.HCM, năm 2013 có khoảng 750 cửa hàng tiện ích, đến hết năm 2015 đã tăng lên khoảng 1.000 cửa hàng.
Tương tự, so với năm 2012, chuỗi các siêu thị mini (Minimart) cũng tăng từ 863 lên đến 1.452 trong năm 2014 và đến hết năm 2015 đã là 1.603 cửa hàng. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng của kênh cửa hàng tiện ích và Minimart là rất mạnh mẽ.
Theo số liệu từ trang thông tin điện tử chính thức của các chuỗi cửa hàng tiện ích phổ biến hiện nay thì tính đến hết tháng 12/2016, Circle K là chuỗi cửa hàng có số lượng cửa hàng nhiều nhất với 209 cửa hàng, tiếp theo là B’mart với 160, Shop&Go với 128, FamilyMart với 126, Coop Food với 120, Satra Food với 100…
So với các quốc gia trong khu vực, thì trung bình một cửa hàng ở Thái Lan phục vụ khoảng 5.500 khách hàng, Singapore là hơn 7.000, Philippines là 37.000; trong khi hiện tại, một cửa hàng tiện ích tại Việt Nam phục vụ đến hơn 69.000 khách hàng.
Như vậy, tiềm năng của kênh cửa hàng tiện ích tại Việt Nam còn rất lớn và rất nhiều cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, cùng với các xu hướng xã hội như quy mô hộ gia đình nhỏ, dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng, cuộc sống của người tiêu dùng ngày càng bận rộn, cửa hàng tiện ích còn nhiều điều kiện để tăng trưởng mạnh, nhất là ở khu vực thành thị.
|