Bức họa maja khỏa thân: Bước ngoặt của lịch sử hội họa phương tây

05/07/2023 - 12:35

PNO - The naked maja - bức tranh sơn dầu được vẽ vào khoảng năm 1795-1800 bởi danh họa Francisco Goya, từng là nghi án để đời của lịch sử hội họa thế giới.

Maja khoả thân là maja nào trong xã hội Tây Ban Nha thở ấy? 

Maja khỏa thân (tên gốc tiếng Tây Ban Nha: La maja desnuda) là một bức tranh sơn dầu trên vải được thực hiện vào khoảng năm 1797-1800 bởi nghệ sĩ người Tây Ban Nha Francisco de Goya (1746-1828), hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Prado ở Madrid. 

Bức họa The naked maja của danh họa Francisco Goya
Bức họa The naked maja của danh họa Francisco Goya

Bức họa vẽ người phụ nữ khỏa thân nằm gối đầu trên cánh tay của mình nơi chiếc giường nệm ánh mắt không chút e thẹn - như thể sẵn sàng đối diện người xem. Và tông màu da thịt của người mẫu trong tranh xem chừng khá lạnh lùng, ít nhiều biểu thị sự tự chủ của cô ấy.

“Maja” là một từ cổ trong tiếng Tây Ban Nha, dùng để chỉ những nữ thường dân ăn mặc phá cách trên đường phố Madrid xưa. Từ “maja” cũng đồng thời là hình thức nữ tính của “majo”, ám chỉ một người Tây Ban Nha thuộc tầng lớp thấp của thế kỷ XVIII và XIX.

Với maja trong tranh, chừng như Francisco de Goya đang miêu tả nét cương trực của phụ nữ Tây Ban Nha thời đó, đồng thời tìm kiếm, khám phá chủ đề bị cấm đoán về tình dục nữ. Theo nhà phê bình nghệ thuật Robert Hughes: “Ngay cả khi không mặc quần áo, cô ấy vẫn là một maja thực sự - tự tin, sắc sảo và không dễ bị dư luận xô đẩy”. 

Bức họa Maja khỏa thân chưa bao giờ được trưng bày công khai trong suốt cuộc đời Francisco de Goya. Thời ấy, tranh thuộc sở hữu của Thủ tướng Manuel de Godoy. Năm 1808, tất cả tài sản của Manuel de Godoy đã bị vua Ferdinand VII tịch thu, sau khi cựu thủ tướng mất quyền lực và bị lưu đày - sống lưu vong bên ngoài đất nước.

Vào năm 1813, Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha đã tịch thu bức họa vì cho là “tục tĩu”, mãi đến năm 1836 mới trả lại cho Học viện Mỹ thuật Hoàng gia San Fernando (Madrid, Tây Ban Nha).  

Từng có nhiều đồn đoán về danh tính nữ người mẫu trong bức họa tai tiếng một thời này. Nhiều người cho rằng nó miêu tả Pepita Tudó - người tình trẻ của Manuel de Godoy - Thủ tướng Tây Ban Nha lúc đó, cũng là người sở hữu tác phẩm nghệ thuật này. Cũng có ý kiến cho rằng đó là nữ công tước thứ 13 của Alba, Cayetana - người được cho là đã có quan hệ tình cảm với chính họa sĩ. Luận điểm trên thậm chí những tưởng được bảo chứng như thể là cứ liệu lịch sử thông qua cuốn sách tiểu sử ly kỳ về cuộc đời tình ái của Francisco de Goya với nữ công tước Cayetana. Đó là tiểu thuyết nổi tiếng và cùng tên với bức họa: The naked maja (tác phẩm văn học chuyển ngữ tại Việt Nam với tên gọi Bức họa maja khỏa thân, do Nhà xuất bản Văn nghệ TPHCM ấn hành vào năm 2001) của nhà văn người Mỹ Samuel Edwards. 

100 năm sau khi nữ công tước thứ 13 của Alba qua đời, trong nỗ lực trốn tránh tai tiếng về danh tính thực sự của bức chân dung, vào năm 1945, hậu duệ của Cayetana đã khai quật thi thể bà để đo bộ xương của người quá cố, nhằm so sánh với nhân dáng người mẫu trong bức vẽ. Tại thời điểm ấy, một số họ hàng của bà tin rằng nhân vật trong bức tranh có vóc dáng quá nhỏ bé để có thể là tổ tiên của họ, nên câu chuyện tình sử mà người đời “thêu dệt” xem ra không thuyết phục.

Hẳn nhiên lúc sinh thời, họa sĩ Francisco de Goya cũng như Cayetana chưa bao giờ thừa nhận, phủ nhận hoặc lên tiếng về danh tính người đẹp trong tranh. Thử tưởng tượng nếu nữ công tước ấy thừa nhận mình đã “vào vai” một “maja” trong bộ dạng khỏa thân sẽ gây nên tai tiếng kinh khủng cỡ nào vào thời của bà.  

Chân dung tự họa của họa sĩ cung đình Francisco de Goya
Chân dung tự họa của họa sĩ cung đình Francisco de Goya

Khi nghệ thuật đối mặt với cáo buộc của toà án dị giáo  

Trên thực tế, bất kể danh tính nào của người phụ nữ trong tranh, bản thân họa sĩ Francisco de Goya cũng đã bị Tòa Thẩm giáo Tây Ban Nha (thường được gọi là Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha - thành lập từ năm 1478) thẩm vấn vì bức họa Maja khỏa thân. Chính Thủ tướng Manuel de Godoy đã giữ bức họa gây tranh cãi này trong 6 năm, trước khi nó được phát hiện bởi các nhà điều tra của Tòa Thẩm giáo Tây Ban Nha vào năm 1808, cùng với "những bức tranh đáng ngờ" khác của ông.  

Manuel de Godoy và người phụ trách bộ sưu tập của ông - Don Francisco de Garivay - đã bị đưa ra điều trần trước tòa án và buộc phải tiết lộ về những nghệ sĩ đã vẽ các bức tranh vừa bị tịch thu, vốn dĩ được xem là "rất khiếm nhã và gây phương hại đến cộng đồng". Họa sĩ Francisco de Goya bị nêu tên và bị triệu tập với tội danh suy đồi đạo đức. Ông được yêu cầu xác định lý do làm ra chúng...

Người ta chỉ được biết là Tòa án của Giáo hội Tây Ban Nha cuối cùng đã chấp thuận rằng Francisco de Goya vẽ và mô phỏng theo truyền thống từ tranh khỏa thân của danh họa Titian (1490-1576) người Ý - lãnh đạo trường phái Venice thế kỷ XVI của phong trào Phục hưng Ý và danh họa Diego de Velázquez (1599- 1660) người Tây Ban Nha - họa sĩ đứng đầu tại triều đình vua Felipe IV. Đây là 2 họa sĩ có tác phẩm, bao gồm cả tranh khỏa thân, được triều đình và nhà thờ ngưỡng mộ. Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha trước đó cũng không tìm thấy điều gì phản cảm ở bức họa Rokeby Venus danh tiếng của Diego de Velazquez. 

Người xem tranh tại bảo tàng Prado ở Madrid nhìn ngắm bức họa The naked maja từng gây tranh cãi
Người xem tranh tại bảo tàng Prado ở Madrid nhìn ngắm bức họa The naked maja từng gây tranh cãi

Trên thực tế, đến năm 1808, Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha cũng sắp đến hồi cáo chung, uy quyền và tầm ảnh hưởng không còn ở mức độc tôn đáng sợ như thuở ban đầu. Tuy nhiên, diễn biến này có phần đảo lộn đời sống nghệ thuật của Francisco de Goya. Ông ngày càng ghê tởm Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha, nhiều lần mô tả nó bằng những từ ngữ khắc nghiệt, đồng thời sẵn sàng châm biếm nó trực diện trong tranh.

Maja khoả thân hay là nghệ thuật trần trụi với con người đích thực 

Bức họa Maja khỏa thân từng gây tranh cãi tận chốn pháp đình và trong dư luận thời đó, giờ đây cũng đã được giới sử gia nghệ thuật đương đại nhìn nhận chân xác. Tác phẩm được mô tả là "người phụ nữ khỏa thân hoàn toàn có kích thước như người thật đầu tiên trong nghệ thuật phương Tây". Tư thế lộ liễu khi ngực và cánh tay đều hướng ra ngoài mà không hề có ý định che chắn cho thấy đối tượng này dễ tiếp cận tình dục hơn các nữ thần - nhân vật trong tranh sơn dầu truyền thống của phương Tây, nghĩa là rất con người. Nó cũng được giới nghiên cứu phê bình xác quyết là một trong những tác phẩm nghệ thuật hội họa phương Tây sớm nhất mô tả cơ thể phụ nữ khỏa thân mà không có ý nghĩa tiêu cực rõ ràng (khác hẳn với hình ảnh gái mại dâm). 

Một trong những ấn bản tiếng Việt cuốn sách tiểu sử Bức họa maja khỏa thân
Một trong những ấn bản tiếng Việt cuốn sách tiểu sử Bức họa maja khỏa thân

Với tác phẩm hội họa thuộc hàng kiệt tác này, Francisco de Goya không chỉ làm phiền lòng trái ý các nhà chức trách của Giáo hội Tây Ban Nha mà còn khiến công chúng kích động và đặt cột mốc mở rộng chân trời nghệ thuật từ đó. Bất kể sự công nhận nghệ thuật đích thực luôn đến chậm, bức họa kinh điển trên đang được trưng bày tại bảo tàng Museo del Prado ở Madrid, kể từ năm 1901.

Phước Châu

Ảnh: Internet

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI