Bức tranh hôn nhân ảm đạm ở Đông Á

20/09/2019 - 10:00

PNO - Tỷ lệ kết hôn tiếp tục sụt giảm trên khắp Đông Á. Đây là một vấn đề cấp bách, bởi điều này có thể đe dọa triển vọng kinh tế của quốc gia cũng như sự tồn tại của nó.

Ít cuộc hôn nhân hơn đồng nghĩa tỷ suất sinh tụt giảm là tình trạng được ghi nhận ở nhiều nước Đông Á, bắt đầu từ Nhật Bản. Theo Viện Nghiên cứu an ninh xã hội và dân số quốc gia Nhật Bản, khi tròn 50 tuổi, 1/4 đàn ông Nhật Bản vẫn độc thân và tỷ lệ tương ứng ở phụ nữ là 1/7. 

Buc tranh hon nhan am dam o Dong A
Một cặp đôi Hàn Quốc - Ảnh: Hanyang

Kênh Channel News Asia dẫn lời chuyên gia nhân chủng học Yoshie Moriki nhận định, vào những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, khi Nhật Bản chứng kiến sự phát triển kinh tế nhanh chóng, cánh mày râu nước này nhiệt tình hơn rất nhiều với việc tán tỉnh phụ nữ. Tuy nhiên, hai thập niên trì trệ kinh tế đã làm “thay đổi cuộc chơi” của những chàng trai trẻ ở đất nước mặt trời mọc. “Những người đàn ông ở độ tuổi 20 và 30 này hiện đang kiếm được ít tiền hơn so với thế hệ trước, nhưng phụ nữ vẫn đang tìm kiếm mức độ tương tự về năng lực kinh tế”, cô nói. 

Tuy nhiên, chuyên gia này không quy trách nhiệm cho phụ nữ về việc tìm kiếm an ninh tài chính trong một cuộc hôn nhân, bởi ở Nhật Bản, hôn nhân có thể gây tổn hại cho sự nghiệp và đường thăng tiến của phụ nữ.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, những người trẻ hiện được đề cập đến như là thế hệ sampo (theo nghĩa đen là “từ bỏ cả ba”) vì họ đã từ bỏ ba thứ sau: hẹn hò, kết hôn và trẻ con. Theo tờ The Conversation, mặc dù văn hóa Nho giáo bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng nhiều học giả tin rằng, Hàn Quốc thậm chí còn chịu ảnh hưởng từ Nho giáo nhiều hơn. Giá trị Nho giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình. Ở Hàn Quốc, lấy chồng được coi là trách nhiệm xã hội. Nhưng những người trẻ ở xứ sở kim chi đang ngày càng có xu hướng bỏ hôn nhân lại đằng sau. 

Độ tuổi trung bình trong cuộc hôn nhân đầu tiên ở Hàn Quốc đã tăng 5 năm đối với cả nam và nữ từ năm 1990 đến 2013. Số người sống độc thân đang tăng lên. Năm 1970, chỉ 1,4% phụ nữ trong độ tuổi từ 30-34 nói “không bao giờ kết hôn”; đến năm 2010, tỷ lệ đó đã tăng lên gần 30%.

Còn tại Đài Loan, phụ nữ ngày nay được giáo dục tốt hơn mẹ họ, nên họ mong đợi nhiều hơn từ các mối quan hệ của mình. Đối với họ, hôn nhân không chỉ để có con, mà còn muốn hoàn thành ước nguyện của bản thân. Phụ nữ ở hòn đảo này độc lập hơn, tham vọng hơn, và họ làm việc chăm chỉ hơn để cải thiện chính mình. 

Theo đài DW, đàn ông Đài Loan rất truyền thống, họ vẫn suy nghĩ như cha của họ. Họ muốn kiểm soát gia đình, kiểm soát mối quan hệ. Nhưng ngay cả phụ nữ cũng bị cuốn theo quan điểm truyền thống: phải lấy chồng thuộc tầng lớp xã hội cao hơn, chứ không phải thấp hơn mình.

Quang Nguyễn 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI