Bùi Thạc Chuyên: “Điện ảnh trẻ đang bị bỏ rơi”

23/03/2014 - 04:55

PNO - Đạo diễn Sống trong sợ hãi, Chơi vơi, Lời nguyền huyết ngải… đã chia sẻ nhiều điều về người trẻ và tương lai điện ảnh Việt.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nỗ lực cá nhân rất khó bền lâu

* Điểm nổi bật ở giải Cánh Diều vừa qua là sự xuất hiện của một số tên tuổi trẻ, nổi bật là Quang Huy với bộ phim đầu tay Thần tượng. Anh nói gì về hiện tượng này?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Việc thị trường điện ảnh Việt đang mở ra đa dạng, một đạo diễn làm phim đầu tay đoạt giải cũng là chuyện bình thường. Vì phim đầu tay thường có sự bất ngờ và bản thân BGK cũng bất ngờ về bộ phim đó. Điều đó là tốt cho thị trường. Chỉ sợ khi đạo diễn trẻ mà đều ở độ tuổi 45-50 tuổi…

* Đây đã thực sự là tài năng điện ảnh như lời đạo diễn Vinh Sơn nói chưa? Với trực giác và cảm nhận của anh, Huy còn tiến xa không?

- Thần tượng là một phim tốt, đều tay từ biên kịch, đạo diễn, quay phim, đến diễn viên. Có một hiện tượng như vậy là mừng, Còn khó nói xa hơn vì Quang Huy là một người làm phim nghiệp dư. Điện ảnh với anh mới là một cuộc chơi và hứng khởi là chơi. Phải đợi anh làm phim thứ hai, thứ ba. Vì làm phim đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao.

* Nếu Quang Huy thắng giải đạo diễn triển vọng thì khác, nhưng đây lại là giải cao nhất của một hội nghề nghiệp. Điều đó phải chăng cho thấy giải Cánh Diều đang tụt dốc?

- Giải đã xuống dốc rồi và giờ đang đi lên, đó là tích cực. Thị trường điện ảnh ngày càng phát triển, lợi nhuận tăng lên, có phim thu tới 4 triệu USD thì đáng mừng quá. 10 năm trước đây đáng lo hơn nhiều, đáng… “chuẩn bị bia mộ” rồi.

* Nhưng đã từng có dạo, điện ảnh Việt tưởng như xuất hiện một làn gió mới, nhưng rồi mọi thứ cứ lụi tàn?

- Vì chưa có một cơ chế tốt cho điện ảnh. Lẫn lộn điện ảnh nhà nước và tư nhân, giữa bao cấp và thị trường. Hệ thống điện ảnh nhà nước đã lỗi thời, không phù hợp thị trường. Phải bình đẳng điện ảnh nhà nước và tư nhân thì mới có làn sóng được. Bản thân tôi và bất cứ một đạo diễn trẻ nào nổi lên, đều là nỗ lực cá nhân, không bền lâu. Phải có sự hỗ trợ của cả một hệ thống.

Quá ít để nói về hy vọng

Bui Thac Chuyen: “Dien anh tre dang bi bo roi”

* Tương lai của điện ảnh Việt thuộc về những người trẻ. Nhưng phim ngắn vừa qua không hề có giải vàng ở Cánh Diều? Vì lớp trẻ không mặn mà với giải, hay vì thiếu tài năng nổi trội?

- Tôi không biết khâu chấm giải phim ngắn năm nay, nhưng nói tài năng ở phim ngắn là quá sớm. Dù thực sự có những em đã làm ra sự ngạc nhiên lớn. Tuy nhiên, mọi thứ phải được gieo trồng, chăm bón, tưới tắm thì mới có thu hoạch. Đào tạo điện ảnh trẻ bị bỏ rơi, không ai đoái hoài. Trẻ loay hoay tìm kiếm cơ hội, không có sự hỗ trợ, còn trường ĐH SK-ĐA thì bị đình chỉ mười mấy chuyên ngành không được tuyển sinh vì không đáp ứng tiêu chuẩn đào tạo.

* Trung tâm TPD do anh phụ trách là cái nôi nuôi dưỡng tài năng trẻ. Cái nôi này đã hoạt động thực sự ổn chưa, còn gì đang là trở ngại?

- TPD không có một nguồn hỗ trợ nào. Tự lo, tìm kiếm tiền. Quỹ Ford đã thôi từ năm 2009. Hội điện ảnh cho mượn nhà không lấy tiền đã là sự giúp đỡ to lớn rồi.

* Có câu “con khóc mẹ mới cho bú”, các anh có xin không hay chỉ đợi nhà nước?

- Tôi đã làm dự án nhiều năm, nhưng TPD không được chiếu theo một ngạch nào, không ai tiếp nhận dự án của chúng tôi. “Mẹ” chúng tôi là Bộ VH-TT-DL hay Bộ Giáo dục & Đào tạo? Trong khi TPD đã hoạt động được 12 năm, và thế hệ Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp… làm phim đầu tay đều là do TPD tài trợ.

* Ai trong số lớp trẻ hiện tại cho anh hy vọng nhất?

- Với một đất nước mỗi năm chỉ làm 17-18 phim, quá ít để nói là hy vọng. Không nên kể tên bất cứ ai vì trẻ được làm phim thì hiếm. Nguồn tài trợ từ đâu, làm phim xong, chiếu ở đâu? Đó là những câu hỏi khó. TPD giúp các bạn trẻ tham gia làm phim, đào tạo làm phim dạng phổ cập, hình thành cộng đồng làm phim.

Hay dự án Gặp gỡ mùa thu do Phan Đăng Di tổ chức, mời đạo diễn Trần Anh Hùng giảng dạy về làm phim cho các bạn trẻ ở Đà Nẵng mới đây cũng là nhờ một mình Di chạy xin tiền tư nhân… Nhưng đó là lỗi hệ thống, không có sự hỗ trợ dành cho các tổ chức dân sự. Lớp trẻ bao giờ cũng đầy mơ mộng và khát khao. Khát khao hòa nhập điện ảnh thế giới luôn nóng bỏng. Nhưng thực sự chúng ta đã hòa nhập như thế nào?

Bui Thac Chuyen: “Dien anh tre dang bi bo roi”

* Vậy thì giải pháp nào để “đốt giai đoạn”, theo anh?

- Cần một chính sách mạnh mẽ hơn cho đào tạo. Hỗ trợ không chỉ đào tạo chính thống mà còn cả các đào tạo dân sự. Nhiều khi một workshop 6 tháng, 1 năm còn bổ ích hơn 4 năm học trường điện ảnh. Có hỗ trợ rồi, phải tìm ra sân chơi cho hoạt động điện ảnh trẻ rồi giúp phát hành bộ phim…

* Hiện tại anh đang dự định làm phim nào? Làm sao để luôn trẻ trong tư duy sáng tạo?

- Tôi đang chuẩn bị một vài dự án và bắt đầu triển khai. Muốn không bị bỏ lại, phải liên tục xem phim, hòa nhập, chơi với những người trẻ. Phải giao lưu, đi LHP, phải nằm trong dòng chảy của điện ảnh thế giới. Tôi cảm giác mình đang đủ độ đằm, độ tỉnh táo cũng như độ chín để làm việc tốt nhất.

* Rào cản lớn nhất của anh?

- Vấn đề lớn nhất là đơn độc, như tôi đã nói ở trên, không có khuyến khích và hỗ trợ. Khó khăn thứ hai là khán giả, như một đạo diễn người Philippines từng nói, trong một cuộc trao đổi với khán giả Pháp. Nghệ sĩ nếu lựa chọn con đường làm phim tác giả thì đương nhiên là càng khó khăn.

* Vậy hiện anh theo con đường làm phim nào?

- Hiện tôi chú tâm vào làm phim tôi thích và cảm thấy không phải chiều lòng ai.

Theo V.VĂN
(Lao Động)

Từ khóa Bùi Thạc Chuyên
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI