Bùi Công Duy: Khán giả nhạc cổ điển ngày càng mở rộng

04/04/2013 - 02:11

PNO - PN - Gần đây, giới chuyên môn thường nhắc về nghệ sĩ violin Bùi Công Duy (ảnh) như một nhà đào tạo, bởi học trò của anh đã giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi violin quốc tế. Duy tâm sự, anh không ngờ việc giảng dạy lại...

* Năm 2007 anh đã trở về Việt Nam, nhìn lại không khí sinh hoạt của âm nhạc cổ điển ở thời điểm đó so với bây giờ, anh thấy có thay đổi gì không?

- Tôi nhìn thấy một bước tiến chung rất đáng kể. Những năm trước, các chương trình hòa nhạc cổ điển phải có tài trợ mới có thể tổ chức được, vì thế, lịch diễn của các dàn nhạc bị động và ngắn hạn, công chúng thì rất thưa thớt. Hiện giờ, việc tiếp thị của ngành âm nhạc cổ điển đã chuyên nghiệp hơn, có lịch diễn theo mùa, thậm chí Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã có lịch diễn trước hai-ba năm - hướng đi này theo đúng chuẩn mực của các nhà hát châu Âu. Chúng tôi tìm thấy một lứa công chúng trẻ và văn minh, coi âm nhạc cổ điển như một thực đơn tinh thần không thể thiếu. Bây giờ, âm nhạc hàn lâm không bị bó hẹp trong các dàn nhạc giao hưởng và các phòng hòa nhạc tiêu chuẩn nữa. Cả Hà Nội và TP.HCM đều đã có những tụ điểm để khán giả hàng tháng đến nghe nhạc cổ điển, xuất hiện khá nhiều nhóm hòa tấu thính phòng, chơi nhạc ở các điểm diễn nhỏ, thậm chí ở ngoài đường. Điều thú vị là khán giả của nhạc cổ điển ngày càng mở rộng, bạn có thể gặp những em nhỏ, cụ già về hưu, người lao động phổ thông say sưa nghe hòa nhạc… Tôi thấy nhạc cổ điển đang phổ cập hơn, như nó lẽ ra vốn thế và cần phải thế.

Bui Cong Duy: Khan gia nhac co dien ngay cang mo rong

* Anh được chọn là giám đốc nghệ thuật của chuỗi chương trình hòa nhạc non trẻ MobiFone Concert, trong khi đã có những chương trình cổ điển thường niên rất thành công. Ở vị trí đó, anh có chịu nhiều áp lực không?

- Công việc của tôi là xây dựng đường hướng và ý tưởng cho chuỗi hòa nhạc thường niên này, lên kịch bản và nhạc mục, lựa chọn nghệ sĩ tham gia cho từng chương trình. Điều khó khăn là những nghệ sĩ đẳng cấp của thế giới thường chỉ thích biểu diễn những bản giao hưởng chuyên sâu, như thế thì ngay cả những người trong nghề nghe được đã khó khăn, huống gì khán giả bình thường. Áp lực là phải tìm ra giải pháp để các nghệ sĩ vẫn thể hiện được sở trường, thích thú khi biểu diễn, còn khán giả vẫn được âm nhạc quyến rũ. Khác các hòa nhạc thường niên ra đời trước, ở MobiFone Concert sự tham gia của các nghệ sĩ Việt Nam là yếu tố quan trọng của chương trình. Đương nhiên, chương trình phải hướng đến đẳng cấp quốc tế, nhưng không có nghĩa chỉ có nghệ sĩ nước ngoài mới “vào” được, bởi chuyên môn của nhiều người trong giới cổ điển Việt Nam cũng đã được đánh giá rất cao. Chuỗi chương trình này luôn giữ đẳng cấp của âm nhạc bác học nhưng phải dễ phổ cập, để qua mỗi mùa sẽ lôi kéo thêm được khán giả đến với cổ điển.

* Chương trình Những giai điệu vượt thời gian ở TP.HCM sẽ biểu diễn tại Nhà hát Hòa Bình. Một sân khấu đặc trưng của nhạc trẻ liệu có đủ chuẩn cho giao hưởng?

- Ở Việt Nam chưa có khán phòng cổ điển nào đủ chuẩn, kể cả các nhà hát lớn. Hiện nay, điểm diễn thính phòng tốt hơn cả là phòng hòa nhạc của Nhạc viện TP.HCM, nhưng số lượng ghế lại rất hạn chế. Trong tình thế đó, chúng tôi phải tìm giải pháp ổn thỏa nhất. Nhà hát Hòa Bình từng có dàn nhạc Philadelphia đến biểu diễn, ưu điểm là có tới 2.000 chỗ. May là nhà tài trợ đã đồng ý đầu tư một khoản chi phí khá lớn cho việc thiết kế lại hệ thống phản âm của nhà hát để phục vụ cho đêm cổ điển duy nhất. Còn ở Hà Nội, do Nhà hát Lớn - địa điểm thường tổ chức các buổi hòa nhạc cũng chỉ có 600 chỗ nên chúng tôi phải tổ chức thành hai đêm để đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của khán giả Hà Nội.

* Anh có tiếc vì tính giới hạn của chương trình (của riêng một thương hiệu)? Ngày càng có nhiều nhãn hàng đầu tư vào nghệ thuật như một cách làm hình ảnh, anh nhìn “hiện tượng” này thế nào?

- Với tư cách một người làm nghệ thuật, tôi luôn mong chương trình được lan tỏa rộng rãi, vì thế mỗi buổi diễn đều có một số vé nhất định cho sinh viên yêu nhạc. Tôi nghĩ, các doanh nghiệp làm mới hình ảnh thông qua tài trợ nghệ thuật là việc làm rất thông minh khi giờ đây yếu tố văn hóa - văn minh ngày càng được chú trọng, vì đây là con đường nhanh nhất và gần nhất để đến với trái tim công chúng.

Quỳnh Lam (thực hiện) 

MobiFone Concert 2013 - Những giai điệu vượt thời gian sẽ diễn ra vào ngày 4/4 tại Nhà hát Hòa Bình - TP.HCM và ngày 6 - 7/4 tại Nhà hát Lớn - Hà Nội, với sự có mặt của cặp song tấu tài danh người Nga: Maxim Fedotov (violin) và Galina Petrova (piano), các bè trưởng của Nga và Đan Mạch, cùng nhóm Thính phòng Hà Nội.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI