Bức tượng 12 nghìn tỉ và những thảm họa dở khóc dở cười

09/09/2017 - 06:30

PNO - Đúc tượng nhằm mục đích thành kính tưởng nhớ đến một nhân vật, một di tích là nét văn hóa đẹp của nhân loại. Không phải ai cũng biết cách gìn giữ và họ phải loay hoay với vô số bi hài kịch xung quanh các bức tượng.

Những bức tượng với mục đích ban đầu là nơi để người dân bày tỏ lòng tôn kính thì vô tình lại bị phá hoại với những lý do chẳng thể hiểu nổi.

Buc tuong 12 nghin ti va nhung tham hoa do khoc do cuoi
Bức tượng nguyên bản trước khi bị hư hại.

Năm ngoái, bức tượng Chúa Hài Đồng đặt bên ngoài một nhà thờ ở Ontario (Canada) đã được phục chế nhưng kết quả gây tranh cãi lớn trong dư luận.

Trong gần 10 năm, bức tượng đá Mẹ Maria và Chúa Hài Đồng nhiều lần bị phá đến mức đầu tượng Chúa Hài Đồng rơi xuống đất. Nghệ nhân Heather Wise chủ động đề xuất mình có thể hỗ trợ phục chế tượng.

Đáng tiếc, Heather Wise dù là một nghệ nhân nhưng cô không có kinh nghiệm làm việc với tượng nên đã nặn đầu tượng bằng đất sét, tạo nên tác phẩm lỗi khiến nhiều người vô cùng thất vọng.

Chuyện xảy ra từ tháng 10/2016 nhưng đến giờ vẫn còn là đề tài bàn tán xôn xao ở Ontario và là kinh nghiệm “xương máu” cho bất cứ ai khi có ý định phục chế tượng.

Buc tuong 12 nghin ti va nhung tham hoa do khoc do cuoi
Đầu tượng Chúa Hài Đồng khiến nhiều người bức xúc.

Bảo quản tượng thực tế là công việc gặp rất nhiều khó khăn bởi chính ý thức của người dân, bên cạnh đó là điều kiện tự nhiên có thể làm hao mòn bức tượng.

Năm 2015, cảnh sát Long Island từng phải đổ sức tìm kiếm những kẻ cố tình hủy hoại tượng Chúa bên ngoài nhà thờ St.Jude ở Mastic Beach.

Họ đã ném đã vỡ khung kính bên ngoài bảo vệ tượng, khiến tượng cũng bị thiệt hại. Vụ việc xảy ra rất sớm, lúc 5 giờ sáng nên chẳng ai chứng kiến hay nhìn thấy kẻ ra tay.

Nguyên nhân được cảnh sát dự đoán có thể do đối tượng ra tay vì những thành kiến tôn giáo. Nhiều người cho rằng tượng dù được cất giữ với lớp kính bảo vệ như thế nhưng một khi ai đó đã muốn gây rối thì họ vẫn có cách.

Một số người còn cho rằng việc quan trọng là giáo dục ý thức của người dân và làm tượng có chất liệu tốt, bền để có thể duy trì trong thời gian dài. Việc bảo vệ quá chặt chẽ càng khiến bức tượng trông giống những bức tượng ở bảo tàng, không hướng đến người dân.

Buc tuong 12 nghin ti va nhung tham hoa do khoc do cuoi
Dù có lớp kính bảo vệ nhưng tượng vẫn bị tấn công.

Trong khi người dân một số nơi lo lắng vì chuyện phục chế tượng, việc tượng bị phá hoại thì ở Ấn Độ, người dân có những xôn xao về dự án xây dựng tượng đài vua Shivaji Maharaj cao 192m, trị giá 530 triệu USD (hơn 12 nghìn tỉ đồng).

Bức tượng này sẽ là bức tượng cao nhất thế giới và được kỳ vọng là niềm tự hào của người dân Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rất phấn khởi và tại buổi lễ khởi công, ông đã nhắc đến tài lãnh đạo của vua Shivaji Maharaj, xem đây là vị vua truyền cảm hứng cho cả dân tộc Ấn Độ.

Công trình dự kiến hoàn thành năm 2019 nhưng đến nay vẫn vấp phải sự phản đối gay gắt của dư luận. Hơn 30.000 người dân nước này đã ký bản kiến nghị trực tuyến yêu cầu chính phủ dành số tiền 530 triệu USD ấy đầu tư cơ sở hạ tầng cho đất nước.

Bức tượng sẽ được đặt cách bờ biển Mumbai 4 km. Dự án này khi tiến hành có thể ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống ngư dân, thậm chí ảnh hưởng đến an ninh, giao thông nơi này.

Hiện Ấn Độ vẫn đang trong quá trình hoàn thành bức tượng vị anh hùng dân tộc Sardar Vallabhbhai Patel. Bức tượng có chiều cao 182m, xây mất 4 năm với kinh phí 438 triệu USD. Dự kiến đến năm 2018 mới hoàn thành.

Nhiều người dân Ấn Độ cho rằng có rất nhiều cách để tưởng nhớ một nhân vật, và cách tiêu tiền xây tượng như chính quyền đang làm cần thận trọng và cân nhắc hơn, nhất là trong bối cảnh Ấn Độ vẫn còn quá nhiều đối tượng sống ở mức nghèo bên trong khu ổ chuột.

Thiên Như (Theo Mirror, Fox News, Mashable)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI