Bực bội khi con riêng của chồng nhắn tin xin tiền và những món xa xỉ

16/08/2022 - 09:00

PNO - Thẳng thắn, chân thành, bày tỏ ý định muốn được nghe, được giải thích, được thuyết phục và sẵn sàng tin tưởng... luôn mang đến những cuộc đối thoại kết quả tốt.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi xin khẳng định với chị, tôi không phải kiểu người hẹp hòi, ích kỷ, keo kiệt. Tôi chưa bao giờ ngăn cản hay khó chịu với chồng khi anh chăm sóc, lo lắng cho con gái riêng của anh.

Thế nhưng tình cờ gần đây, tôi cầm điện thoại chồng ngay khi có tin nhắn đến và hiện lên màn hình. Tôi mới biết rằng con gái chồng thường xuyên xin tiền, xin đồ đạc, dù cô ấy đã có gia đình riêng, và nói thẳng là chồng tôi không còn nghĩa vụ chu cấp nữa.

Điều quan trọng là những gì cô ấy xin đều là những thứ xa xỉ, và chủ yếu theo tôi là xin cho mẹ mình. Dù rằng cô ấy có đời sống cao, thu nhập tốt và mẹ cô ấy thì ở với con gái và cũng có thu nhập khá, theo chồng tôi nói. Trong đoạn nhắn có lúc chồng tôi còn hỏi con gái: "Cái này là mẹ muốn hay con muốn?".

Nhưng rồi anh đều OK và tôi chưa từng nghe anh kể về chuyện mua những thứ đó cho con gái, đưa cho con gái lúc nào, gặp khi nào, ở nhà con gái hay bên ngoài.

Tôi thấy rất khó chịu và bực bội trong lòng. Nhất là thật ra, khi về với tôi, kinh tế của anh không khá giả gì. Để cho anh lo được cho con, tôi đã gánh toàn bộ chi tiêu trong nhà, anh thỉnh thoảng mới đóng góp chút đỉnh gọi là.

Cho đến giờ, đã tám năm rồi, thành nếp, anh cũng chẳng đóng góp gì mấy cho gia đình. Chỉ thỉnh thoảng tôi nhờ anh ghé chợ hay siêu thị mua vài món ăn vặt trên đường anh đi làm về thôi.

Tôi nên bỏ qua chuyện này, tảng lờ như không biết, hay nên làm rõ mọi chuyện, yêu cầu anh cũng phải đóng góp cho gia đình trước khi đem cho... người ngoài như thế? (Tôi cho vợ cũ của anh là người ngoài đúng không chị? Mà cả con gái anh, giờ cũng đâu phải người của gia đình tôi?)

Thi Loan

Chị Thi Loan thân mến,

Xin được bắt đầu câu trả lời dành cho chị từ điều chị viết cuối cùng trong thư: vợ cũ và con gái chồng chị là người trong hay người ngoài gia đình của anh và của chị.

Đó là một điều khá phức tạp, rối rắm với những gia đình chắp nối, và việc xác định nó, chấp nhận nó sẽ chỉ dẫn cho người trong cuộc cách cư xử sao cho đúng, cho khéo... rất nhiều chị ạ.

 

Nói một cách đơn giản, như chị xác định: vợ cũ của chồng chị không còn là người nhà với không chỉ chị, mà cả anh nữa. Con gái anh tuy vẫn cứ là người nhà của anh, nhưng vì cô ấy đã quá 18 tuổi nên anh cũng không có nghĩa vụ và trách nhiệm phải cấp dưỡng.

Tuy nhiên, bên cạnh những lý luận mang tính hành chính đó, thì có những điều gọi là tình nghĩa. Nó là tình của người cha với con gái mình. Mà thông thường, những người cha hay người mẹ khó lòng từ chối con cái mình điều gì. Đôi khi cả trong những trường hợp biết rằng con đang "lạm dụng" tình cảm của mình, như con gái anh xin tiền của bố để cho mẹ, thì anh vì thương và không muốn con thất vọng, nên vẫn cứ đáp ứng.

Chị hãy tách hai vấn đề của gia đình chị và của riêng anh với con gái ra, cho rõ ràng, rành mạch để xử lý. Chuyện chị đỡ đần trách nhiệm với anh khi anh còn đang khó khăn là sự tự nguyện của chị. Và có thể nó thích hợp trong một giai đoạn nào đó. Nhưng bây giờ khi anh đã qua giai đoạn khó khăn và vợ chồng đã có tám năm chung sống, mong chờ ở anh nghĩa vụ và trách nhiệm với gia đình của anh chị không có gì sai trái cả.

Đừng nghĩ cái gì thành nếp thì không thể thay đổi. Chị có thể thẳng thắn yêu cầu anh và anh có nghĩa vụ phải thực hiện điều đó. Nhưng đó cũng phải là sự bàn bạc, thống nhất với nhau để cả hai bên đều cảm thấy thoải mái.

Việc anh còn có con gái riêng, thậm chí là cháu nội, sẽ khiến anh cần những quỹ riêng để có thể được tự do chiều chuộng và chăm sóc người thân của anh, Hạnh Dung nghĩ chị cũng nên tôn trọng điều này.

Đằng sau những thắc mắc của chị về việc chi tiêu của anh, gặp con gái lúc nào ở đâu, Hạnh Dung cảm thấy có những câu hỏi, những băn khoăn không nói ra hết. Nếu chị có thể phẩy tay: "Thôi kệ" được, sau khi đã trò chuyện với anh về vấn đề nghĩa vụ, trách nhiệm của anh với chị và gia đình anh chị thì càng tốt. Còn nếu chị vẫn không thấy yên lòng, chị có thể hỏi thẳng anh về những cuộc gặp gỡ riêng của anh với họ.

Thẳng thắn, chân thành, bày tỏ ý định muốn được nghe, được giải thích, được thuyết phục và sẵn sàng tin tưởng... luôn mang đến cho những cuộc đối thoại kết quả tốt. Và nhất là, nếu chị có thể mở lòng chấp nhận con gái anh cũng là một phần - dù chỉ là một phần nhỏ thôi - trong gia đình anh chị, chắc chắn chuyện gì cũng sẽ giải quết được.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI