Hàng loạt cuộc thi trong năm 2022
Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn không giới hạn số lượng cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm đã mở đường cho các cuộc thi người đẹp. Ước tính sơ bộ trong năm 2022 có hơn mười cuộc thi về nhan sắc sẽ diễn ra.
Được tổ chức sớm nhất là Hoa hậu Sinh thái Việt Nam. Trong đêm chung kết vào tháng 1/2022, ngôi vị cao nhất đã được trao cho cô gái người Ê Đê H Cúc Êban. Cuối tháng 12/2021, chung kết Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam toàn cầu cũng diễn ra tại TP.HCM sau thời gian dài tạm ngưng vì dịch bệnh.
|
Cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam sẽ khởi động trong tháng Ba tới đây - ẢNH: T.SƠN |
Tháng Ba tới đây, Hoa hậu Thế giới Việt Nam sẽ khởi động, dự kiến kéo dài đến giữa tháng Năm. Một tháng sau đó, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam sẽ tìm ra người chiến thắng. Hoa hậu Việt Nam, sân chơi nhan sắc danh giá cũng trở lại, dự kiến vào quý III năm nay. Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, chọn đại diện Việt Nam thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế - cuộc thi Thùy Tiên đăng quang tháng 12/2021 - cũng sẽ được tổ chức.
Sau tám năm vắng bóng, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam - dự định trở lại vào năm 2021, nhưng vì dịch bệnh nên tạm ngưng - có thể cũng sẽ trở lại trong năm nay. Hoa hậu Trái đất Việt Nam 2022 tổ chức tại Lâm Đồng. Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Môi trường Việt Nam đang tuyển thí sinh. Hoa hậu Thể thao Việt Nam đã hoàn thành vòng sơ loại trước tết Nguyên đán. Hoa hậu Quý bà Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên Hợp Quốc Việt Nam, Hoa hậu Điện ảnh Việt Nam, Hoa khôi Du lịch Đà Nẵng… cũng sẽ được tổ chức trong thời gian tới. Ngoài ra, hai cuộc thi hoa hậu quốc tế cũng sẽ diễn ra tại Việt Nam trong năm nay là Miss Charm và một cuộc thi khác được tổ chức nhằm quảng bá du lịch.
Thị trường chi phối
Ngoài các hoạt động thông thường, hiện các ban tổ chức (BTC) có xu hướng tận dụng mạng xã hội để tiếp cận, thu hút sự chú ý của khán giả, thông qua nhiều chuỗi hoạt động tương tác thú vị. Đây cũng là điểm cộng cho một số sân chơi trong việc tự làm mới mình, giữa bối cảnh các cuộc thi xuất hiện ồ ạt.
Nhiều cuộc thi được tổ chức lần đầu cũng khiến công chúng hoài nghi về chất lượng. Thực tế, có cuộc thi từng được quảng bá rầm rộ, nhưng đêm chung kết lại khiến công chúng bỡ ngỡ bởi khâu tổ chức kém chất lượng. Hay có cuộc thi chỉ diễn ra trong vỏn vẹn hơn chục ngày, thậm chí đến đêm chung kết khán giả mới được biết tới, với sân khấu dàn dựng sơ sài, tạm bợ.
|
Hoa hậu Sinh thái Việt Nam vừa tổ chức vào tháng 1/2022 |
Việc thu hút thí sinh cũng là bài toán cho các đơn vị tổ chức. Hiện, các BTC đang có xu hướng tìm về các trường đại học để quảng bá, chấm thi hoa khôi cấp trường để chọn được ứng viên tiềm năng. Ngoài ra, một cuộc thi còn có chương trình talkshow phát trên truyền hình, YouTube để việc quảng bá hiệu quả hơn.
Bà Phạm Kim Dung (Trưởng BTC Hoa hậu Thế giới Việt Nam) chia sẻ: “Tôi nghĩ, thay vì lo lắng cạnh tranh để tìm nguồn thí sinh, thì việc đầu tiên cần làm tốt là khâu tổ chức, thương hiệu cuộc thi. Một sân chơi uy tín, văn minh, sạch sẽ và có đường hướng phát triển tích cực, chắc chắn sẽ là điểm đến cho những cô gái muốn phát triển bản thân. Điều này phụ thuộc vào bản lĩnh, kinh nghiệm của BTC rất nhiều”.
Tỷ lệ thuận với số lượng cuộc thi, chắc chắn là số hoa hậu, á hậu sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Trong đó, có cuộc thi trao giải cho một hoa hậu và hai á hậu, nhưng cũng có cuộc thi trao giải cho một hoa hậu và đến bốn á hậu. Điều này khiến dư luận không khỏi e ngại tình trạng loạn danh xưng vốn đã diễn ra lâu nay sẽ tiếp tục bùng lên. Việc có quá nhiều cuộc thi, nhiều danh hiệu chắc chắn sẽ biến các sân chơi nhan sắc thành những hoạt động giải trí thông thường, thay vì được nhìn nhận như một hoạt động văn hóa như trước nay.
Bà Thúy Nga - đại diện BTC Miss Charm - chia sẻ: “Bản chất các cuộc thi nhan sắc ở nhiều quốc gia cũng là hoạt động giải trí. Khi đã là hoạt động giải trí, thì sẽ do thị trường quyết định. Nghĩa là, khi BTC làm tốt, người đẹp đăng quang có hoạt động, ảnh hưởng tích cực, có năng lực sẽ được đón nhận, và ngược lại sẽ tự đào thải. Công chúng sẽ là bộ lọc tốt nhất”.
Bà Kim Dung thì cho rằng, bà xác định đây là hoạt động giải trí mang tính văn hóa. Các cuộc thi đều phải có ý nghĩa, có thể kết hợp để phát triển du lịch với các tỉnh thành, thúc đẩy phát triển tư duy của phụ nữ trẻ... Người đẹp đăng quang phải có những hoạt động vì lợi ích cộng đồng, và xem đó là trách nhiệm, nghĩa vụ. Có như thế, cuộc thi mới giữ được ý nghĩa, vị thế, thương hiệu trong bối cảnh phát triển hiện tại.
Cân nhắc thận trọng các cuộc thi nhan sắc đối với trẻ em Bên cạnh các cuộc thi dành cho phụ nữ trưởng thành, một số đơn vị cũng tổ chức những sân chơi nhan sắc dành cho trẻ em gái. Dư luận bày tỏ sự quan ngại, liệu những cuộc thi này có thực sự cần thiết? Thạc sĩ Lê Minh Huân (giảng viên tâm lý học, Đại học Quốc tế Sài Gòn) cho rằng: “Giúp trẻ có cơ hội thể hiện tài năng, năng khiếu là điều tích cực, nhưng trên thực tế, phần đông các con đi thi vì ba mẹ, cho ba mẹ chứ không phải theo ý muốn của các con. Điều này tiềm ẩn nhiều hệ lụy về sau, nhất là khi trẻ thất bại, bị ép để thi hoặc đăng quang khi nhận thức còn hạn chế, hành vi còn non nớt, mức độ kiểm soát cảm xúc và thể hiện bản thân chưa phù hợp có thể dẫn đến các tổn thương như e sợ, khép mình (nếu thất bại) hoặc gồng mình cho phù hợp với hoàn cảnh (nếu đăng quang/thắng giải)... Từ đó, có thể đánh mất sự hồn nhiên vốn có của trẻ. Vì trẻ quá nhỏ hoặc chưa thể hình dung về kết quả từ các cuộc thi này sẽ ảnh hưởng đến mình như thế nào, nên người lớn cần cân nhắc, phân tích, giải thích cho trẻ hiểu từ thể lệ đến các tác động tâm lý. Nếu trẻ đồng tình thì ảnh hưởng (tiêu cực) sẽ được giảm thiểu. Những người có liên quan như BTC, cơ quan chức năng quản lý trẻ em... cần đảm bảo chương trình tổ chức phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, quảng bá hình ảnh, tên tuổi các bé phải đúng Luật Trẻ em/Công ước quốc tế về quyền trẻ em, tránh áp đặt và thiếu lắng nghe tiếng nói của trẻ, cũng như luôn có đội ngũ các nhà chuyên môn tâm lý - giáo dục hỗ trợ khi trẻ gặp khó khăn” |
Trung Sơn