“Bụi quý” từ những điều rất nhỏ

01/01/2021 - 05:22

PNO - Trong quá trình trở thành một người cha, dù vẫn hiểu về trách nhiệm nhưng cha tôi chưa hề biết cách thể hiện yêu thương.

Buổi sáng hôm đó, có cô gái nhỏ ngồi chóc ngóc trên lưng ba mình. Ba cõng cô đi từ khu nhà tập thể ở thị xã để xuống tàu về lại nhà ở quê. Được ba cõng trên lưng là một sự lạ lẫm với riêng cô.

Năm đó cô 6 tuổi, vẫn ý thức được rằng từ lúc cô nhỏ xíu cho đến lúc này, chưa bao giờ được ba ôm, nắm tay, xoa đầu hay vuốt tóc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong cô chỉ có một người cha mặt khó đăm đăm, lâu lâu xuất hiện ở nhà theo kỳ nghỉ ở công sở và luôn dị ứng với đám con nít, nên anh em cô bị ba rầy la suốt. Hễ ba về, là lặng lẽ mỗi đứa một góc, len lén “chấp hành” những quy định khác với thường ngày.

Buổi sáng, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng được ba cõng khiến đến thở, cô cũng rón rén. Vậy mà, cô lại phạm sai lầm, khi lỡ làm rớt nước si rô đá bào, ở cái bịch đang cầm trên tay, vào lưng áo ba. Cô nghĩ thể nào ba cũng đánh một trận, như những lần bị ba phạt vì sự vụng về trẻ nít. Nhưng lần này thì không.

Phải nói, lần đầu tiên không thấy bị rầy vì phạm lỗi, lại được cõng trên lưng như bất cứ đứa con nít nào là một sự kiện lớn lao trong tất cả các sự kiện của cuộc đời cô gái nhỏ cộng lại. Nó ấn tượng sâu sắc đến mức, sau này lớn, nó vẫn hay tua đi tua lại đoạn này. Mọi thứ cô có thể quên, chỉ duy nhất chi tiết được ba cõng là mãi nhớ.

Cũng có thể còn ký ức khác, như chuyện ba mua chiếc cặp đi học và đôi dép cho anh kế nhưng lại mua lộn kích cỡ do ba nói sai tuổi anh với người bán hàng, thành ra cô gái nhỏ được hưởng. Nó như món quà mà cô bé nghĩ rằng, mình đương nhiên được bởi mình rất ngoan. Cũng có thể hồi cô sốt xuất huyết, người đàn ông chưa từng biết ôm con vào lòng bao giờ, đã sờ lên chiếc trán nóng hôi hổi, hốt hoảng kêu bác sĩ hãy cứu con mình.

Rồi cũng người đàn ông khó tánh và xa cách đó, lâu lâu lại mua cho má chiếc quần lãnh Mỹ A lúc mới lĩnh lương, khiến má vui trong bụng hết sức, dù ngoài mặt thì rầy ba hoang phí.

Những điều đó khiến tôi chấp nhận rằng mình có một người cha rất khác. Chỉ là, trong quá trình trở thành một người cha, dù vẫn hiểu về trách nhiệm nhưng ông chưa biết cách thể hiện yêu thương. Nhưng ký ức đã chịu khó ghi lại những hành động đẹp của ông và khiến nó mạnh mẽ lên, đủ để lấn át những điều khác.

Tôi xin phép được gọi những ký ức đó là những thứ “bụi quý”. “Bụi quý” ở đây là ý trong câu chuyện của nhà văn Paustovsky, kể về một người lao động nghèo thành Paris, mỗi ngày quét rác ở những hiệu vàng mà không bao giờ đổ đi, anh đem về sàng sảy, để cuối cùng đúc được một bông hồng vàng dành tặng cô gái mình thầm ngưỡng mộ. “Bụi quý” hẳn là thứ phải trải qua sàng sảy gạn lọc từng ngày, để tìm nên thứ tinh chất đẹp nhất.

"Bụi quý" ấy, khiến ta gỡ dần những nút thắt bất ổn, để hiểu - cảm và thương. Rằng đâu có nơi nào khác, mà chỉ ở gia đình, thì sẻ chia mới không so hơn tính thiệt, không có e dè, không cảm thấy mình bị mất mát và ai phải hy sinh quá lớn. Thứ “bụi quý” mà ta đã sàng lọc được để giữ gìn, sẽ trải qua rất nhiều năm tháng, từ rất nhiều va chạm, cả những gãy đổ, tổn thương và sai lầm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Bụi quý” có thể thành vàng nhưng cũng có thể là phương thuốc kỳ diệu. Nhờ đi lọc “bụi quý”, mới thấy được rằng, bản chất của từng mảnh nhỏ lấp lánh là nhờ người bên cạnh, đã dám hiện diện trọn vẹn trong hình hài thành thật nhất, nó như mùi mồ hôi nồng hơn bất cứ thứ nồng nào, đẫm ở lưng áo, là đầu bù tóc rối sau cuộc bon chen.

Góp nhặt “bụi quý”, với tôi, gần như là một việc bắt buộc mỗi ngày. Hẳn có thể đó là cách riêng, để nhờ đó, tôi lưu giữ cho mình một nếp nhà giản dị và tử tế. Nếp nhà nào cũng chính là động lực cho ta cố gắng, lớn lên, nương nhẹ. Nơi đó, tình thương sẽ được trao truyền, như bông hồng vàng đúc từ thứ bụi quý, nó chỉ có thể quý giá cho ai biết rằng mình xứng đáng. 

Minh Phúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI