Bức tường ảnh tưởng niệm nạn nhân 11/9 hoàn thành sau 21 năm

11/09/2022 - 19:44

PNO - Nhân kỷ niệm 21 năm ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/9, bức tường ảnh tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng cuối cùng đã được hoàn thành.

 

Bức chân dung cuối cùng của một nạn nhân vụ 11/9 được treo lên Bức tường Tưởng niệm tại Đài tưởng niệm và Bảo tàng 11/9 tại Ground Zero
Bức chân dung cuối cùng của nạn nhân vụ khủng bố 11/9 được treo lên bức tường tưởng niệm tại Đài tưởng niệm và bảo tàng 11/9 ở Ground Zero

Bức tường chân dung, tọa lạc tại Bảo tàng và đài tưởng niệm 11/9 ở Ground Zero (thành phố New York), là nơi lưu giữ hình ảnh của tất cả 2.997 nạn nhân.

Hiện bức tường tưởng niệm đã hoàn thành, nơi đây trưng bày ảnh của các nạn nhân thiệt mạng tại Trung tâm Thương mại thế giới, Lầu Năm Góc và trên chuyến bay 93, cũng như 6 người thiệt mạng trong vụ đánh bom Trung tâm Thương mại thế giới năm 1993.

Nhưng nhiệm vụ tìm kiếm những hình ảnh này không hề dễ dàng. Dự án, được bắt đầu vào năm 2006, đã không thể hoàn thành trong hơn một thập kỷ - ngay cả sau khi ra mắt công chúng lần đầu tiên vào năm 2014.

Năm 2016, bài viết về cuộc triển lãm trên trang nhất tờ New York Times đã giúp cung cấp một số bối cảnh, thông tin về những bức chân dung chưa được tìm thấy của 7 nạn nhân.

Sau khi đọc câu chuyện, một nhân viên liên bang ở Washington D.C nhận ra rằng cô có thể giúp đỡ việc tìm kiếm.

Bức tường chân dung được hoàn thành vào tháng 6
Bức tường chân dung được hoàn thành vào tháng 6

Cô đã thông báo cho sếp của mình là Phó giám đốc Bộ An ninh Nội địa (DHS) Tammy Meckley, người đã chỉ định các nhà nghiên cứu tìm hiểu hồ sơ cũ tại một cơ sở ở Lee’s Summit, bang Missouri.

DHS đã tìm được hồ sơ nhập cư và ảnh của 5 nạn nhân là Gregorio Manuel Chavez, Kerene Gordon, Ching Ping Tung, Wilfredo Mercado và Michael William Lomax.

Nhưng ngay cả sau những nỗ lực của DHS và nhóm điều tra của tạp chí Times, hình ảnh về nạn nhân Albert Ogletree và Antonio Dorsey Pratt vẫn là bí ẩn trong nhiều năm.

Vào tháng 3/2022 đã có một bước đột phá khi Kathy Abdo - một giáo viên dạy toán trung học đã nghỉ hưu và là nữ hội đồng thành phố ở quê hương của Ogletree (Romulus, Michigan) tìm được bức ảnh kỷ yếu thời trung học của anh.

Abdo nói với Detroit Free Press: “Thực tế là một học sinh từ Romulus đã chết trong vụ 11/9 khiến tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải tìm lại bức ảnh của cậu ấy”.

Bức chân dung mới được treo của Antonio Dorsey Pratt đại Bảo tàng & Đài tưởng niệm 11/9
Bức chân dung mới được treo của Antonio Dorsey Pratt tại Bảo tàng và đài tưởng niệm 11/9

Cô ấy đã tìm thấy ảnh năm lớp 10 của Ogletree trong các cuốn kỷ yếu của trường.

Abdo nói: “Vì lý do nào đó, cậu ấy chỉ có mặt trong 1 cuốn kỷ yếu. Tôi không biết liệu cậu ấy đã nhập ngũ, bỏ học - hay chỉ là không chụp ảnh. Nhưng tôi đã xem qua mọi kỷ yếu mà tôi có thể. Đó dường như là điều đúng đắn cần làm".

Vào tháng 6, bức chân dung cuối cùng đã được thêm vào bức tường sau khi ảnh của Antonio Dorsey Pratt được tìm thấy.

Alice Greenwald, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của đài tưởng niệm cho biết: “Hình ảnh mà chúng tôi có được là một bức ảnh chụp anh ấy với một nhóm đồng nghiệp tại một địa điểm làm việc khác - vì vậy nó đã có từ trước năm 2001”.

Greenwald nói rằng đã phải xử lý bức ảnh rất nhiều để phóng to khuôn mặt của Pratt.

"Giờ đây, anh ấy được thể hiện bằng một khuôn mặt dễ nhận biết và rất đẹp, ngay cả khi nó có một chút lỗi điểm ảnh," cô nói.

Giám đốc điều hành Alice Greenwald phát biểu tại lễ treo chân dung cho Antonio Dorsey Pratt
Giám đốc điều hành Alice Greenwald phát biểu tại lễ treo chân dung Antonio Dorsey Pratt

Mary Fetchet, giám đốc điều hành của  trung tâm phục hồi ảnh đã hợp tác với bảo tàng trong dự án, cho biết: "Họ gọi anh ấy là Tony. Nhìn vào bức ảnh bạn có thể thấy rằng anh ấy rất nhân ái và biết quan tâm người khác”. Những chi tiết này đã được một đồng nghiệp khác của Pratt xác nhận.

Tấn Vĩ (theo Metro)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI