Bùi ngùi cái tết xa quê

08/02/2018 - 11:30

PNO - Cái tết đầu tiên, hai vợ chồng tôi quyết định ở lại Sài Gòn ăn tết. Năm đầu tiên và có lẽ cũng sẽ là năm cuối cùng xa quê.

Những ngày cuối năm, bạn bè tục tục về quê ăn tết cứ ríu rít như chim non. Tất bật mua món này, món kia cho nhà. Còn mình ngồi đây, cứ chọn một góc riêng mà gạt nước mắt.

Có ai bắt phải ở lại đâu. Cũng cố tỏ ra mình mạnh mẽ, độc lập, đã đến lúc trưởng thành, lập gia đình riêng rồi, ăn tết một năm xa quê có sao đâu? Vậy mà cũng nghẹn ngào.

Bui ngui cai tet xa que
 

Tiếng điệu buồn phương Nam vang vẳng từ bên nhà hàng xóm. Là đờn ca tài tử. Chẳng hiểu sao, bỗng nhiên nhà họ lại mở vào những ngày giáp tết này. Buồn vô tận.

Hai vợ chồng người Bắc, lập nghiệp phương xa. Vì hoàn cảnh phải chọn lựa một cái tết xa nhà.

Nam, Bắc vốn dĩ xa cả ngàn cây số. Nghe điệu buồn phương Nam, bỗng lại thấy thân quen dù mình mới chỉ 10 năm gắn bó.

Thôi thì, mọi chuyện cũng là duyên. Một vùng đất, bạn bè mới cũng là những con người thân thuộc với gia đình hàng ngày. Chỉ là tết đoàn viên, vắng cha mẹ già, con người cứ cảm thấy cô quạnh.

Tết ở quê, bố mẹ giờ đang chuẩn bị nồi bánh chưng. Ngày ông Táo, mẹ vẫn luôn dặn mua một đôi cá chép để cúng ông Táo về trời.

Nhớ cái thuở quần thủng đít, cùng chị gái lũn cũn ra cái hồ gần nhà để thả cá. Mẹ bảo, cá chép sẽ đưa ông bà Táo về trời, báo cáo một năm qua gia đình nhà ta ra sao và cầu xin những điều tốt đẹp nhất cho gia đình vào năm mới. Mình tin lắm, vậy là hai chị em cứ tâm niệm, năm vừa rồi con học ngoan lắm, nhà hơi nghèo vầy nên cầu xin ông Táo cho bố mẹ giàu lên nhé.

Thế đấy, cái nghèo đôi khi bám vào ký ức của một đứa trẻ miền quê lam lũ.

Bui ngui cai tet xa que
Ảnh minh họa.

Tết của tuổi thơ, chỉ mong mẹ mua cho manh áo mới. Được mặc áo mới rồi, sang khoe với lũ trẻ hàng xóm, chúng cũng nheo nhóc và nghèo y chang nhà mình.

Vầy mà vẫn cứ vui…

Chợ tết ở quê, món gì cũng đẹp. Xin mẹ mua, mẹ ngần ngừ nói: "Thôi con, đi về đi. Chị đợi ở nhà’’. Nghe mẹ nói xong, khóc từ đầu chợ đến cuối chợ. Về đến nhà thì ngủ quên vì mệt. Ngày đó, đâu nghĩ mẹ nghèo đâu, chỉ nghĩ mẹ không thương mình.

Chiều 30 tết, bố dắt đứa con gái nhỏ theo lên mộ ông nội để cúng mời ông về ăn tết cùng gia đình. Bố ngồi nhặt từng viên đất, cứ đắp đắp xung quanh. Rồi bố cứ ngồi lặng yên một lúc.

Trong thinh lặng, đứa trẻ 10 tuổi như mình không hiểu gì. Chỉ nhớ, những buổi chiều 30 ở xứ Bắc, gió rét nhưng cái mùi nhang khói, cùng dòng người đi lên thắp hương cho người đã khuất, nó cứ ấm cúng đến một cách lạ kỳ, khó hiểu.

Chẳng thế, tết cứ mãi là thiêng liêng và hạnh phúc với bất kỳ một đứa trẻ.

Ký ức vốn dĩ đẹp, cũng dễ hiểu vì sao càng lớn, chúng ta càng trở nên hoài niệm. Cuộc sống ngày càng hiện đại, công nghệ ngày một chiếm hết thời gian của mỗi người. Ai cũng trở nên tất bật hơn lúc nào hết.

Bui ngui cai tet xa que
Ảnh minh họa.

Tuổi thơ của con mình bây giờ là những trung tâm mua sắm, là những khu vui chơi. Không một cánh đồng, không một dòng sông chờ cá chép, không chiều 30 với những giây phút linh thiêng nhớ về người đã khuất…

Buồn nhưng không có nghĩa là chấp nhận. Ký ức của con trẻ cũng cần được "xây’’ giống như chúng ta đã từng được cha mẹ "xây’’cho từ những ngày nghèo khó.

Thôi thì, xuân tha phương ta tận hưởng theo kiểu tha phương. Cũng dưa kiệu, bánh tét, thịt kho trứng và không quên thịt đông, canh măng, nem rán của miền Bắc xa xôi.

Vẫn sẽ đưa con đi chợ hoa ngày 30 tết cùng mâm cúng tất niên, ở nơi xa ta vẫn có thể ngưỡng vọng về tổ tiên. Bởi tết là sum vầy.

Mai Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI