Bui một tấc lòng

26/02/2018 - 09:26

PNO - Bởi tận cùng, thượng sách giữ nước cũng chỉ là “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”. Thượng tôn một nhà nước hay một chính thể, cũng là từ dân, dân chỉ mong được yên ổn thái bình, được an hòa sinh sống, lạc nghiệp.

Cách đây mấy năm, dịp trở về quê nhân mùa Festival Huế, tôi được bạn bè kéo lên quán cà phê cao nhất nhì thành phố, ngự ở khách sạn Hoàng Đế - nằm đối diện cổng sau của Đại học Sư phạm, Tòa Khâm cũ - nơi chứng kiến cuộc thảm sát bao người dân vô tội trong phong trào chống sưu thuế ở Trung kỳ vào đầu thế kỷ XX, mà cậu học trò Nguyễn Sinh Cung đã tham gia với vai trò thông ngôn, khởi đầu cho tinh thần cứu nước của một con người yêu nước. 

Bui mot tac long

Mắt đang còn dõi theo cái mảng xanh - là công viên điêu khắc ngày nay, mà mường tượng máu đã tắm cả một dải bờ sông Hương ngày xưa; bất ngờ có tiếng la, đúng hơn là tiếng quát tháo, nó kéo dài một hồi rồi im hẳn, rồi lại lao xao tiếng cười nói, tiếng hô hào cụng ly chúc tụng. Tôi bước lại gần, nhận ra một khuôn mặt đậm sì mà đã mấy lần loáng thoáng thấy trên ti vi.

Ông ta đấy, vẫn lớn tiếng chỉ trỏ. Ông ta đấy, vị quan đầu tỉnh. Chả khác gì cái rì mốt, mọi âm thanh lớn nhỏ, vui ít vui nhiều hình như đều lệ thuộc vào cái ly bia trong bàn tay hộ pháp của ông ta. Sao ông ta không thử nghểnh cái cổ đỏ tía ấy mà nhìn xuống mặt đường bên kia, nơi khu vực Tòa Khâm cũ - di chỉ vẫn còn đó, máu đỏ của dân đen thấm dưới nền đất cũ của một thời yêu sách cho tự do, công bằng!

Cũng cái hình ảnh ngất ngưởng “ngọa triều” ấy, tôi còn chứng kiến mấy bận, nào đâu chỉ có ở quê tôi. 

Vì thế, sau này, khi đọc tin Chủ tịch nước ký quyết định tước bỏ danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tôi không lấy làm lạ, lại nhớ đến cái tiếng la lối, cái bộ dạng chỉ trỏ năm nào. 

Vì thế, cả năm rồi, và sắp tới chắc còn nhiều trường hợp khác nữa, khi Ủy ban kiểm tra Trung ương công bố các hình thức kỷ luật đi kèm nội dung vi phạm, tôi lại nghe quanh mình bao tiếng thở dài chua chát, có cả sự phẫn nộ không kìm giữ, rồi cái gật gù trấn an, làm thật, làm lâu dài, làm cho tới nơi tới chốn, làm để không còn chốn dung thân cho thói tham lam, cậy quyền, vơ vét, nhũng nhiễu…

Để “làm” được và bảo vệ tính chính danh của cái “làm” ấy, cần được quy định hóa, tiến tới luật hóa; và dĩ nhiên là kiểm soát bằng công cụ minh bạch hóa các công đoạn, các quy trình chọn lựa, kiểm tra, đánh giá… 

Một biểu hiện khá nhanh nhạy và cụ thể là vào ngày 2/12/2017, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã ký ban hành Quy định 1374-QĐ/TU về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 

Theo Quy định 1374, các thông tin có cơ sở từ 4 nguồn - gồm: ý kiến của cử tri; hoạt động giám sát của cơ quan dân cử; thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo (của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân) và thông tin phản ánh của báo chí - phải được xem xét, giải quyết.

Trong đó, nhấn mạnh đến trách nhiệm của các cơ quan đảng, Thường trực cấp ủy, của Ban Thường vụ trong việc xem xét, xử lý kịp thời, bảo đảm khách quan, chính xác; xử lý trách nhiệm phải đồng bộ, kịp thời cả về mặt Đảng, chính quyền và đoàn thể (nếu có). Trong đó, phải nêu rõ hành vi vi phạm của tập thể, cá nhân có liên quan cùng biện pháp xử lý.

Không có một phản ánh chung chung, không một trách nhiệm mơ hồ, điều đó sẽ chỉ dẫn tới tính nửa vời trong xử lý và hiệu quả giám sát. Dĩ nhiên, để thể hiện và thực hiện đầy đủ trách nhiệm tiếp nhận thông tin, 4 nguồn cơ sở nói trên phải đảm bảo tính chính xác, độ tin cậy, khách quan và vì lợi ích chung.

Việc lần đầu tiên có một quy định để kiểm soát nguồn tiếp nhận phản ánh của nhân dân đã cho thấy, từ ý chí đến quyết tâm chấn chỉnh các vấn nạn liên quan đến bộ máy cán bộ thật sự là hành động mang tính thống nhất, đồng bộ. Cán bộ chuyên tâm phục vụ người dân; và họ chỉ có duy nhất một “địa chỉ” phụng sự: nhân dân. Trong khi, nhân dân lại có nhiều “địa chỉ” để phản ánh, để bày tỏ, để chất vấn, để đối thoại. 

Về việc này, ngay từ thế kỷ XI, thời nhà Lý, đã đặt một cái chuông lớn ở Long Trì cho dân có điều gì oan ức thì tìm đến mà đánh chuông, bày tỏ. Hoặc cho dựng cung Long Đức ở ngoài hoàng thành, ngay tại phố phường rồi đưa hoàng thái tử ra ở để có đủ ngày tháng mà “gần dân và xem xét việc dân”.

Thời nhà Nguyễn cũng có Tam pháp ty đặt văn phòng ở phía Đông Nam kinh thành. Tại đây có treo một cái trống lớn gọi là "Đăng văn cổ", dân có điều gì oan ức thì đến đánh trống cho vua và triều đình biết để xử lý.

Bởi tận cùng, thượng sách giữ nước cũng chỉ là “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”. Thượng tôn một nhà nước hay một chính thể, cũng là từ dân, dân chỉ mong được yên ổn thái bình, được an hòa sinh sống, lạc nghiệp.

Dân không mong làm quan, dân chỉ mong quan hãy làm vì dân. 

Ấy là “bui (*) một tấc lòng” của dân vậy! 

____

(*) Bui: chỉ 

 Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI