Nhiều băn khoăn, lo lắng về giá xăng
Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri có nhiều băn khoăn, lo lắng về công tác điều hành, chính sách bình ổn giá xăng dầu: “Do mức chiết khấu thấp, người kinh doanh xăng dầu không có lãi nên đóng cửa hàng, làm đảo lộn, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất ở một số địa phương”.
|
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ tư (20/10) - Ảnh: Q.H. |
Cũng theo ông Đỗ Văn Chiến, do biến động về giá xăng dầu nên giá vật tư, vật liệu xây dựng thời gian qua tăng cao, khiến hầu hết các nhà thầu thi công bị lỗ so với giá trúng thầu. Do vậy, các nhà thầu tổ chức thi công theo kiểu cầm chừng để chờ giá giảm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như việc giải ngân vốn đầu tư công.
Trình bày thẩm tra báo cáo kinh tế, xã hội của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho hay, lạm phát trong năm 2022 đang được kiểm soát nhưng việc giá xăng dầu trong nước tăng cao trong nửa đầu năm đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Ông đánh giá, việc tăng giá xăng dầu có nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung trong nước. Trong khi đó, tỷ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ, nhiều cửa hàng xăng dầu phải thường xuyên đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng dầu bán cho khách hàng.
Ông nói: “Đề nghị làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp khi giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng tiếp tục có những diễn biến bất lợi trong tương lai”.
Theo ông, đã có ý kiến đề nghị làm rõ công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu. Thực tế là khi giá xăng dầu giảm, giá nhiều mặt hàng vẫn neo cao, đặc biệt là các mặt hàng dùng cho sản xuất nông nghiệp, lương thực, thực phẩm.
Liên quan tới xăng dầu, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng, Chính phủ cần xây dựng cơ chế điều hành giá bán lẻ hợp lý hơn để đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp, các đầu mối xuất nhập khẩu và bán lẻ xăng dầu.
Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 6/7/2022 đã đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới còn phức tạp, tác động tới chỉ số lạm phát, sinh kế người dân, tăng trưởng kinh tế...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Sơn, tới nay, Chính phủ vẫn chưa có tờ trình. Khi có tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét để thẩm tra, báo cáo Quốc hội.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, dù tình hình thế giới có nhiều biến động, áp lực lạm phát trong nước tăng cao nhưng bức tranh kinh tế, xã hội trong 9 tháng đầu năm vẫn có nhiều điểm sáng.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, dù tình hình thế giới có nhiều biến động, áp lực lạm phát trong nước tăng cao nhưng bức tranh kinh tế, xã hội trong 9 tháng đầu năm vẫn có nhiều điểm sáng - Ảnh: Q.H. |
Ông dẫn chứng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm tăng khoảng 4%. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%, ước cả năm đạt khoảng 8%, trong khi mục tiêu đề ra chỉ từ 6 - 6,5%. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021, ước cả năm vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 558 tỷ USD, tăng 15%, xuất siêu 6,76 tỷ USD…
Đồng tình với đánh giá của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh khẳng định, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới gặp khó khăn và tăng trưởng có chiều hướng suy giảm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022.
Theo ông, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 dự kiến đạt khoảng 8% là mức cao của thế giới, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội. Điều này phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ so với giai đoạn 2020-2021, tạo vị thế và động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của các năm tiếp theo.
Đặc biệt, sự ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong bối cảnh chịu áp lực lớn từ diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất, tỷ giá được điều hành linh hoạt góp phần kiểm soát lạm phát, hướng tín dụng vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên.
Trong số 15 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, chỉ duy nhất chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội không đạt, ước tăng 4,7 - 5,2%, thấp hơn 0,3 - 0,5% so với chỉ tiêu. Ông Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ nguyên nhân không đạt bởi đây là chỉ tiêu quan trọng phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 - 6%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1 - 1,5%...
Đặc biệt, Chính phủ sẽ hoàn thiện và triển khai hiệu quả chính sách về lao động, tiền lương, trong đó sẽ điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2023.
Ổn định giá xăng dầu để kiềm chế lạm phát Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, giá xăng dầu là một trong những yếu tố tác động tới vấn đề lạm phát trong nước. Do đó, Việt Nam đã có nhiều biện pháp điều chỉnh kịp thời để giá xăng dầu không ở mức quá cao. “Giá xăng điều hành như vậy là linh hoạt. Thậm chí e ngại trong thời gian tới giá xăng dầu có thể tăng cao hơn nữa nên Chính phủ đã nghĩ tới biện pháp có thể điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Đó là các biện pháp chúng ta chấp nhận để giảm thu ngân sách từ hoạt động kinh doanh xăng dầu nhưng lợi lớn nhất là bình ổn giá đầu vào. Khi bình ổn được giá đầu vào thì ổn định được chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô”, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường phân tích. Theo ông Hoàng Văn Cường, để kiểm soát lạm phát, không muốn giá xăng tăng lên nên cơ quan quản lý đã xác định giảm chi phí chiết khấu cho nhà phân phối. Đây là biện pháp cần thiết để ghìm giá trong nước không tăng lên. Tuy nhiên, trong quá trình điều chỉnh có thể một số thời điểm nào đó chưa kịp thời, làm ảnh hưởng tới lợi ích của người cung cấp xăng dầu, dẫn đến vụ việc các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngưng bán như vừa qua. Cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bất động sản, trái phiếu, chứng khoán Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - nhận định, thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh và là một kênh quan trọng huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, lĩnh vực này có nhiều biến động. Những vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan, thị trường chứng khoán đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững của thị trường vốn, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư. “Cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, và đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn” - ông Vũ Hồng Thanh nói. Gửi ý kiến tới kỳ họp, cử tri cả nước bày tỏ mong muốn, cơ quan chức năng tiếp tục xử lý nghiêm những vi phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, quyết liệt điều tra để phòng, chống tham nhũng và tiêu cực. |
Minh Quang