Bức bình phong: Tìm lại yêu thương

16/02/2020 - 16:49

PNO - Hơn một thập niên trôi qua, Bức bình phong (The Painted Veil) của đạo diễn John Curran vẫn là một tác phẩm kinh điển về tình yêu và sự bao dung, một câu chuyện lấp lánh vẻ đẹp hiện sinh của con người từ chính những đau thương, mất mát.

 

Hành trình tìm lại yêu thương từ trong nghịch cảnh

Bức bình phong là bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả người Anh William Somerset Maugham, xuất bản năm 1925. 

Đến năm 1999, nhà sản xuất người Mỹ là Sara Colleton đã quyết định đưa câu chuyện tuyệt vời này lên màn ảnh. 
Đây là lần thứ 3 Bức bình phong của Maugham được chuyển thể. Trước đó, cuốn tiểu thuyết đã hai lần được dựng thành phim truyền hình. Lần đầu là phiên bản The Painted Veil năm 1934 của Mỹ do Richard Boleslawski đạo diễn và diễn viên gạo cội Greta Garbo đóng vai chính. Sau đó là The Seventh Sin năm 1957 do Ronald Neame đạo diễn và có sự tham gia của Eleanor Parker, Bill Travers, George Sanders. Phiên bản năm 2006 là phiên bản điện ảnh đầu tiên của tác phẩm này.

Bức bình phong là câu chuyện về vợ chồng nhà vi khuẩn học Walter Fane (Edward Norton) và Kitty Garstin Fane (Naomi Watts) vào những tháng ngày họ sống trong vùng dịch tả tại Trung Quốc. Trước đó, Kitty, cô vợ trẻ sinh ra trong gia đình quý tộc của Walter, đã dại dột ngoại tình với một người đàn ông mà họ quen biết. Walter Fane, với tính cách kiêu ngạo, khi phát hiện ra điều đó, đã yêu cầu Kitty đi theo anh đến Trung Quốc như một sự trừng phạt hoặc họ sẽ ly hôn. 

Trong sự đau đớn vì bị chính người tình lừa dối, Kitty đồng ý đi theo anh. Nhưng trái với dự đoán trong khuôn khổ một câu chuyện tình đơn thuần, họ đã bị cuốn vào cuộc chiến đấu với dịch tả của người dân thuộc địa. Tại đây, trước những mảnh đời bất hạnh, trước lằn ranh của sự sống và cái chết, họ đã nhìn thấy nhau một lần nữa trong ánh sáng của sự bao dung và nhân từ, vượt trên tất cả những hẹp hòi và ích kỷ tầm thường của con người. Phim kết thúc xúc động với sự hy sinh quên mình của Walter tại vùng đất Mei-tan-fu. Anh đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất châu Á đau thương năm đó. 

Theo nguyên tác từ cuốn tiểu thuyết, Maugham tập trung chính vào cuộc đời của Kitty Garstin như một câu chuyện về “nữ quyền”, thì với bộ phim, biên kịch Ron Nyswaner tập trung khai thác sâu hơn về khía cạnh tâm lý của cả hai nhân vật chính, với sự đối lập trong tư duy và ứng xử, mà trong đó, nhân vật bác sĩ Walter được đề cao hơn, như linh hồn của bộ phim; thậm chí những chuyển biến tâm lý của Walter trong phim còn đồng nghĩa với sự thức tỉnh và là mấu chốt cho diễn biến của toàn bộ mạch phim.

Trong quá trình thực hiện, nam diễn viên Edward Norton là người đầu tiên nhận lời tham gia bộ phim. Anh chia sẻ: “Ngay khi đọc tác phẩm, tôi đã xúc động mạnh mẽ, bởi trong đó, tôi đã nhìn thấy được những thất bại của chính mình". 

Anh cũng là người giới thiệu Naomi Watts cho vai Kitty nhưng mãi đến năm 2003, nữ diễn viên mới nhận được sự đồng ý sau khi thể hiện xuất sắc trong hai bộ phim Mulholland Drive (2001) và 21 Grams (2003).

Và tới năm 2004, bộ phim mới chính thức được trao cho đạo diễn John Curran từ lời đề nghị của Naomi Watts. 

Các nhà làm phim đã vô cùng kỹ lưỡng trong việc chọn bối cảnh để bộ phim được thể hiện một cách ấm áp, “bớt đi sự bi thảm” nhất có thể. Sau một thời gian dài tìm kiếm, thay vì phải dựng mới một ngôi làng bị bệnh dịch tả, ê-kíp đã tìm thấy một khu làng cổ tên Huangyao ở khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, nơi được mô tả như “quay ngược thời gian”, vừa vặn với không gian Maugham mô tả trong truyện.

Với kinh phí 19 triệu USD, sau nhiều biến cố, bộ phim hoàn thiện vào năm 2006. Tuy nhiên, do bất đồng về kinh phí từ các nhà tài trợ và phát hành, bộ phim đã không được quảng bá một cách rộng rãi, dù được đánh giá là hoàn toàn xứng đáng với giải Oscar năm đó. Hầu như rất ít người biết đến bộ phim.

May mắn thay, sau nhiều tranh đấu, đến ngày 20/12/2006, bộ phim giành được bốn buổi chiếu sớm tại bốn rạp ở Hoa Kỳ, thu về 51.086 USD trong tuần đầu tiên. “Hữu xạ tự nhiên hương”, bất chấp kinh phí truyền thông ít ỏi và hoàn toàn không xứng đáng, bộ phim dần được lan tỏa tới đông đảo khán giả hơn, mở rộng được nhiều buổi chiếu hơn ở nhiều nước trên thế giới, thu về hơn 8 triệu USD tại Mỹ và Canada cùng hơn 22 triệu USD trên toàn thế giới sau thời gian công chiếu. Bộ phim được New York Sun đánh giá là “một bức chân dung lịch sử quyến rũ, sâu sắc và đầy trí tuệ”.

Vẻ đẹp hiện sinh lấp lánh

Søren Kierkegaard - triết gia người Đan Mạch nổi tiếng về thuyết hiện sinh cuối thế kỷ XIX - đã có một câu nói rất hay, rằng mỗi con người hãy biết “lùi lại để hiểu, tiến lên để sống".

Walter và Kitty trong Bức bình phong cũng vậy, họ đã đi một hành trình dài, từ sự kiêu ngạo hiếu thắng, đến những sụp đổ của đức tin, rồi chậm lại để tìm lại bản ngã, và rồi gặp nhau ở cuối con đường, khi nhận ra những giá trị ý nghĩa nhất của cuộc đời mình.

Những nhân vật của Curran, ngay từ đầu, không có ai hoàn hảo, họ đầy rẫy những thiếu sót và sai lầm. Một Walter hiện lên như đại diện của sự duy lý, với đức tin vào khoa học và những lý tưởng mạnh mẽ của lý trí, logic. Nhân vật được Norton miêu tả là người “nhân hậu nhưng cứng nhắc và điên rồ”. 

Ngược lại, Kitty phù phiếm và nhẹ dạ, cô tiểu thư xinh đẹp thích khiêu vũ, tiệc tùng, thích được yêu thương, chăm sóc, được biên kịch Ron Nyswaner miêu tả bằng một câu thoại rất hay trong phim rằng: “Em chỉ là người bình thường và em chưa từng giả bộ là người tốt hơn”.

Họ đã sai lầm khi đến với nhau quá vội vàng, khi chưa kịp hiểu gì về đối phương cũng như hiểu về chính mình, để rồi đẩy nhau rơi vào vòng xoáy bi kịch hết lần này đến lần khác. 

Dù có nhiều câu thoại mang tính triết lý sâu sắc và nhân văn nhưng Bức bình phong không nặng nề về tư tưởng hay những quan điểm, mà khai thác nhẹ nhàng những chuyển biến tinh tế trong từng nhân vật, để từ đó toát lên những giá trị đậm màu hiện sinh trong từng góc nhìn của mỗi người.

Phim còn cho thấy sự hy sinh tuyệt vời của Walter với ngành y, những nỗ lực phi thường của anh đối với người bệnh đã đánh thức trái tim nông nổi của Kitty, khiến cô nhận ra cuộc sống còn có nhiều giá trị cao cả hơn tình yêu nam - nữ thông thường. Đó là tình yêu đồng loại, yêu con người, là những sẻ chia và giúp đỡ trong khó khăn, bệnh tật, cho dù ở bất cứ lãnh thổ, màu da nào.

Để rồi cho dù khi Walter đã vĩnh viễn nằm lại nơi vùng đất châu Á đau thương đó, thì những chân lý của anh vẫn tồn tại và sưởi ấm trái tim Kitty, như sợi chỉ tơ óng ả nuôi dưỡng đức tin và nuôi dưỡng mầm sống đang lớn lên bên cô từng ngày. 

Lan Anh

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI