edf40wrjww2tblPage:Content
Nổi lên như một hiện tượng bằng những vở kịch đề tài kinh dị ở sân khấu (SK) Thế Giới Trẻ: Lầu hoang, Họa hồn, Bí mật nhà xác… đến nay Bùi Quốc Bảo TG - ĐD trẻ được “tín nhiệm” với phong cách kịch ma.
Không dừng lại ở đó, ở mảng đề tài kịch hài, Bùi Quốc Bảo cũng “quậy tưng” ở SK Nụ Cười Mới với các vở như: Ai sợ ai (TG Lê Bình), Vợ chồng son (TG Thanh Hoàng), Nữ quái tống tiền, Ngày tận thế, Tiệc ly hôn, Thương nhau để đó…
Khi đã khẳng định mình ở thể loại kịch ma và hài kịch, Bùi Quốc Bảo tiếp tục thử sức với kịch tâm lý xã hội. Không phải chờ quá lâu, Đời như ý - vở diễn do anh ĐD kiêm chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư đã chinh phục khán giả và mang về cho anh giải Tác giả trẻ xuất sắc do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao tặng tại Liên hoan SK kịch nói chuyên nghiệp 2012. Đây là động lực để Bùi Quốc Bảo tiếp tục tìm cho mình một vị trí ở thể loại tâm lý xã hội với Cõng mẹ đi chơi, Chỉ có thể là yêu… Cũng trong năm 2014, tên tuổi Bùi Quốc Bảo đã xuất hiện ở SK Hoàng Thái Thanh bằng vở Lạc giữa phố người.
Không chỉ tung hoành ở các SK kịch, mới đây Bùi Quốc Bảo lại tiếp tục lấn sân qua lĩnh vực cải lương với vở Cõng mẹ đi chơi, Đời như ý.
* Sự xuất hiện của Bùi Quốc Bảo ở lĩnh vực cải lương (CL) làm nhiều người thắc mắc: anh xoay xở ra sao với loại hình nghệ thuật khác biệt này?
- Với tôi, CL là “vùng đất mới” ẩn chứa rất nhiều điều thú vị mà tôi khát khao khám phá. Tôi dàn dựng Cõng mẹ đi chơi trong tâm thế học nghề nhiều hơn là phát huy sự sáng tạo. Có rất nhiều điều về CL mà tôi chưa được học ở trường khi còn là sinh viên khoa ĐD. Với tâm lý “dò đường”, tôi lắng nghe và... thỏa hiệp nhiều hơn thể hiện mình.
May mắn lớn nhất của tôi trong lần đầu dựng CL là được làm việc với những nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm, họ sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của tôi về CL. Vở diễn ra mắt, tôi tiếp tục lắng nghe những ý kiến phản hồi từ phía khán giả để tự đánh giá lại khả năng thích ứng của mình. Hy vọng với những gì đã làm được, tôi sẽ đủ tự tin để thể hiện mình nếu tiếp tục được dựng vở cho CL.
* Anh sẽ chờ đợi cơ hội hay chủ động “tấn công”?
- Nếu chờ thì không biết sẽ phải chờ đến khi nào nên tôi sẽ tự tìm cơ hội bằng cách viết kịch bản CL. Thực ra thì tôi chưa ưng ý lắm với đề tài của Cõng mẹ đi chơi, vì cảm giác vở này chưa đặt được vấn đề mà đông đảo bạn trẻ đang quan tâm. Làm sao để có được một đề tài mới, đáp ứng sự quan tâm của khán giả trẻ nhưng vẫn phù hợp với SK CL, đó là bài toán khó mà tôi đang cố gắng tìm lời giải.
* Nhìn lịch của các SK thấy có đến bốn-năm vở của anh mỗi tuần ở các điểm khác nhau. Anh lấy đâu ra nhiều năng lượng đến vậy?
- Thực ra trong số các vở đang công diễn của tôi, có những vở đã được dàn dựng cách đây cả năm, thậm chí lâu hơn. May mắn là những vở diễn ấy vẫn còn khán giả nên được các SK xếp lịch diễn. Bản thân tôi cũng không đủ khả năng để ôm đồm nhiều việc một lúc. Phải giải quyết dứt điểm việc này tôi mới bắt tay tiếp tục việc khác.
Dù vậy, đôi lúc tôi cũng từng trải qua cảm giác buồn và thất vọng vì mình đã dễ dàng thỏa hiệp, làm vội cho xong việc. Đành rằng nhu cầu của SK cũng chỉ cần đến vậy, nhưng giá như tôi nghiêm túc hơn, khắt khe hơn với bản thân, tôi tin các diễn viên (DV) và quản lý của SK vẫn sẵn sàng đồng hành với mình.
Vở Đời như ý
* Nhưng với những gì đã làm, anh đang được đánh giá là tên tuổi thuộc hàng “top” của lớp trẻ…
- Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ mình đang ở vị trí nào. Trong công việc, tôi chỉ suy nghĩ mỗi ngày mình phải làm được điều gì khác hơn, phải vượt qua chính mình và phải biết khắc phục những lỗi đã mắc phải trong vở trước. Tôi đến với nghề viết kịch bản hoàn toàn bất ngờ. Từng trúng tuyển lớp DV năm 1994, nhưng sau một học kỳ, tôi quyết định nghỉ học vì cảm nhận mình không hợp với nghề diễn. Năm 1999, một lần được đọc kịch bản SK, tự nhiên tôi nghĩ “liều”: viết kịch bản vầy chắc mình viết được.
Rồi tôi cặm cụi, miệt mài viết. Viết ba-bốn kịch bản nhưng gửi đâu cũng chẳng ai dùng vì tôi cứ nghĩ sao viết vậy, kịch bản không hề có kịch tính. Nhưng lạ là tôi không nản, có lẽ một phần cũng do tôi đang thất nghiệp, nên rảnh rỗi. Mãi đến vở Cái tráp vàng, tôi may mắn được ĐD Hùng Lâm hỗ trợ để hoàn thành kịch bản. Rồi Thuốc đắng dã tật, Trùm lừa được dựng nhưng… đến giờ tôi mới thú thiệt, lúc đó tôi viết nhưng không có kiến thức gì về cấu trúc kịch bản mà hoàn toàn viết theo đặt hàng của ĐD với suy nghĩ rất đơn giản: “Cứ viết đại, có gì ĐD sửa!”.
* Có phải vì vậy nên anh quyết định học ĐD để tự sửa kịch bản của mình?
- Viết kịch bản, thậm chí có đến ba vở được dựng mà tôi vẫn cứ mơ hồ về SK, về công tác ĐD. Tôi muốn được học biên kịch, nhưng chờ hoài vẫn không thấy có lớp biên kịch nào chiêu sinh. Thôi không có lớp biên kịch thì… học tạm lớp ĐD vậy. Ít nhất học xong tôi cũng biết công việc của ĐD là gì và biết đâu chừng cũng có thêm chút kiến thức để viết kịch bản. Lúc đó tôi chỉ suy nghĩ được đơn giản vậy thôi. Còn hiện tại, rõ ràng công tác ĐD đã giúp rất nhiều cho công việc biên kịch của tôi.
* Mỗi người thường chỉ có sở trường ở một lĩnh vực, nhưng anh vừa là TG kiêm ĐD và “tung hoành” cả bi, hài, tâm lý xã hội lẫn kinh dị… anh có lo mình quá “đa đoan”?
- Thực ra viết kịch bản hay dựng vở đều có những nguyên tắc nhất định. Cứ bám sát nguyên tắc đó để làm việc mình đã có thể hoàn thành được 50% công việc. 50% còn lại là sự sáng tạo.
Vở Cõng mẹ đi chơi
* Anh nói mình không được học biên kịch, vậy nguyên tắc viết kịch bản anh “tìm” ở đâu?
- Tôi đã phải mày mò tự học. Tôi đọc tất cả những tài liệu về biên kịch mà mình có thể tìm được từ internet, sách… Vừa tự học, vừa sáng tác để có trải nghiệm và tự rút ra kết luận cho mình, tôi đã có không ít kịch bản chỉ để “lưu kho”. Sau 10 năm tự mày mò, tôi vẫn cứ loay hoay với những vở diễn đầu tiên được dàn dựng trên SK Thế giới trẻ và không ít lần rơi vào trạng thái thiếu tự tin.
Điểm yếu của tôi là làm công tác dàn dựng nhưng đôi lúc vẫn mang quan điểm của TG, tham nội dung và trở nên… “nổi tiếng” là người có vở rất dài! Biết khuyết điểm của mình nhưng không dễ khắc phục một sớm một chiều. Thời gian đầu, tôi cũng dễ tự ái khi bị chê. Nhưng dần dần, khi đủ trải nghiệm, tôi nhận ra những lời khen chê đúng rất quan trọng để mình biết cách điều chỉnh và hoàn thiện mình. Gần đây, tôi đã tỉnh táo hơn. Khi xem lại vở mà chưa cảm thấy ưng ý thì dù có được khen, tôi vẫn không vui vì tự nhận thấy mình vẫn có thể làm tốt hơn nếu cố gắng hơn.
* Có vẻ như anh rất giỏi thăm dò thị hiếu khán giả trước khi dựng vở nên hầu hết các vở kinh dị của anh thường “cháy vé” trong những suất đầu?
- Nếu được lựa chọn, tôi sẽ chọn bi kịch. Trong những vở bi kịch, các nhân vật phải đấu tranh vươn lên để tồn tại và câu chuyện kịch có thể đi đến tận cùng tâm lý, cảm xúc của nhân vật. Nhưng nhu cầu của khán giả hiện nay lại là kịch kinh dị, kịch ma. “Cung” và “cầu” khác nhau nên tôi gần như không ý thức phải thăm dò thị hiếu khán giả trước khi viết kịch bản. Khi bắt tay viết, tôi không chú trọng quá nhiều đến yếu tố kinh dị mà tập trung vào những cấu trúc, nguyên tắc trong sáng tác kịch bản.
Tôi quan tâm đến việc xây dựng một câu chuyện mạch lạc, duyên dáng và những thông điệp rõ ràng. Cố gắng tránh để vở diễn không trở thành một bức tranh quá u tối và hạn chế tối đa yếu tố bạo lực, mê tín. Tôi tin khi được xây dựng với một cấu trúc tốt, khán giả sẽ bị thu hút vào nhiều diễn biến, chi tiết khác và yếu tố ma quái chỉ như gia vị được nêm nếm thêm để món ăn hấp dẫn hơn, ngon hơn.
* Ưu điểm ở các vở diễn của anh là mạch kịch chắc, đặt được nhiều góc nhìn khác nhau về cả giới trẻ lẫn những vấn đề gia đình, xã hội… Còn khá trẻ, anh lấy đâu ra những trải nghiệm đó?
- Tôi đọc rất nhiều sách, xem rất nhiều phim ở tất cả các thể loại và học được nhiều từ đó. Nhiều thể loại phim ảnh hay sách truyện có cách khai thác tâm lý nhân vật, diễn biến câu chuyện rất lạ. Tôi đọc và nạp tất cả vào tiềm thức để dự trữ khi cần. Bên cạnh đó, đời sống cũng là chất liệu rất phong phú.
Điều quan trọng là cách mình “nấu nướng” ra sao để đời sống không bị mô tả quá “đời thường” trên SK nhưng khán giả vẫn cảm nhận được nó rất gần gũi với cuộc sống của mình, của người thân và bạn bè. Một phần nữa, trong cuộc sống tôi là người nhút nhát, ngại va chạm. Có nhiều băn khoăn, bức xúc nhưng lại không đủ can đảm để bày tỏ. Viết cũng là cách để tôi “tuôn” những cảm xúc, suy nghĩ của mình.
Vở Lạc giữa phố người
* Có phải vì ngại va chạm nên anh luôn chấp nhận sự phản biện của DV và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của họ khi dựng vở?
- Trong trường hợp này, chấp nhận phản biện lại không xuất phát từ tâm lý ngại va chạm. Tôi quan niệm ĐD chỉ giỏi khi nhìn tổng thể nhưng không thể giỏi bằng DV trong chi tiết. DV giỏi sẽ giúp ĐD “sáng” thêm rất nhiều. Thêm nữa, để làm việc với những DV thích phản biện, ĐD phải không ngừng trang bị kiến thức, kinh nghiệm và nắm được nhiều vấn đề khác nhau.
Có vậy ĐD mới hiểu được phản biện của DV là đúng hay sai và có đủ bản lĩnh để tranh luận, thuyết phục họ. Tôi rất thích được làm việc với các DV hay phản biện, bởi sự phản biện đó không chỉ giúp tác phẩm hay hơn mà còn là “lý do” buộc tôi phải luôn vượt qua chính mình.
* Từ nay đến cuối năm lịch làm việc kín mít với một vở hài, một vở ma, một vở bi kịch và quyết tâm “tấn công” CL, anh có còn thời gian nào cho riêng mình?
- Hạnh phúc của tôi bây giờ là được làm việc và được chăm sóc gia đình lớn của mình. Tôi quê Đồng Tháp, lại theo đuổi duy nhất công việc sáng tác nên bao năm vẫn ở nhà thuê. Ba mẹ tôi đã lớn tuổi nên tôi đón lên TP.HCM sống chung để tiện chăm sóc. Với tôi, hạnh phúc lớn này đã là đủ.
Còn chuyện riêng tư thì sau một lần yêu sâu đậm kéo dài hơn 10 năm mà không thành, đến giờ tôi không còn quan trọng chuyện tình yêu nữa. Thời gian này tôi rất hạnh phúc khi được đồng nghiệp, bạn bè yêu thương và khán giả trân trọng đón nhận tác phẩm của mình. Tôi nghĩ, như vậy là quá đủ!
* Cám ơn anh.
THẢO VÂN
(thực hiện)