Bực dọc khi bị chồng chê 'bà mẹ xén cỏ'

22/08/2019 - 14:00

PNO - Trước khi sinh con, tôi cũng tìm đọc đủ loại sách về kinh nghiệm chăm sóc, giáo dục con từ các bà mẹ phương Đông lẫn phương Tây. Nhưng khi áp dụng vào việc dạy dỗ con mình, tôi thấy không hề dễ dàng.

Thấy thằng con hì hục cố gắng tìm đường chui ra từ khe hẹp giữa các thanh sắt giá võng với bức tường, trước mặt là trái sầu riêng đầy gai nhọn, bằng một thao tác nhẹ nhàng nhất, tôi lập tức kéo cái giá võng dịch ra ngoài và lùi lại phía sau để “dọn đường” cho con. 

Tuy nhiên, trước khi thằng bé kịp di chuyển bằng con đường quang đãng, chồng tôi đã kịp cho mọi thứ về vị trí cũ cùng câu phàn nàn: “Em đúng là một bà mẹ “xén cỏ”. Không cãi, bởi tâm trí của tôi lúc này là sợ thằng con bị đau hơn là việc hơn thua với chồng. Tôi nín thở ngồi im, xem làm cách nào để con có thể bước ra ngoài mà không va chạm với trái sầu riêng đầy những chiếc gai nhọn hoắt. Mười lăm tháng tuổi, con chưa lần nào tiếp xúc với thứ trái cây gai góc kia. 

Tuy khá vất vả, nhưng thằng bé cũng bò ra được khỏi khe hẹp của chiếc giá võng, rồi dùng bàn tay bé xíu đẩy trái sầu riêng sang một bên. Khi đã thoát ra khỏi “con đường đau khổ” mà mình tự chui vào, thằng bé ngồi thẳng lưng và nhăn nhó đưa lòng bàn tay lên xem, chắc là vì đau. Tôi liếc xéo chồng: “Xén cỏ là sao?”.

Buc doc khi bi chong che 'ba me xen co'
Hình minh họa

Đáp trả tôi, giọng ông chồng dài thượt: “Nói với em bao nhiêu lần rồi hả? Nó phải học cách xoay xở và sẽ tự biết mình phải làm gì. Những chiếc gai sầu riêng không đủ gây thương tích. Cùng lắm, nó khiến thằng bé ê ẩm nếu chẳng may ngã vào. Nhưng lần sau, nó sẽ chủ động tránh vì biết rằng đó là thứ có thể khiến nó đau.

Cứ sợ con trầy xước, tổn thương nên em toàn phải dọn sạch cỏ, để con đường của nó thật thẳng thớm. Sao không tự hỏi những lúc không có mình, nó sẽ bước đi như thế nào với chông gai?”.

Quả thật, đây không phải là lần đầu tiên tôi bị chồng can thiệp vào quan điểm giáo dục con. Một lần, thấy thằng bé có vẻ rất khó khăn khi đưa tay vào khoảng trống giữa các thanh gỗ để lấy món đồ chơi yêu thích từ trong cũi, tôi nóng ruột quá, định giúp: “Con chỉ cần dựng đứng nó lên như thế này thì có thể lấy ra được rồi”. Nhưng tôi chưa kịp làm thì chồng đã giằng lấy món đồ chơi bỏ lại vị trí cũ, rồi động viên con: “Con lấy đi, gần được rồi, cố gắng xíu nữa thôi!”. Loay hoay một lúc, xoay ngang rồi cầm dọc, cuối cùng, thằng bé cũng đưa được món đồ chơi ra ngoài trong tiếng vỗ tay khuyến khích của ba. Lúc ấy, tôi chỉ biết tẽn tò tự rút cho mình một bài học quý.

Trước khi sinh con, tôi cũng tìm đọc đủ loại sách về kinh nghiệm chăm sóc, giáo dục con từ các bà mẹ phương Đông lẫn phương Tây. Nhưng khi áp dụng vào việc dạy dỗ con mình, tôi thấy không hề dễ dàng. Phải thừa nhận một điều rằng, dù có đọc và tích lũy bao nhiêu đi nữa, mà chúng ta không chuẩn bị cho mình một sự kiên nhẫn cần thiết, và một cái đầu “lạnh”, thì bản thân rất dễ biến thành “những bà mẹ xén cỏ”. 


Buc doc khi bi chong che 'ba me xen co'
Nuôi con theo cách nào, Tây hay Tàu, nhiều bà mẹ đọc nhưng không làm theo được. Hình minh họa.

Trái với suy nghĩ “con nít biết gì”, trẻ có khả năng lắng nghe, quan sát, tiếp nhận và có cách phản ứng thích hợp với những gì đang diễn ra xung quanh bằng tất cả các giác quan. Tuy nhiên, sợi dây liên kết là sự ấp ôm mỗi ngày đã hình thành trong những ông bố bà mẹ bản năng bảo vệ con mình một cách thái quá trước mọi tác động bên ngoài. Từ đó dẫn đến việc can thiệp đi ngược lại quá trình phát triển tự nhiên để hình thành nhân cách, năng lực của con từ thuở ấu thơ.

Đừng nghĩ rằng vô hại, khi chúng ta chỉ làm thay con những việc đơn giản thường ngày bằng tình yêu thương. Bởi sau khi “xén cỏ”, chúng ta không thể dừng lại hay thờ ơ với nhiệm vụ “phát quang bụi rậm”, chúng ta còn thay con sống nốt cuộc đời của chúng. 

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI