Bún num bo chóc, món ăn thương nhớ

02/06/2017 - 08:27

PNO - Gia đình nội tôi gốc ở Nam Vang, sau biến cố chính trị nửa cuối những năm 70, cả nhà trôi dạt về Sài Gòn.

Gia đình nội tôi gốc ở Nam Vang, sau biến cố chính trị nửa cuối những năm 70, cả nhà trôi dạt về Sài Gòn.

Tôi sinh ra ở thành phố này, nhưng nguyên quán theo quê cha nên từ khai sinh đến chứng minh thư đều ghi ở Campuchia. Hồi còn đi học, lũ bạn cứ chọc mày ở bển về à? Tôi ừ, tao Việt kiều Campuchia đó, rồi có làm sao không? 

Bun num bo choc, món an thuong nhó
Bún cà ri cá. 

Chả có đứa con gái nào tự hào về làn da đen nhẻm đặc trưng của người dân Campuchia như tôi. Không chỉ thế, tôi còn có thể thao thao với chúng bạn về những món ăn truyền thống có khả năng gây thương nhớ tột độ ở đất Nam Vang, bằng cái giọng tông cao vô cùng đắc chí.

Thật, có mấy ai biết đến những món ăn này để mà đâm nghiện như những người con xứ chùa tháp chứ. Thuở bé, tôi cất tất cả những dư vị đó vào một ngăn riêng bí mật, giống như người ta cất kỹ những vật báu của đời mình.

Nội tôi, người phụ nữ duy nhất trong nhà giữ bí quyết làm ra toàn bộ những dư vị đó, một cách sốt sắng và chăm chỉ, bà cứ sấp ngửa bên gian bếp rộng để nấu nấu nướng nướng, bất cứ khi nào chị em tôi về thăm bà. Nhớ ơi là nhớ nụ cười bà móm mém mời mọc “hôm nay nội nấu bún Num bo chóc đó nghen” là con bé chỉ chực rú lên sung sướng. 

Bun num bo choc, món an thuong nhó
Bún cà ri cá nổi tiếng xứ chùa tháp. 

Num bo chóc (Nom Banh Chok) là một loại bún cá hay còn gọi là bún cà ri cá nổi tiếng của xứ chùa tháp, có hương vị đặc trưng của mắm bò hóc, kết hợp với ngải bún (mùi hao hao củ riềng) và trái trúc (giống như trái chanh nhưng rất thơm).

Để tô bún thơm ngon một cách trọn vẹn, cá nấu bún phải là cá lóc đồng, mùi không tanh, chứ chẳng phải loại cá lóc nuôi dưới ao, hồ. Bún ăn kèm rau thơm, rau muống bào, bắp chuối, bông súng, cần tây, và đặc biệt là đậu đũa sống.

Chỉ có người dân Campuchia mới biết cách đưa cái giòn giòn, sần sật, ngòn ngọt của đậu đũa sống vào hương vị mằn mặn của mắm bò hóc, khiến nó trở nên thanh tao hơn.

Bún dọn lên, nội thường múc riêng một tô to uỵch cho cái con bé bụng kêu ọt ọt từ lúc nội còn đang bận tay làm cá. Tô bún với màu vàng đặc trưng của nghệ, điểm xuyết thêm màu xanh của đậu đũa, màu tím của bông súng, màu trắng của những lát cá lóc và đặc biệt mùi thơm nồng nàn của nước lèo đậm vị mắm đặc trưng. Trời ơi là ngon! Bao nhiêu năm kể từ ngày thơ bé cho đến lúc trưởng thành, tôi chưa từng được nếm tô bún nào có vị ngon đến thế!

Nhớ xưa nội bảo, lớn nhanh đi nội truyền cho bí kíp nấu bún Num bo chóc thiệt ngon, đặng mà lấy chồng. Vợ chồng hục hặc cứ nấu bát bún mang ra làm lành, nó ăn rồi nó nghiện, nó nghiện cả người nấu bún không bỏ được. Thế mà con bé chưa kịp lấy chồng nội đã ra đi, mang theo bí kíp nấu tô bún gây nghiện xuống tận lòng đất sâu.

Rồi một trong những ngày rong ruổi ở Sài Gòn, tôi tình cờ phát hiện một nơi duy nhất có bán bún Num bo chóc, nằm trong một con hẻm trên đường Lê Hồng Phong, quận 10. Con hẻm cũng là nơi cư ngụ của những người Việt ở Campuchia hồi hương những năm 70. Để mưu sinh, một vài hộ dân mở quán bán những món ăn đặc trưng của Campuchia, vừa để đỡ nhớ hương vị quen thuộc, vừa góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực của đất nước chùa tháp đến đông đảo cộng đồng người Việt. 

Tôi mừng đến run rẩy.

Khi tô bún được dọn ra, vẫn màu vàng của nghệ, của ngải bún, màu xanh của đậu đũa, màu trắng của những lát cá tươi, màu tím của bông súng, vẫn cái mùi của mắm bò hóc quá nhiều nhớ thương. Chỉ thiếu nụ cười móm mém của nội “ăn cho nhiều mau lớn rồi nội dạy nấu bún Num bo chóc đặng lấy chồng...”, con bé nhìn tô bún, chạnh lòng nhớ nội ngồi khóc tu tu...

Tô bún Num bo chóc hôm đó dường như mặn hơn, bởi có vị nước mắt trộn lẫn. Thương và nhớ nội đến quặn cả ruột gan...

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI