Bún lòng xào nghệ, bài thuốc trị ho con nhà nghèo

04/09/2020 - 14:20

PNO - Bún lòng xào nghệ ăn không đã ngon, ăn kèm với bánh tráng nướng lại càng đã.

Khuya, không biết trời trở lạnh hay thằng con được về quê, thả chơi với anh chị cả ngày ngoài trời mà húng hắng ho. Mỗi lần thằng cháu khục khục trong giấc ngủ, bà ngoại lại trở mình, xoa lưng để cháu tròn giấc. Nhìn bức tranh ấy, tôi mỉm cười, chắc mẩm bữa sáng mai, thế nào cũng là món bún lòng xào nghệ.

Ngày tôi còn nhỏ, mỗi lần trong nhà có ai bị ho, buổi sáng hôm sau là má làm bún lòng xào nghệ, hoặc bữa trưa, trong mâm cơm đã có đĩa lòng xào nghệ. Những lúc ấy, má lại bảo: "Ăn nhiều một chút cho bớt ho. Thuốc đấy".

Dễ ăn nên mỗi lần làm món ăn, má phải làm nguyên chảo lớn.
Dễ ăn nên mỗi lần làm món ăn, má phải làm nguyên chảo lớn.

Bún lòng xào nghệ gồm lòng già, bún, nghệ tươi và hành, hẹ. Cách nấu cũng đơn giản nhưng khâu chuẩn bị thì cầu kỳ và tốn thời gian vô cùng. Phần lòng (ruột) thường dùng trong món ăn là ruột già heo. Nằm ở đoạn cuối của bộ lòng nên khâu làm sạch lòng già rất cực. Đầu tiên, má đổ nước vào lòng già để đẩy sạch chất dơ bên trong ra. Rồi lấy muối, chà từng đoạn. Tiếp đó, má lộn ruột, chà muối lần thứ nhất để bớt nhớt, xả sạch, rồi lại chà tiếp một lần với hỗn hợp muối cộng nước cốt chanh; lại ngâm lòng với rượu gừng khoảng 20 phút. Sau khi lòng già đã sạch và bớt mùi đặc trưng, má đặt lòng trong một cái rổ tre để ráo nước, rồi cắt vừa ăn.

Bún lòng xào nghệ có nguyên liệu, cách nấu đơn giản nhưng công đoạn xử lý lòng và nghệ rất mất thời gian.
Bún lòng xào nghệ có nguyên liệu, cách nấu đơn giản nhưng công đoạn xử lý lòng và nghệ rất mất thời gian.

Trong lúc má làm lòng, lũ con mang dao ra vườn, đứa đào củ nghệ tươi, đứa cắt hành, hẹ. Hành hay hẹ chỉ cần nhặt sạch lá già, rửa để ráo, cắt đoạn dài non ngón tay nhưng nghệ tươi thì khác.

Nghệ tươi sau khi gọt vỏ, xắt lát mỏng vừa thì cho vào cối, giã dập. Nghệ tươi càng nhiều, món ăn càng ngon, càng nhanh bớt ho nên lúc nào má cũng dùng thật nhiều nghệ. Mà bạn biết rồi đó, không có gì dính tay mà khó rửa như nghệ nên sau vài lần đầu hăng hái, những lần sau, lũ con đều lười, để má "xử" nghệ. Có một lần, vừa kỳ cạch gõ, tôi vừa hỏi má tại sao đã xắt nhỏ còn phải giã, hoặc xắt, hoặc giã không phải sẽ nhanh hơn. Má cười: "giã dập miếng nhỏ, nghệ mới thành bài thuốc".

Giờ tôi mới biết, ngày xưa, má dùng lòng già vì giá rẻ.
Giờ tôi mới biết, ngày xưa, má dùng lòng già vì giá rẻ.

Lúc đó, tôi cũng tin vậy nhưng lớn dần, tôi lại nghĩ khác. Người lớn muốn tốt cho sức khỏe, cố nhai một miếng, rồi một miếng, sẽ dần nghiện cái vị bột bột, đăng đắng nhân nhẫn ấy nhưng trẻ con thì khác. Cái gì thuộc phạm trù cay, đắng, nhẫn dù tốt cho sức khỏe, chúng vẫn "tránh xa". Tôi nghĩ, má cắt nhỏ, rồi giã nhỏ thứ nhất để nghệ thấm dược tính vào lòng già; thứ hai, nếu không thấm vào lòng, những miếng nghệ nhỏ xíu cũng dễ dán miếng lòng, khi lũ trẻ ăn lòng, chúng đồng thời ăn cả nghệ tươi, ăn vị thuốc.

Bún lòng xào nghệ ăn không đã ngon, ăn kèm bánh tráng nướng càng đã.
Bún lòng xào nghệ ăn không đã ngon, ăn kèm bánh tráng nướng càng đã.

Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu, má phi thơm hành, cho lòng vào xào đến khi ráo nước thì cho nghệ tươi vào, xào chín nghệ thì cho hẹ và bún vào, trộn đều. Khi hẹ hơi héo, má nêm gia vị vừa ăn thì tắt bếp. Bún lòng xào nghệ ăn nóng cũng ngon mà ăn nguội cũng thú vị không kém. Nghệ giã nhỏ, hẹ đã xào chín, không còn vị hăng hay mùi cay nên lần nào má nấu thì chảo bún lòng xào nghệ luôn được lũ con vét sạch, ăn đến bụng căng tròn mới dừng lại.

Uyên Lâm 

 

 

 

 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI