Cô con gái hiếu thảo
Huỳnh Mai sinh năm 1987, là con gái lớn trong gia đình có 3 chị em ở ấp Ngọc An, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Gia cảnh khó khăn, gia đình Mai chẳng có nổi một mét vuông đất để canh tác, đến ngôi nhà sinh sống bao năm qua cũng phải dựng nhờ trên đất của bà ngoại Mai.
Cuộc sống hằng ngày của gia đình Mai chủ yếu nhờ vào việc làm mướn của cha Mai là ông Huỳnh Văn Sáu (SN 1965). Cái nghèo đeo bám đã khiến Mai phải bỏ học sớm, xuống tận Bạc Liêu làm công nhân thủy sản từ năm 15 tuổi. Làm ở đây được 4 năm thì Mai chuyển lên Bình Dương làm công nhân trong một xưởng mộc.
Suốt mấy năm trời xa quê đi làm đây đó nhưng thu nhập của Mai cũng chẳng được là bao khiến cô gái mới lớn chán nản. Đúng vào thời điểm đó, một số người ở xóm lấy chồng Hàn Quốc về quê và đến nhà động viên gia đình cho Mai lấy chồng xứ sở kim chi. Mai nghĩ đây là lúc mình có thể trả nợ được cho gia đình, giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo túng hiện nay nên đã mạnh dạn nêu ra ý kiến trước cả nhà. Không được cha mẹ đồng ý nên Mai cứ nài nỉ: “Gia đình mình nghèo khó, con đi làm hai, ba năm kiếm được tiền sẽ gửi về giúp ba mẹ đỡ khổ, lo cho các em ăn học”. Và cuối cùng cô gái 19 tuổi này cũng được cha mẹ đồng ý.
Sau đó, Mai theo người môi giới Yến, lên TP. HCM để xem mặt. Và chỉ vài giờ sau đó, một đám cưới đã được định vào 11h trưa ngày 23/12/2006 tại nhà hàng có tên Thiên Thai tại TP. HCM. Nghe con gái báo thời gian địa điểm tổ chức đám cưới, ông Sáu tức tốc thuê một chiếc xe 15 chỗ cùng một số anh em thân thiết vượt hơn 200 cây số đi dự đám cưới con.
|
Ảnh cưới của Mai và người chồng Hàn Quốc |
Nhớ lại đám cưới của con gái, ông sáu chia sẻ: “Đám cưới của con Mai tổ chức chung với 2 cô gái Việt khác cũng lấy người Hàn Quốc. Ngày đám cưới của con mà tôi còn chưa biết tên con rể là gì, chỉ nghe người phiên dịch nói là Chan Shan Hoo gì đó, làm nghề lái taxi. Ngày cưới phía môi giới chỉ cho phép nhà gái đi dự 15 người nên gia đình tôi cũng không dám đi đông hơn. Khi tổ chức lễ cưới chú rể có đưa cho tôi một chiếc phong bì, nói là “lễ cưới”. Tan tiệc phía môi giới gọi chúng tôi lại yêu cầu đưa phong bì cho xem, khi bóc ra thì có 400 USD và họ lấy 200 USD, nói là tiền lệ phí gì đó. Còn lại 200 USD không đủ cho gia đình tôi trả tiền thuê xe và ăn uống dọc đường trở về”.
Do Mai là con gái lớn, xây dựng gia đình cho con mà không mời được bà con hàng xóm một bữa nên ông Sáu cũng áy náy. Sau đó ông đành làm mấy mâm cơm ở nhà, mời mọi người đến chung vui nhưng không có chú rể. Bởi sau đám cưới trên Sài Gòn, chú rể người Hàn Quốc chỉ về nhà ông Sáu được một ngày rồi qua trung tâm tỉnh Kiên Giang làm thủ tục đăng ký hết hôn và về nước thu xếp thủ tục bên đó.
Trong thời gian chờ thủ tục xuất cảnh về nhà chồng, Mai vẫn cố gắng tận dụng thời gian ít ỏi còn lại để phụ giúp cha mẹ. Trước ngày lên máy bay về nhà chồng, cô con gái hiếu thảo này vẫn còn đi cắt lúa mướn cho người ta để lấy tiền đưa cho cha mẹ.
Bị chồng đánh gẫy 18 xương sườn tử vong
Ngày 22/3/2007, Mai lên máy bay sang xứ người làm dâu. Ông Sáu đâu ngờ, đó cũng là ngày cuối cùng ông được nhìn thấy mặt người con gái hiếu thảo của mình. Sau khi sang Hàn Quốc, cứ 3-4 ngày Mai lại gọi điện về thăm gia đình. Khi được người nhà hỏi, Mai đều nói cuộc sống bên nhà chồng rất hạnh phúc, được chồng thương yêu, mỗi lần chồng đi làm về mua rất nhiều đồ ăn, để đầy trong tủ lạnh...
Nghe con nói vậy ông Sáu cũng yên tâm, ông không biết vì sợ bố mẹ lo lắng nên Mai mới nói dối như thế. Chứ thực tế cuộc sống của cô ở nhà chồng vô cùng khổ sở, chồng không cho cô đi ra ngoài, không cho cô học tiếng Hàn, suốt ngày cô chẳng nói chuyện được với ai. Thỉnh thoảng Mai có gọi điện về nói với một vài người bạn gần nhà và khóc nức nở trong điện thoại, nhưng mọi người không dám nói thẳng cho gia đình ông Sáu biết.
Thế rồi đến cuối tháng 6/2007 ông Sáu không còn thấy con gái gọi điện về hỏi thăm nữa. Đến ngày 12/7, ông Sáu được Công an tỉnh Kiên Giang đến nhà thông báo con gái ông đã bị chính người chồng Hàn Quốc sát hại khiến ông vô cùng bất ngờ vì căm phẫn.
Cái chết của Huỳnh Mai khi đó cũng đã khiến dư luận Hàn Quốc dậy sóng, Đài truyền hình KBS của Hàn Quốc đã phát sóng về vụ việc này. Theo đó, ngay từ khi bước chân về nhà chồng, Mai đã bị chồng bắt nhốt trong nhà, không cho tiếp xúc với hàng xóm. Mai muốn đi học tiếng Hàn chồng cũng không cho đi. Mai cứ hỏi điều gì liên quan đến tiếng Hàn là bị chồng chửi bới, đánh đập...
Sau gần hai tháng sang đất Hàn làm vợ, Mai cảm thấy chán nản với cuộc sống nơi đất khách quê người nên xin chồng cho về Việt Nam. Người chồng không những không cho mà còn đánh Mai đến chết, ông ta dùng chân giẫm lên người Mai khiến cô bị gãy đến 18 chiếc xương sườn. Sau khi sát hại, ông ta giấu xác vợ ở dưới tầng hầm của căn nhà rồi trốn đến Deachon, miền Trung Hàn Quốc. 8 ngày sau khi Mai bị sát hại, người ta mới tìm thấy thì thể của cô gái xấu số này trong tình trạng đang phân hủy.
|
Bức thư của Mai viết trước ngày bị chồng giết |
Bức thư cuối cùng của cô gái xấu số
Trong quá trình điều tra về cái chết của Mai, cơ quan chức năng của Hàn Quốc còn tìm thấy một lá thư của Mai viết bằng tiếng Việt để trong hộc bàn 1 ngày trước khi bị giết hại. Trong lá thư, Mai bày tỏ mong muốn được sống hạnh phúc bên chồng, nhưng người chồng đã không cho cô cơ hội đó. Ông Sáu cho biết, sau khi đưa tro cốt của con về nhà được ít lâu, ông được mọi người gửi cho lá thư này, nó khiến ông càng thêm đau đớn.
Trong bức thư dài gần 5 trang giấy, đề ngày 25/6/2007, Mai viết: “Em đã cố gắng rất nhiều để trở thành một người vợ tốt, một người mẹ tốt, em mong muốn một gia đình đầm ấm. Em rất muốn nói chuyện nhiều với anh, em cũng như những người con gái khác rất muốn đối xử tốt với chồng. Nhưng sao anh lại không quan tâm tới em?...Uớc mơ thật giản dị đó của em đã không trở thành hiện thực”.
Huỳnh Mai viết tiếp: “Nếu em được về Việt Nam, em sẽ tha thứ cho anh…Em rất buồn vì chồng của mình, khi đến Hàn Quốc em đã không biết đời sống Hàn Quốc ra sao. Khi em buồn, anh phải hỏi em lý do chứ, anh giận em sao? Anh không biết rằng khi khó khăn thì cả hai đều phải bàn bạc với nhau và anh phải che chở cho phụ nữ sao? Khi em mệt mỏi, gặp khó khăn, em muốn nói chuyện với anh, nhưng mỗi khi trở về nhà anh đều thấy không vui”.
…Khi anh buồn anh lại muốn ly hôn, nhưng điều đó không được, bởi mong muốn của em là trong một gia đình hạnh phúc thì bất kể khi vui hay khi buồn cũng như lúc khó khăn vợ chồng đều phải hiểu nhau và bàn bạc với nhau. Mặc dù em ít tuổi hơn anh nhưng em cũng hiểu rằng sống với nhau phải vì tình nghĩa. Khi kết hôn rồi không phải lúc nào cũng chỉ toàn là niềm vui mà có cả những điều không hay”.
Trong thư Mai cũng nhớ lại những ngày còn sống ở Việt Nam và mong ước được trở về. Mai viết: “Lúc còn ở Việt Nam, em làm rất vất vả nhưng vẫn không đủ tiền cho sinh hoạt và cũng không thể để dành được. Em sang bên này cũng mong muốn anh hiểu cho em…Thật sự là em muốn về lại Việt Nam. Em mong rằng ước mơ của anh sẽ thành hiện thực và mong anh sống đàng hoàng. Khi về Việt Nam em sẽ làm lại từ đầu và đối xử tốt với ba mẹ em”.
Có lẽ chính Mai cũng không ngờ rằng chỉ sau khi cô viết lá thư này 1 ngày thì đã bị chồng sát hại dã man. Những mong ước của Mai về cuộc sống hạnh phúc với chồng hoặc là được trở về Việt Nam đều biến thành tro bụi.
Hương Giang