Bùng nổ cơn sốt xổ số ở Trung Quốc

04/06/2024 - 06:45

PNO - Thanh niên Trung Quốc đổ xô mua thẻ cào giữa lúc thị trường việc làm ngày càng khó khăn.

Tình trạng thiếu thẻ cào đã gây chú ý tại địa phương khi các cửa hàng xổ số trên toàn quốc hết hàng trong nhiều ngày liền - Ảnh: ST
Tình trạng thiếu thẻ cào tại nhiều địa phương, khi các cửa hàng xổ số trên toàn quốc liên tục báo hết hàng trong nhiều ngày liền - Ảnh: ST

Bùng nổ cơn sốt xổ số

Trong bối cảnh thị trường việc làm đầy thách thức và triển vọng kinh tế không chắc chắn, giới trẻ Trung Quốc đã chuyển sang chơi xổ số. Họ xem đây như một trò giải trí thú vị và là một cơ hội đổi đời trong một đêm.

“Ai biết được, nếu bạn giành được giải thưởng lớn, bạn sẽ không phải làm việc nữa” - nhân viên công ty công nghệ Huang Yuxin (26 tuổi) nói với The Straits Times.

Thẻ cào xổ số tại Trung Quốc có thể mang đến cho người chơi cơ hội giành được giải thưởng cao nhất là hơn 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 140.000 USD). Mặc dù giải thưởng không quá cao nhưng thẻ cào đã được bán với số lượng kỷ lục ở Trung Quốc, kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.

Nhu cầu mua thẻ cao của người dân khiến từ tháng 4/2024, tình trạng thiếu thẻ cào đã diễn ra ở nhiều địa phương. Các cửa hàng xổ số trên toàn quốc liên tục thông báo hết hàng trong nhiều ngày.

“China Red”, “Joyful Encounter” và “Good Luck Tenfold” là một trong những thẻ cào được ưa chuộng, chủ yếu có giá từ 5 - 50 nhân dân tệ, đã không còn trên các kệ hàng.

Sự bùng nổ cơn sốt thẻ cào được chuyên gia cho rằng khá bất ngờ khi rơi vào đối tượng là những người trẻ tuổi, bởi trước giờ xổ số thường được coi là trò chơi của người lớn tuổi.

Nhiều trào lưu quà tặng phổ biến sau cơn sốt thẻ cào ở Trung Quốc - Ảnh: Xiaohongshu
Nhiều trào lưu quà tặng phổ biến sau cơn sốt thẻ cào ở Trung Quốc - Ảnh: Xiaohongshu

Vào năm 2023, doanh số bán thẻ cào hoặc vé số đã tăng lên 119 tỉ nhân dân tệ (16,6 tỉ USD), cao hơn gấp đôi so với năm 2022. Xu hướng này tiếp tục lan sang quý đầu tiên của năm 2024, chỉ trong 3 tháng doanh số đã đạt 39 tỉ nhân dân tệ (5,4 tỉ USD), mức cao nhất trong 10 năm qua, theo số liệu từ Bộ Tài chính Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, chỉ những nhà cung cấp được cấp phép mới có thể bán thẻ cào. Ngoài các cửa hàng xổ số, thẻ còn có thể được tìm thấy tại các cửa hàng tiện lợi, thậm chí một số quán cà phê hoặc quán trà sữa được cấp phép.

Giấc mơ đổi đời

Theo báo cáo tháng 10/2023 của Viện nghiên cứu thị trường Trung Quốc Mob, gần 85% người chơi xổ số có độ tuổi từ 18 - 34 tuổi và hơn 60% có ít nhất 1 bằng đại học.

Anh Wang Bing (31 tuổi), người chi 100 nhân dân tệ cho xổ số 2 tuần một lần, cho biết việc cào thẻ với bạn bè là một hoạt động nhóm vui nhộn và trò chơi này “rất giảm căng thẳng”.

Trên nền tảng giống như Instagram là Xiaohongshu, người dùng đã nghĩ ra một loạt quà tặng và trò chơi mới cho xổ số. Một số người làm những bó hoa từ thẻ cào để làm quà tặng cho những người thân yêu; những người khác sử dụng những thẻ này để tạo động lực thúc đẩy bản thân đi làm.

Một người dùng Xiaohongshu đến từ Quảng Đông luôn đặt một thẻ cào lên trên bàn làm việc của mình và cô cho biết: “Tôi sẽ cào mỗi ngày và khi (giải cao nhất) thuộc về tôi, tôi sẽ nghỉ việc và đi du lịch khắp thế giới”.

Một cửa hàng xổ số ở Bắc Kinh đã hết thẻ cào để bán - Ảnh: ST
Một cửa hàng xổ số ở Bắc Kinh hết sạch thẻ cào để bán - Ảnh: ST

Tương tự, freelancer (người làm việc tự do) Xu Chenxi (25 tuổi), tự nhận là một người nghiện thẻ cào, đã chi 1.200 - 1.800 nhân dân tệ (khoảng 170 - 250 USD) cho xổ số mỗi tuần. Mặc dù anh chỉ mới thắng được 700 nhân dân tệ từ một thẻ vào tháng 3/2024 nhưng anh vẫn rất vui.

Tiến sĩ Dan Wang (Ngân hàng Hang Seng ở Thượng Hải) cho biết: “Xổ số là một hình thức giải trí, đáp ứng nhu cầu của giới trẻ đang căng thẳng ở Trung Quốc”.

Tiến sĩ lý giải thị trường việc làm dành cho thanh niên vẫn còn khắc nghiệt, khi nhiều công ty tiếp tục tái cơ cấu trong năm nay, khiến giới trẻ gặp nhiều căng thẳng trong vài năm trở lại đây.

Tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên tại Trung Quốc đang ở mức 14,7% trong tháng 4/2024. Trong khi đó, tình trạng sa thải và cắt giảm lương ở nhiều ngành, từ công nghệ, tài chính đến bất động sản, đã làm trầm trọng thêm nỗi lo về việc làm.

Thu Hương (theo Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI