Bức tranh đa sắc trong đêm nhạc Gershwin

11/09/2013 - 04:24

PNO - PNO - Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) hẳn có cái lý khi chọn trình tấu Rhapsody in blue và American in Paris, hai trong số những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà soạn nhạc lừng danh người Mỹ George Gershwin.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đánh dấu 19 năm năm công diễn chương trình đầu tiên của HBSO nên Đêm nhạc Gershwin và những trích đoạn nhạc kịch nổi tiếng nằm trong khuôn khổ chương trình biểu diễn định kỳ vào ngày 9 hàng tháng, tối 9/9, có nhạc mục dài hơi (hơn hai tiếng đồng hồ) và đặc biệt hơn thường lệ.

Toàn bộ phần đầu được dành để giới thiệu hai sáng tác kinh điển của nhạc sĩ thiên tài đoản mệnh George Gershwin (mất năm 38 tuổi), người góp phần đưa jazz của người Mỹ gốc Phi - khi đó vẫn bị xem là loại nhạc đường phố hạ đẳng - lên một tầm cao mới, ngang hàng với nhạc cổ điển.

Buc tranh da sac trong dem nhac Gershwin
Nghệ sĩ piano Bích Trà (áo đỏ) và dàn nhạc giao hưởng HBSO

Ông đã làm thay đổi cách sáng tác và cảm thụ âm nhạc hàn lâm của cả nước Mỹ thời bấy giờ. Rhapsody in blue (1924) và American in Paris (1928) là ví dụ điển hình.

Cả hai tác phẩm đều phản ảnh rõ nét tính chất lạc quan, hướng ngoại, sôi động, đa dạng của xã hội Mỹ vào thập niên 20 của thế kỷ XX. Mỗi chuyển đoạn lại đưa người nghe đến từng góc phố riêng biệt, ở đó có những cao ốc chọc trời nằm chen chúc trong tiếng kèn xe inh ỏi, những rạp hát rực rỡ ánh đèn, những tửu điếm dập dìu khói thuốc, có cả nỗi nhớ quê hương da diết trong những tháng ngày tác giả lang bạc Paris...

Xây dựng trên nền cấu trúc chặt chẽ của âm nhạc bác học châu Âu nhưng Rhapsody in blueAmerican in Paris vẫn đầy ắp giai điệu phóng khoáng và ngẫu hứng của jazz qua những đoạn solo đầy biến tấu của pianist Bích Trà.

George Gershwin từng nói, cuộc sống tựa như nhạc jazz, nó hay nhất là khi bạn ngẫu hứng. Có lẽ vì vậy nên khi Rhapsody in blueAmerican in Paris được biểu diễn ở bất kỳ đâu, bởi bất kỳ dàn nhạc nào, cũng đều mang lại cảm giác tươi mới cho người nghe.

Cái hay là, bản sắc của từng địa phương nó đi qua vẫn có cơ hội được thể hiện thông qua lối chơi ứng biến của từng nghệ sĩ. Ngón đàn điêu luyện của dương cầm thủ Bích Trà và “cây đũa thần diệu” của nhạc trưởng Lê Phi Phi mở ra không gian đường phố Sài Gòn ngay trước mặt khán giả, cũng hoa lệ, duyên dáng đâu kém gì New York.

Buc tranh da sac trong dem nhac Gershwin
Nhạc trưởng Lê Phi Phi

Nên nhớ, George Gershwin không phải là người Mỹ bản địa. Ông là người Nga gốc Do Thái, thuộc thế hệ di dân thứ ba đến xứ cờ hoa. Nhưng dù đi đâu, Gershwin vẫn nhớ về nước Mỹ như quê hương ruột thịt của mình, dành trọn trái tim và khối óc cho mảnh đất đã nuôi sống gia đình và nuôi dưỡng niềm đam mê âm nhạc của ông.

Sài Gòn nào có khác? Mảnh đất phương Nam trù phú, hồn hậu này đã trở thành quê hương thứ hai của biết bao người con phương xa đến lập nghiệp. Những người từng có thời gian gắn bó với HBSO như Nguyễn Bích Trà, Lê Phi Phi, dù đang sống ở trời Tây, vẫn thường xuyên có những đóng góp tích cực cho đời sống nghệ thuật quê nhà.

Đây có lẽ là chủ đích của HBSO khi chọn hai nghệ sĩ này để các tác phẩm của George Gershwin. Sự trở về của họ báo hiệu cho nhiều cuộc hồi hương sắp tới của các nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài trong loạt chương trình biểu diễn nghệ thuật Thu Đông năm nay của HBSO, và xa hơn nữa là Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu mùa thu 2015 (cái tên đang được nhắm tới là NSND Đặng Thái Sơn).

“Âm nhạc đích thực phải tái lập được suy nghĩ và cảm hứng của nhân dân và thời đại. Nhân dân của tôi là nước Mỹ, và thời đại của tôi là hôm nay” - câu nói này của George Gershwin cho đến nay vẫn được xem là triết lý sáng tác bất hủ với nhiều thế hệ nhạc sĩ kế cận.

Phần hai của chương trình là các trích đoạn nhạc kịch nổi tiếng của Pietro Mascagni (Cavalleria Rusticana), Wolfgang Amadeus Mozart (Cây sáo thần), Giacomo Puccini (La Boheme), Charles Gounod (Romeo và Juliette), Gioacchino Rossini (Thợ cạo thành Seville), Giuseppe Verdi (La Traviatta), Giacomo Puccini (Turandot) qua phần thể hiện của soloist Thu Hường, K’Long Hagim, Thanh Nga, Duy Linh, NSƯT Hồng Vy, Ngọc Tuyền, Phạm Trang cùng dàn hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng HBSO.

Buc tranh da sac trong dem nhac Gershwin
(Hàng đầu, từ trái qua) Ngọc Tuyền, Phạm Trang, Thanh Nga, Thu Hường, Duy Linh, NSƯT Hồng Vy

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI