Bùng nổ các sự kiện trình diễn âm nhạc

23/12/2024 - 08:39

PNO - Những đêm nhạc bùng nổ với hàng chục ngàn khán giả - điều tưởng chừng sẽ khó xảy ra tại Việt Nam nếu không phải là các nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng đến biểu diễn - đã diễn ra trong năm 2024. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn mà ngành công nghiệp biểu diễn trong nước còn bỏ ngỏ.

Rực rỡ nhờ các “anh trai”

Nếu đầu năm 2024, đường đua nhạc Việt xuất phát khá chậm thì từ giữa năm trở về sau, thị trường ngày càng sôi động, đặc biệt về những tháng cuối. Sự thay đổi này bắt đầu khi 2 chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai Anh trai say hi lên sóng từ tháng 6/2024. Suốt thời gian “làm mưa, làm gió” trên truyền hình, nhiều màn trình diễn của 2 chương trình lọt vào tốp thịnh hành, trở thành bản hit trụ lại khá lâu. Nhưng nếu nói đến thời điểm khởi sắc, phải là khi cả 2 chương trình khép lại và những concert (sự kiện trình diễn trực tiếp) được 2 nhà sản xuất tổ chức.

Đêm nhạc Anh trai say hi thu hút hàng chục ngàn khán giả - Ảnh do ban tổ chức cung cấp
Đêm nhạc Anh trai say hi thu hút hàng chục ngàn khán giả - Ảnh do ban tổ chức cung cấp

Hiện Anh trai say hi đã thực hiện 4 concert ở cả 2 miền Nam - Bắc, với số lượng khán giả tham gia là hơn 150.000 người (do chương trình công bố). Chưa dừng lại, sự kiện thứ năm dự kiến sẽ sớm diễn ra và phim về concert Anh trai say hi cũng sẽ ra rạp, nhằm tăng thêm trải nghiệm cho hàng ngàn khán giả yêu mến các nghệ sĩ tham gia chương trình.
Với Anh trai vượt ngàn chông gai, sự thành công của chương trình cũng góp vào thành công cho thị trường âm nhạc Việt Nam. Đến nay, chương trình đã tổ chức 2 đêm nhạc tại TPHCM và Hưng Yên, thu hút hàng chục ngàn khán giả từ khắp đất nước. Đêm nhạc thứ ba dự kiến diễn ra vào tháng 3/2025. Giống như Anh trai say hi, vào dịp đầu năm mới, dự án phim tài liệu về 33 anh tài sẽ ra mắt khán giả.

Sự thành công của 2 chương trình này gần như chưa có tiền lệ trong lịch sử nhạc Việt. Từ một cuộc thi trên truyền hình, hàng loạt đêm nhạc được tổ chức với quy mô “khủng” cho thấy tiềm năng rất lớn của ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam. Nếu biết tận dụng, khai thác một cách sáng tạo, nắm bắt thị hiếu khán giả thì trong tương lai, hoàn toàn có thể tạo ra nhiều đột phá hơn nữa.

Anh trai say hiAnh trai vượt ngàn chông gai là 2 điểm sáng lớn trong bức tranh nhạc Việt 2024. Bên cạnh đó, nếu hòa vào không khí của lễ hội âm nhạc GENfest, 8WONDER, Những thành phố mơ màng, Hội thuần hội 2024, Hò dô, Cam concert... với hàng ngàn khán giả mỗi đêm, bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận về sự sôi động, bầu khí quyển âm nhạc đang phả ra ở khắp nơi. Những tín hiệu này thực sự đáng mừng, cho thấy sức sống của một thị trường mà trước nay chưa bùng nổ thực sự.

Thị trường thúc đẩy nghệ sĩ

Các chương trình anh trai, chị đẹp trên truyền hình quy tụ cả trăm nghệ sĩ. Bước ra từ các sân chơi, dù không phải tất cả, khá nhiều ca sĩ có được bệ phóng tốt để tiếp tục làm nghề, thậm chí có thể dùng chữ “hồi sinh” hay “tái xuất ngoạn mục” cho một số cá nhân. Từ sự thành công của các chương trình và độ sôi động của thị trường, nghệ sĩ cũng có động lực để “rã đông”, tích cực hoạt động. Hàng loạt “anh trai” đã ra mắt các sản phẩm để vừa tận dụng sức nóng của chương trình, cho thấy định hướng âm nhạc mới của cá nhân.

Concert Anh trai vượt ngàn chông gai
Concert Anh trai vượt ngàn chông gai

Nhiều nghệ sĩ khác cũng tích cực hoạt động trong năm qua. Thời điểm giữa năm trở về sau, khán giả đã được tham gia các đêm nhạc cá nhân của ca sĩ Cẩm Ly, Trung Quân, nhạc sĩ Đức Trí, Mỹ Tâm, Quốc Thiên, Hà Nhi, Phương Mỹ Chi... Điều đáng mừng là lớp nghệ sĩ trẻ, tài năng đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết: trong năm qua, anh rất ấn tượng những sản phẩm do các nghệ sĩ mới thực hiện. Ngoài khả năng sáng tác, sản xuất, thể hiện, lên ý tưởng cho MV, các bạn trẻ giờ đây còn biết kết hợp cùng nhau để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn cho sản phẩm. Nam nhạc sĩ lấy ví dụ về album Buộc vào cơn gió của ca sĩ Vy Vy ra mắt vào đầu tháng Mười. Anh nhận xét các bài nhạc có giai điệu dễ nghe, thẩm mỹ và cho thấy năng lực của người thực hiện.

Năm 2024, đã có nhiều MV của nghệ sĩ được đầu tư kỹ lưỡng như Đừng làm trái tim anh đau của Sơn Tùng M-TP, Đi tìm tình yêu của Mono, Không ra gì của Trúc Nhân, Nâng chén tiêu sầu của Bích Phương... So với các năm, số lượng MV được đầu tư tiền tỉ ra mắt trong năm 2024 không nhiều bằng. Điều này cũng phản ánh những thay đổi trong cách tiếp cận khán giả và định hướng đầu tư của các nghệ sĩ, ê kíp cho sản phẩm. Họ tập trung nhiều hơn cho ý tưởng, chất lượng âm nhạc thay vì chỉ chú trọng “lớp áo” bên ngoài.

Nhạc Việt 2024 khởi sắc ở nhiều mặt: biểu diễn, chất lượng sản phẩm, nhân tố trẻ tài năng, nghệ sĩ tên tuổi quyết tâm làm mới... Những tín hiệu lạc quan của các đêm nhạc vào dịp cuối năm cũng mở ra nhiều kỳ vọng về một năm 2025 tiếp tục có những bứt phá.

Vẫn còn nhiều điều cần làm

Nhạc sĩ, nhà sản xuất Dương Khắc Linh đã có cuộc trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM về thị trường âm nhạc.

Phóng viên: Bức tranh âm nhạc Việt Nam trong năm qua có nhiều chuyển biến rõ nét. Theo anh, những tín hiệu tích cực này có bền vững, ổn định?

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh: 80% khoảng thời gian tính từ đầu năm, âm nhạc Việt Nam gần như không có chuyển biến tích cực, một phần do ảnh hưởng kinh tế từ năm 2023 để lại. Tuy nhiên, càng về cuối năm, tôi thấy có nhiều chuyển biến khi các concert của chương trình Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai diễn ra. Những đêm nhạc với hàng chục ngàn khán giả tham dự cho thấy công chúng trong nước rất ủng hộ các chương trình của nghệ sĩ Việt. Nhưng để nói về đường dài hay sự bền vững, tôi nghĩ chưa thể, vì thực tế, kinh tế chưa phục hồi, năng lực tổ chức của chúng ta dù đã rất nỗ lực vẫn cần hoàn thiện thêm. Ở đây, tôi mừng vì thị trường sôi động và trong năm 2025, sức nóng từ các đêm nhạc vẫn có thể tiếp tục.

* Theo anh, chúng ta cần chuẩn bị thêm những gì để phát triển các sự kiện âm nhạc trong nước, thu hút nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam?

- Nhìn sang các nước, đặc biệt là Hàn Quốc, ngành công nghiệp văn hóa hay cụ thể hơn là với âm nhạc được nhà nước đầu tư hết cỡ. Họ xem văn hóa là tấm danh thiếp của quốc gia nên rất chú trọng đầu tư cho cơ sở vật chất, đào tạo con người, hình thành văn hóa thưởng thức, tìm cách đưa văn hóa ra quốc tế... Nhìn lại Việt Nam, chúng ta vẫn còn thiếu những nhà hát tầm cỡ, khâu đào tạo chưa bài bản, chúng ta còn yếu trong khâu tổ chức. Nếu nhận định văn hóa, biểu diễn là ngành thương mại, có thể kích cầu du lịch, quảng bá thương hiệu quốc gia thì tôi nghĩ, Nhà nước cần đầu tư hơn nữa. Có thể chúng ta đang rất vui mừng trước những tín hiệu vui của âm nhạc Việt Nam, nhưng nhìn sâu hơn, vẫn còn nhiều điều cần làm.

* Dù còn nhiều thử thách, nhưng nhìn theo hướng tích cực, chúng ta có đội ngũ nghệ sĩ trẻ, lượng khán giả tiềm năng, anh công nhận chứ?

- Đương nhiên, tôi thấy rất rõ và rất vui vì khán giả Việt cực kỳ ủng hộ thị trường âm nhạc. Hơn nữa, lớp tài năng trẻ hiện nay rất sáng tạo, tư duy cực kỳ mới mẻ, tiệm cận với thế giới. Với cá nhân tôi, nghệ sĩ Việt hiện nay đang xếp thứ hai châu Á, chỉ sau Hàn Quốc về năng lực. Nếu được đầu tư đúng mực, tôi nghĩ khả năng nhạc Việt và nghệ sĩ đi ra quốc tế sẽ càng dễ dàng.

* Theo anh, những công ty đào tạo, quản lý nghệ sĩ tại Việt Nam có phải là mắt xích quan trọng để âm nhạc Việt nói chung phát triển hơn?

- Điều này hoàn toàn chính xác. Những công ty đào tạo, quản lý nghệ sĩ ảnh hưởng rất lớn đến tư duy, con đường mà họ sẽ đi trong tương lai. Với các công ty có chuyên môn, có tầm và chiến lược phát triển rõ ràng, họ sẽ vừa giúp nghệ sĩ phát triển, vừa tìm kiếm cơ hội để kết nối quốc tế. Từng mắt xích nhỏ nhưng nếu tốt sẽ giúp thị trường phát triển bền vững và mạnh hơn.

An Trịnh (thực hiện)

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI