Búng Bình Thiên một ngày hết mưa rồi nắng

22/12/2018 - 08:55

PNO - Ai đã từng đến Búng Bình Thiên một lần, dù mưa hay nắng, dù mùa nước đầy hay vơi sẽ luôn nhớ mãi cảm giác bình yên, nhẹ nhàng, sâu lắng mà miền đất này mang đến.

Mùa cuối năm, con đường từ thành phố Châu Đốc vào Búng Bình Thiên hai bên rực màu hoa vàng. Người chạy xe ôm nói với tôi rằng, hoa bên đường được trồng theo quy hoạch chứ không phải tự phát mỗi nhà dân. Thảo nào, cây lên cao đều và ra hoa cùng lúc, đẹp đến vậy. 

1.

Hôm đó, do ảnh hưởng của bão nên trời lúc mưa, lúc ráo. Anh xe ôm trấn an tôi khi bầu trời ngập một màu xám chì: “Xứ này mưa đó rồi tạnh đó, chị đừng lo. Như kiểu mưa bóng mây thôi”. 

Quả vậy, vừa qua đoạn đường nắng nhẹ thì lắc rắc mưa bay. “Không cần mặc áo mưa đâu, chị tin tui đi, hết khúc này sẽ nắng trở lại”. Đúng là thổ công. 

Búng Bình Thien mọt ngày hét mua ròi náng
Con đường từ thành phố Châu Đốc vào Búng Bình Thiên rực màu hoa vàng

Cứ thế, chúng tôi vào đến Búng Bình Thiên, cách thành phố Châu Đốc khoảng 35km. Hoa vẫn vàng rực bên đường dẫu bầu trời có sầm lại đi chăng nữa. Và cứ thế, chúng tôi như trôi trong biển hoa vàng bồng bềnh. Hôm đó ngày rằm, những chiếc xe kéo tay chất đầy hoa vạn thọ được những người phụ nữ đẩy đi bán dạo. Chúng tôi ghé vào chợ cũng thấy toàn hoa vạn thọ vàng rực, tươi tắn, hiền hòa. 

Theo các tài liệu, Búng Bình Thiên còn có tên gọi khác là Hồ Nước Trời, thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang. Có hai búng (hồ): búng lớn và búng nhỏ. Búng Bình Thiên là búng lớn với diện tích mặt nước khoảng 193ha, độ sâu trung bình khoảng 6m. Búng nhỏ có diện tích mặt nước khoảng 10ha và độ sâu trung bình 5m. Với diện tích như vậy, Búng Bình Thiên được xem là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nam bộ, còn được ví như biển hồ thu nhỏ của miền Tây. Trong khi các sông, kênh rạch gần đó đục ngầu phù sa thì nước hồ luôn trong xanh, mực nước chỉ dâng lên rồi hạ xuống chứ không chảy. Người ta cho rằng, có lẽ do cấu tạo như một túi nước, chỉ thông với sông Bình Di theo hướng ngược dòng nên mặt nước êm ả. 

Búng Bình Thien mọt ngày hét mua ròi náng
Những xe hoa vạn thọ góp thêm sắc màu cho cuộc sống nơi đây

Có nhiều chuyện kể dân gian về Búng Bình Thiên rằng, vào một mùa khô hạn cuối thế kỷ XVIII, một viên tướng của Tây Sơn là Võ Văn Vương khi hành quân tới khu vực này đã dâng lễ vật cúng trời đất để tìm nước cho binh sĩ. Khi ông rút gươm đâm xuống đất, có một dòng nước trào lên đọng thành hồ nước trong vắt. Từ đó, hồ nước được người dân đặt tên là Búng Bình Thiên. 

Một truyền thuyết khác cho rằng, khi chúa Nguyễn Ánh trốn chạy quân Tây Sơn, lúc qua khu vực Búng Bình Thiên do khô hạn, không có nước uống, đã rút gươm đâm xuống đất để xin trời ban nước. 

Cả hai câu chuyện trên đều là truyền thuyết, nói lên sự linh thiêng và kỳ bí của hồ nước. Riêng tôi thì nghĩ, cái tên Hồ Nước Trời như một ân sủng mà thiên nhiên ban tặng cho nơi này, bởi cấu tạo địa chất đặc biệt, quá tuyệt vời - không chỉ cảnh quan, nguồn nước mà còn cả nguồn lợi thủy sản sạch. 

2.

Chúng tôi thuê một chiếc xuồng máy đi lòng vòng trên hồ, với giá 250.000 đồng/chuyến. 

Đi thuyền trên hồ mới cảm nhận được sự ưu ái của thiên nhiên dành cho một vùng đất. Không khí trong lành, gió mát, nước trong xanh. Những chiếc ghe thả lưới trôi lững lờ khiến ta có cảm giác mọi thứ nơi đây đều chậm rãi, thong dong như cuộc sống của người dân bản địa (đa phần là dân tộc Chăm). Nơi một thánh đường Hồi giáo nhìn ra hồ, những cô bé tuổi mới lớn trong trang phục Chăm, khăn trùm đầu, thả bộ trên con đường làng rợp bóng cây tạo nên bức tranh bình yên, nhẹ nhàng, khó nơi nào có được. 

Búng Bình Thien mọt ngày hét mua ròi náng

Thời điểm chúng tôi đi là cuối mùa nước nổi, nước trong hồ đã vơi bớt. Và như đã nói ở trên, trời lúc mưa lúc nắng, nên thật tuyệt vời khi đã cho những du khách phương xa một trải nghiệm khó quên. Nắng vừa sáng rực một phía hồ, liền đó từ tít xa phía trước, mưa dần dần ập tới, đường chân trời mịt mù mưa bay. Rồi mưa lướt qua chúng tôi, nhẹ nhàng vừa đủ để ta cảm nhận gió lạnh và ướt mềm vai thì trời lại tạnh ráo, không để lại chút dấu vết nào trên bầu trời ngoài những vệt nước đọng lại trên áo, mũ, những tấm bạt và gương mặt ngỡ ngàng của khách phương xa. 

Ngồi thuyền dạo quanh hồ tưởng như mọi thứ trên đất liền không tồn tại. Chỉ có ta với mênh mông sóng nước. Chỉ có tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền, tiếng người gọi nhau trên hồ và tiếng chim kêu gần rồi xa...

Bước chân rời khỏi ghe, giật mình như vừa bềnh bồng trong một giấc mơ, thời gian trôi chậm đến ngỡ ngàng. Tôi nấn ná đứng lại cố vớt vát những tấm hình khi bất chợt nhìn thấy ở một phía hồ nắng hé vàng, đẹp đến bâng khuâng, ngơ ngẩn. 

Búng Bình Thien mọt ngày hét mua ròi náng
Những thiếu niên địa phương đang tập làm quen với việc mưu sinh

Mấy cậu bé trôi ghe chậm đến vụng về tung lưới bắt cá. Lưới có vẻ nặng so với sức vóc tuổi mười ba, gầy nhom, không bung nổi lên cao mà tôi thì ham chụp cho được một tấm hình tung lưới hết cỡ. Một cậu bẽn lẽn nói với tôi: “Tụi con đang tập lưới cô ơi!”. 

Hai cô bé tuổi trăng tròn trang phục đen, khăn trùm đầu cũng màu đen bỗng đâu xuất hiện trước ống kính của tôi. Tôi gọi hai cô bé lại và xin chụp một tấm hình làm kỷ niệm trước thánh đường Hồi giáo Mas Jid Khoy Ri Yah ở bên bờ Búng Lớn. Hai cô bé cười e ấp rồi cũng đồng ý. Hơi tiếc khi chúng tôi đến đây không nhằm ngày cầu kinh nên không được nghe những âm thanh ngân nga huyền bí trong không gian thánh đường. 

Một vài xe quà rong quanh đấy gọi mời. Người bạn đồng hành với tôi đang thưởng thức cái bánh bò nướng và tấm tắc khen ngon. 

3.

Chiều xuống chậm. Bác xe ôm hỏi chúng tôi còn muốn đi đâu ở Châu Đốc nữa không thì tranh thủ kẻo muộn. Tôi vội lên xe mà cứ thấy nao nao lưu luyến, nuối tiếc vì đã bỏ lỡ trải nghiệm ngủ đêm ở nhà dân trong chuyến đi này để cảm nhận rõ hơn những nét độc đáo trong sinh hoạt thường nhật của cộng đồng người Chăm nơi đây. Bù lại, lần đầu tiên trong đời, tôi được chứng kiến sự kỳ công để dệt ra một chiếc khăn của phụ nữ Chăm; được thưởng thức món gỏi bông súng vô cùng độc đáo, được gặp lại món lẩu cá linh bông điên điển với vị nhân nhẩn đặc trưng mà suốt mấy năm qua, tôi không sao quên được.

Búng Bình Thien mọt ngày hét mua ròi náng
Hai cô bé người Chăm bẽn lẽn trước những du khách phương xa

Và khi gõ những dòng này, tôi chợt hiểu rằng, ai đã từng đến Búng Bình Thiên một lần, dù mưa hay nắng, dù mùa nước đầy hay vơi sẽ luôn nhớ mãi cảm giác bình yên, nhẹ nhàng, sâu lắng mà miền đất này mang đến. 

Từ Sài Gòn, chúng tôi đi xe Phương Trang đến Châu Đốc. Tại bến xe Châu Đốc có một đội xe ôm chuyên nghiệp, giá cả theo quy định. Khi tôi ngỏ ý muốn đi Búng Bình Thiên, đi về trong ngày, họ đưa đúng giá 200.000 đồng/người. 

Búng Bình Thien mọt ngày hét mua ròi náng
“Thiên đường” mắm

Búng Bình Thiên là một nơi còn tương đối hoang sơ, chưa có nhiều dịch vụ du lịch nên tiện nhất là vui chơi trên hồ một ngày rồi quay trở lại thành phố Châu Đốc nghỉ ngơi để hôm sau còn đi nhiều nơi khác như núi Cấm, chùa Hang, rừng tràm Trà Sư…
Đêm ở Châu Đốc có nhiều món ăn để lựa chọn. Với tôi, ngon nhất vẫn là món bún nước lèo. Đặc biệt, bánh mì Châu Đốc rất ngon. Hôm đó, dù đã ăn tối no nê nhưng ngang qua một xe bánh mì gần khách sạn, thấy người xếp hàng mua trước tủ kính bày biện những “phụ kiện” cho bánh mì quá hấp dẫn, chúng tôi phải dừng lại và mua mỗi người một ổ, kèm theo hộp cơm rượu cũng ngon không kém. Đến khi về nhà, tìm hiểu trên Google, tôi mới biết bánh mì Châu Đốc ngon có tiếng. 

Búng Bình Thien mọt ngày hét mua ròi náng
Lẩu cá linh bông điên điển

Trước khi ra về, bạn đừng quên ghé chợ Châu Đốc mua một ít mắm và khô các loại cùng lạp xưởng bò để làm quà nhé! Cẩn thận kẻo bạn sẽ bị lạc trong mê hồn trận mắm và khô đầy quyến rũ.

Bài và ảnh: Đào Thị Thanh Tuyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI