PNO - Sự chuyển dịch và thích nghi của các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong một năm dịch bệnh góp phần mở ra những cánh cửa mới, khai phá những phương thức, giá trị tiềm ẩn. Bằng nhiều cách, âm nhạc, phim ảnh, sách, nhiếp ảnh, hội họa… đều lan tỏa đến cộng đồng.
Dịch bệnh khiến nhiều hoạt động âm nhạc bị hoãn, ngưng trệ. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, nhiều nghệ sĩ, đơn vị sản xuất đã mang đến những sản phẩm ý nghĩa về mặt tinh thần, lẫn đóng góp về vật chất cho cộng đồng, đặc biệt trong giai đoạn TP.HCM căng mình chống dịch COVID-19.
Hàng loạt chương trình âm nhạc được tổ chức với hình thức trực tuyến: Thành phố 18h, Cảm ơn những điều phi thường, Sing for live, Sing for love, Vững tâm vượt qua đại dịch, Nối vòng tay lớn, Tiếng hát át COVID, Cháy lên... Hầu hết các chương trình đều được sản xuất theo hình thức dã chiến. Thời điểm người dân cả nước, đặc biệt tại TP.HCM đối diện nhiều áp lực, căng thẳng vì dịch bệnh, những chương trình âm nhạc đã góp thêm động lực và sức mạnh.
Không chỉ đóng góp về mặt tinh thần, nhiều chương trình còn hỗ trợ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chương trình Nối vòng tay lớn kêu gọi được 102 tỷ đồng để hỗ trợ cho việc chống dịch nhằm mua vắc-xin, thiết bị y tế, thuốc điều trị COVID-19. Chương trình Cảm ơn những điều phi thường thu về gần hai tỷ đồng hiện kim, và hiện vật trị giá gần một tỷ đồng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM. Chương trình Thành phố 18h vận động được 150 mạnh thường quân bảo trợ cho hơn 400 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ mất vì COVID-19; trao hơn 2.200 phần quà, gồm nhu yếu phẩm, có thể dùng trong một tuần với gia đình có từ hai đến ba thành viên.
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn và các nghệ sĩ khác biểu diễn trong bệnh viện dã chiến - ẢNH: INTERNET
Sau ba tập, Sing for Life, Sing for Love thu về hơn 1,6 tỷ đồng, bao gồm hiện vật, tiền mặt và 20.000 khẩu trang. Ngoài sự đóng góp của mạnh thường quân, mỗi lượt chia sẻ của khán giả xem chương trình đã góp thêm 10.000 đồng cho quỹ trong mỗi tập phát sóng. Nguồn này được dùng hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch, mua 1.000 túi quà an sinh cho lao động tự do tại Hà Nội; trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà cho y, bác sĩ, tuyến đầu...
Một điểm sáng trong lĩnh vực âm nhạc năm vừa qua là sự đồng lòng, chung sức của các tác giả chuyên lẫn không chuyên, trong và ngoài nước cổ vũ tinh thần người dân, tuyến đầu trong thời điểm chống dịch, có thể kể đến: Con đường và những bước chân, Sài Gòn sớm khỏe, Việt Nam ơi ta sẽ thắng, Việt Nam stay strong, Sống như tia nắng mặt trời... Trong đó, một số tác phẩm được yêu thích nồng nhiệt: Thành phố gì kỳ, Sài Gòn tôi sẽ... Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề Chung một niềm tin chiến thắng do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức, nói về công tác phòng chống dịch, nâng cao ý thức của người dân cũng nhận về 948 tác phẩm âm nhạc, chiếm hơn 50%.
Những sân khấu ca nhạc đặc biệt cũng rút ngắn khoảng cách giữa nghệ sĩ và công chúng trong đại dịch. Nhiều chương trình âm nhạc đã được mang đến các khu cách ly bệnh viện dã chiến để phục vụ người dân. Tiên phong cho mô hình chương trình này là nhóm nghệ sĩ, tình nguyện viên thuộc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, do MC Quỳnh Hoa khởi xướng, với sự góp mặt của nhiều ca sĩ như: Quốc Đại, Phương Thanh, Ngọc Linh, Lê Minh... Tiết mục thổi kèn saxophone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn với các nhạc phẩm: Quê hương, Diễm xưa... hay phần biểu diễn của ca sĩ Cẩm Vân, những tiết mục hát chay loạt ca khúc đình đám một thuở của ca sĩ Phương Thanh... là những khoảnh khắc rất ấn tượng.
Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM phối hợp Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM, Trung tâm văn hóa TP.Thủ Đức tổ chức chương trình Khúc ca đồng lòng tại các bệnh viện dã chiến. Các chương trình cho thấy tinh thần vì cộng đồng của nghệ sĩ là rất lớn. Hầu hết đều được mời trong thời gian gấp rút, thậm chí có người có bệnh nền nhưng vẫn thu xếp tham gia, bởi với họ, việc xốc dậy tinh thần người dân là điều quan trọng.
Năm nay, vì dịch nên việc ra sản phẩm của ca sĩ chuyên nghiệp có phần hạn chế. Thay cho những MV tiền tỷ, các sản phẩm tinh gọn hơn. Âm nhạc là điều duy nhất hấp dẫn khán giả, đòi hỏi ca sĩ đầu tư chất lượng nhiều hơn khi không có sự bổ trợ của hình ảnh. Họ cũng thể hiện sự thích nghi thông qua việc ra các show, series âm nhạc sản xuất tại gia. Phần lớn, các ca sĩ thể hiện lại ca khúc cũ với bản phối mới, kết hợp mô-típ chương trình được xây dựng thú vị thông qua các phần trò chuyện, tương tác. Nhiều cái tên mới bất ngờ chiếm lĩnh thị trường nhờ công nghệ sản xuất ngày càng đơn giản, tiện nghi với sự hỗ trợ của các máy móc, thiết bị, như Nal với ca khúc Rồi tới luôn, Thương nhau tới bến..., hay W/n, Lee Ken, Vũ Thịnh, Đình Dũng... cũng là những cái tên được chú ý.
Điện ảnh - truyền hình: Hai gam màu đối lập
2021 có lẽ là một năm buồn với điện ảnh Việt. Vì dịch, từ đầu tháng Năm, rạp chiếu tại TP.HCM và một số tỉnh, thành trên cả nước phải đóng cửa. Trong nửa năm kể từ thời điểm đó, các đơn vị hoạt động cầm chừng, chờ ngày được mở cửa trở lại.
Trong năm, chỉ có 12 phim Việt ra rạp, bằng khoảng 1/3 số lượng phim của mỗi năm. Lượng phim vốn đã ít ỏi, chất lượng lại trồi sụt. Ngoại trừ Bố già - phim đạt doanh thu kỷ lục với 420 tỷ đồng, các phim Lật mặt: 48H, Gái già lắm chiêu V, Thiên thần hộ mệnh có doanh thu tương đối. Còn lại, nhiều phim Việt rời rạp chỉ với vài trăm triệu hoặc một, hai tỷ đồng, doanh thu không đủ bù cho kinh phí đầu tư, quảng bá.
Xu hướng chiếu phim trực tuyến trong năm qua vẫn chưa tạo được cột mốc ấn tượng. Nếu trên thế giới, một số nhà sản xuất đã bắt đầu việc chiếu cùng lúc phim mới ở rạp và các nền tảng phát trực tuyến, hoặc đưa hẳn phim rạp lên trực tuyến, chấp nhận cách phát hành hoàn toàn khác biệt, thì tại Việt Nam, điều này khá xa vời, khó thực hiện. Đa phần, các đơn vị cho rằng cách phát hành tại rạp vẫn là giải pháp tối ưu để giới thiệu tác phẩm điện ảnh đến với khán giả, và dễ dàng nhận về doanh thu xứng đáng, khác với số tiền ít ỏi được trả từ các nền tảng phát trực tuyến.
Bố già - phim đạt doanh thu kỷ lục trong nam 2021
Hiện chỉ có ba phim Việt: Bẫy ngọt ngào, Bóng đè và Rừng thế mạng dự kiến ra mắt dịp lễ Giáng sinh và dịp mừng năm mới. Các phim Chuyện ma gần nhà, Em và Trịnh, Người lắng nghe: Lời thì thầm... đều dời lịch sang 2022. Các rạp phim đang dần sôi động trở lại khi nhiều phim bom tấn quốc tế ra mắt, thu hút sự chú ý của khán giả. Hy vọng các phim ngoại chất lượng sẽ tạo không khí tốt trước khi phim Việt chính thức vào cuộc chơi mới ngày 24/12, với Bóng đè của đạo diễn Lê Văn Kiệt.
Năm 2021 cũng là năm cho thấy các nhà làm phim thật sự quan tâm, mong muốn được góp tiếng nói khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) bắt đầu đi vào giai đoạn cuối trước khi hoàn thiện. Các nhà làm phim liên tục tổ chức những cuộc thảo luận độc lập, đưa ra ý kiến và nguyện vọng để mong môi trường làm việc, các yếu tố về luật được mở rộng, hỗ trợ quá trình thực hiện, ra rạp và gửi phim đi thi quốc tế. Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh - cho rằng những hoạt động này là cơ sở cho thấy các nhà làm phim trong nước có sự quan tâm nhiều hơn đến môi trường làm việc. Riêng về những ý kiến đề xuất, ông cho biết các cơ quan làm luật cũng có sự quan tâm, cân nhắc trước khi đệ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba, tháng 5/2022.
Trong khi điện ảnh trải qua một vụ mùa ảm đạm, thì phim truyền hình lại có một năm sôi động khi phim nào lên sóng cũng lôi cuốn sự chú ý của người xem.
Trong thống kê của Google, top phim truyền hình Việt được tìm kiếm nhiều nhất năm là Hương vị tình thân, Hướng dương ngược nắng, Cây táo nở hoa, Hồ sơ cá sấu và Trở về giữa yêu thương. Trong số này, Hương vị tình thân (136 tập) và Cây táo nở hoa (72 tập) nổi bật hơn cả, không chỉ vì số tập “khủng”, mà còn vì gây ra nhiều tranh cãi trái chiều.
Đáng chú ý, Cây táo nở hoa còn xác lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu, khi trở thành phim truyền hình Việt có lượng khán giả theo dõi cùng lúc trên YouTube cao nhất mọi thời (230.000 lượt xem). So với các năm, phim truyền hình 2021 có sự đa dạng hơn về đề tài, thể loại. Ngoài chủ đề gia đình, một số đề tài mới lạ khác cũng được khai thác như cuộc sống các phi công (phim Yêu hơn cả bầu trời), phòng, chống dịch COVID-19 (Ngày mai bình yên). Bối cảnh, câu chuyện phim mở rộng ra vùng nông thôn như Mùa hoa tìm lại, Phố trong làng, chứ không còn quanh quẩn với các nhân vật thành thị. Không chỉ đem đến nhiều “món ăn” phong phú, phim truyền hình trong năm còn tiến bộ về mặt chất lượng lời thoại, diễn xuất. Thoại trong phim súc tích, bắt trend, tạo độ truyền miệng cao.
Nhiều phim truyền hình đặc biệt thu hút khán giả trong năm qua
Sự trở lại ồ ạt của nhiều diễn viên gạo cội đã góp phần nâng chất bộ phim: NSND Thu Hà (Hướng dương ngược nắng), NSƯT Võ Hoài Nam, NSƯT Thu Hạnh, NSƯT Mai Nguyên, nghệ sĩ Tú Oanh (Hương vị tình thân)... Bên cạnh việc đưa các diễn viên một thời trở lại, các nhà làm phim cũng tích cực lăng xê diễn viên trẻ bằng cách giao cho họ những vai dài hơi, quan trọng hơn như Trần Vân (Phố trong làng), Nguyễn Hoàng Ngọc Huyền (Ngày mai bình yên, Mặt nạ gương), Ngọc Anh (Mặt nạ hạnh phúc, Phố trong làng)…
Sự mạnh dạn “làm mới” diễn viên cũ, cũng như mời thêm diễn viên phía Nam tham gia, giúp chất lượng diễn xuất ngày càng được nâng cao. Chẳng hạn NSND Như Quỳnh vào vai bà mẹ chồng điên loạn trong Hương vị tình thân, NSND Lan Hương có một vai diễn vừa cá tính vừa hài hước trong Cây táo nở hoa, diễn viên Hồng Đăng trẻ con, hài hước khó tin trong Thương ngày nắng về. Ngọc Lan khác biệt trong Mặt nạ gương, diễn xuất của Khả Ngân được yêu thích trong 11 tháng 5 ngày…
Trong khi đó, giữa tình hình dịch bệnh, các chương trình truyền hình được chuyển sang hình thức ghi hình trực tuyến tại nhà. Với cách làm này, chất lượng nội dung lẫn kỹ thuật không thể cao, nhưng lại là nỗ lực đáng ghi nhận của các nhà sản xuất, nghệ sĩ. Việc một số chương trình giải trí mới toanh ra mắt và gây sốt như Vua tiếng Việt, Cuộc hẹn cuối tuần cũng góp thêm điểm sáng cho màn ảnh nhỏ.
Xuất bản: Cơ hội chuyển đổi số
Ngành sách có hơn ba tháng tạm ngừng hoạt động: in ấn, phát hành, giao nhận, nhà sách/cửa hàng phải đóng cửa… Dẫu vậy, trong thời gian giãn cách căng thẳng, lại thấy sự “trỗi dậy” của sách nói/audio book. Lượng người dùng đăng ký, truy cập các kênh sách nói như Fonos, Voiz FM đều tăng trưởng. Nhiều đơn vị xuất bản trong nước cũng bắt tay hợp tác với các đơn vị làm sách nói - điều mà trước đây họ từng khá dè dặt. Khi sách giấy bị gián đoạn phát hành, điều ý nghĩa nhất trong mùa giãn cách chính là hoạt động đưa sách vào khu cách ly với sự tham gia, phối hợp của Thành đoàn TP.HCM, Đường sách TP.HCM, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, hiệu sách Kafka…
Cũng trong thời gian khó khăn của dịch bệnh, các đơn vị làm sách, xuất bản đã phát huy tối đa các phương thức trực tuyến: livestream, giao lưu qua Zoom, Google Meet… Nhiều năm trước, việc ra mắt sách, trò chuyện tác giả - tác phẩm hay các tọa đàm đều được tổ chức offline. Điều này luôn được ưu tiên lựa chọn, nhưng có nhược điểm là khách mời hạn chế, hoặc chỉ phù hợp với đối tượng độc giả trong địa bàn diễn ra sự kiện. Nay, online đã phát huy thế mạnh: bạn đọc trong và ngoài nước đều có thể tham dự, khách mời xuyên quốc gia, thời gian linh hoạt, chủ động, ít tốn kém.
Giám đốc đối ngoại của Fonos, bà Thái Minh Châu nhận định rằng, dịch bệnh đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn. Quả đúng như vậy, sau gần nửa năm thích nghi với dịch bệnh và trong tình hình mới, đã thấy ngành xuất bản có sự chuyển dịch rõ rệt. Các phương thức online, nền tảng số vẫn đang tiếp tục được phát huy tích cực, nhiều chương trình talk, giao lưu trực tuyến vẫn được duy trì đều đặn trên fanpage các công ty sách, nhà xuất bản. Điều này không tách rời khỏi xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản thời đại 4.0 vốn đã được bàn luận lâu nay.
Cuối năm, các hoạt động sách/xuất bản đã trở lại trong trạng thái bình thường mới - ẢNH: ĐƯỜNG SÁCH TP.HCM
Năm qua, nổi bật trong thị trường sách chính là các tác phẩm viết về dịch bệnh. Tính đến thời điểm hiện tại, có trên dưới 20 tác phẩm nhiều thể loại viết về đề tài COVID-19. Từ những tựa sách ban đầu: Những ngày cách ly, Cô Vy tự sự - Gió và tình yêu vẫn thổi, I’m Home - Con đã về nhà… đến nay đã có riêng một dòng chảy cho tác phẩm đề tài này. Những trang viết từ góc nhìn trong và ngoài nước, chia sẻ của người từ trong tâm dịch, đến tâm tình của người cầm bút nghĩ về dịch bệnh: Khi đại dịch COVID thế kỷ đi qua (Sương Nguyệt Minh), COVID-19 và cuộc chiến sinh tử (nhiều tác giả), mới nhất là Viết từ thành phố lockdown (Nguyễn Ngọc Anh - Trần Nhã Thụy), Sài Gòn chọn nhớ những điều thương (nhiều tác giả), Phía tây thành phố (Lê Minh Khôi)… Đề tài dịch bệnh có thể sẽ tiếp tục được khai thác trong thời gian tới.
So với các tác phẩm nằm trong “vệt” đề tài viết về COVID-19, nhiều tựa sách văn học trong năm 2021 ra đời lặng lẽ hơn. Nhưng mùa bội thu giải thưởng văn chương cuối năm cho thấy một dòng chảy trầm lắng nhưng mạnh mẽ từ các tác phẩm văn học cũng như sách lý luận phê bình. Mới đây nhất, Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng 2021 cho nhà văn Đặng Vương Hưng (với tác phẩm Lục bát mỗi ngày) và Chu Văn Sơn với tác phẩm Đa mang một cõi lòng không yên định. Trên bàn chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2021 là: Một ví dụ xoàng (Nguyễn Bình Phương), Nắng Thổ Tang (Đinh Phương), Hoa Linh Thảo (Nguyễn Linh Khiếu), Rung một ngọn mây (Trần Lê Khánh), Chư Tan Kra mây trắng (Lữ Mai)… Trong khi đó, giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2021 đã gọi tên nhà văn Lưu Vĩ Lân với tiểu thuyết Nghiệp chướng, nhà thơ Trần Đức Tín với tập thơ Ở đậu trong nhau… Giải thưởng Sách quốc gia cũng như nhiều giải thưởng dành cho sách, văn học cuối năm đã giới thiệu đến công chúng nhiều tác phẩm có giá trị.
Hội họa - Nhiếp ảnh: Một năm “nương” theo dịch bệnh
Một năm qua, giới hội họa - nhiếp ảnh đã thích nghi nhanh chóng với hoàn cảnh dịch COVID-19 gây những ảnh hưởng nặng nề lên đời sống. Sự thích nghi thể hiện rõ nét qua những tác phẩm được nghệ sĩ thực hiện trong thời gian cao điểm dịch bệnh, với góc nhìn, suy nghĩ mang tính thời sự. Ngoài ra, chúng còn thể hiện ở cách các sự kiện triển lãm hội họa, nhiếp ảnh tổ chức trực tuyến, nhằm thuận tiện để người xem thưởng thức ngay tại nhà.
Đến nay, những triển lãm trực tuyến như Phá cỗ tranh, Câu chuyện dòng sông, Sắc màu bình yên... nhận được sự quan tâm của giới hội họa. Trong đó, Sắc màu bình yên là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên, Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức triển lãm online, thể hiện nỗ lực thích ứng với xu hướng thời đại.
Một tác phẩm trong triển lãm Sắc màu bình yên
Trong năm qua, với sự hỗ trợ của công nghệ thực tế ảo, triển lãm từ các bảo tàng, trung tâm văn hóa cũng đến gần hơn với người xem khắp cả nước. Nhiều đơn vị nhanh nhạy số hóa các hiện vật, tổ chức các tour tham quan trực tuyến nhằm tiếp tục duy trì các hoạt động tại bảo tàng, tiệm cận với xu thế chung với các bảo tàng trên thế giới. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những đơn vị lớn đi tiên phong trong tổ chức triển lãm trực tuyến với nhiều hoạt động thường xuyên kể từ năm 2020. Các triển lãm Mạch nối nhân dịp kỷ niệm 55 ngày thành lập bảo tàng (24/6/2021), triển lãm Con đường độc lập nhân kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2021 được tổ chức chỉn chu, long trọng.
Không chỉ các đơn vị nhà nước, những họa sĩ trẻ cũng tận dụng các công cụ trực tuyến, công nghệ thực tế ảo để kết nối khán giả. Với những nhà sáng tạo trẻ, triển lãm trực tuyến không chỉ là giải pháp tình thế, mà còn là xu hướng tất yếu, thể hiện cách làm cho tương lai, ngay cả khi dịch bệnh có dấu hiệu tạm lắng. Bằng chứng là triển lãm Urban Layers (Lát cắt thành thị) tổ chức tại TP.HCM trong tháng 11 vừa qua kết hợp hình thức trực tiếp, công nghệ thực tế ảo AR và online, nhằm lan tỏa sự kiện, tiếp cận nhiều hơn với khán giả trẻ.
Thị trường chuyển nhượng, đấu giá tranh Việt trong nước và quốc tế vẫn sôi động, không có dấu hiệu bị tác động quá lớn vì dịch bệnh. Bức Chân dung cô Phượng của họa sĩ Mai Trung Thứ được bán với giá 3,1 triệu USD (khoảng hơn 71 tỷ đồng) - lập kỷ lục về giá bán tranh Việt trên sàn đấu giá công khai. Tuy nhiên, đi cùng với những cột mốc lớn về giá tranh, hiện tượng tranh giả, đặc biệt làm giả tranh Đông Dương vẫn gây nhức nhối, khó có hướng xử lý triệt để.
Vẫn có những gam màu xám
Một vấn đề lớn của làng nhạc năm nay vẫn là bản quyền - câu chuyện muôn thuở. Đầu tháng Sáu, tác giả Viên Nghiệp, Phạm Hưng... đồng loạt lên tiếng về việc bị ca sĩ Quang Lập lừa ký bán các ca khúc của họ. Các tác giả cũng thừa nhận có chủ quan trong lúc ký kết. Đáng nói nhất là vụ nhiều ca sĩ, nghệ sĩ như: NSND Thu Hiền, Dương Thùy Anh, Ánh Tuyết, Mỹ Lệ... phát hiện sản phẩm của họ bị khai thác trái phép. Phần lớn các sản phẩm này được phát hành cách đây nhiều năm. Thời điểm đó, các ca sĩ nhờ một đơn vị phát hành, nhưng sau này sản phẩm của họ lại do một bên thứ ba kiểm soát toàn bộ để khai thác trên môi trường số. Họ là chủ sở hữu nhưng hiện không được hưởng lợi, cũng như không được sử dụng sản phẩm của mình.
Trong đó, BH Media là công ty đang dính nhiều bê bối nhất xoay quanh vấn đề này. Hồi trung tuần tháng 11, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) công bố có 76 CD, gồm 865 tác phẩm do Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu tư sản xuất bị BH Media sử dụng, xác nhận sở hữu bản quyền trái phép. Hiện, nhiều nghệ sĩ, VCPMC (được sự ủy quyền của các nhạc sĩ, ca sĩ) đang tiến hành các thủ tục pháp lý để giải quyết vụ việc này. Việc Quốc ca bị tắt tiếng trong trận đấu giữa Việt Nam - Lào khi phát trên YouTube cũng khiến dư luận xôn xao. Từ đây, việc ứng xử với một tác phẩm đặc biệt, cũng như vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ cũng được khơi lại.