Bức ảnh học sinh gấp gáp xúc cơm ăn giữa sân trường để kịp chạy "ca 3" gây nhức nhối

12/12/2016 - 11:14

PNO - Những câu chuyện không còn mới, nhưng đặt ra vấn đề đang nóng hổi về tình trạng "ăn - học" của các em học sinh hiện nay.

 Học sinh đứng ăn giữa trời... kịp chạy "ca 3"

Bức ảnh của thầy Phạm Phúc Thịnh (TP.HCM) đăng tải, ghi lại hình ảnh một cô bé học sinh cấp 3, vừa đứng cạnh chiếc xe máy của mẹ vừa vội vàng xúc cơm trong hộp ăn, thức ăn được để ở yên xe. Bức ảnh tiếp tục thu hút sự chú ý của nhiều người.

Buc anh hoc sinh gap gap xuc com an giua san truong de kip chay 
Ăn cơm giữa sân trường để chuẩn bị vào ca 3 (Ảnh: Thầy Phạm Phúc Thịnh).

Chia sẻ với PV báo Phụ nữ TP.HCM, thầy Thịnh cho biết: "Bức ảnh đó được tôi chụp vào khoảng 17h15 (giờ tan tầm) ngày 5/12, tại một trường THPT trên địa bàn thành phố. Mẹ em ấy cho em ấy đứng ăn ngay giữa sân trường để sau đó lên đường đi học thêm ở một trung tâm nào đó.

Nhìn cảnh đó và việc học của các em hiện nay, mình thấy thương các em vô cùng, nhiều em học đến mụ người, học từ sáng sớm đến tối khuya. Đến bữa ăn cũng không được ăn cho ra hồn, nói gì đến chuyện chơi.

Thế nên mới hiểu được một điều, mỗi lần mình kể cho đám học trò mình nghe hồi xưa mình đi học một buổi, buổi chiều về đi làm rẫy, đi bắt cá mương, đi đá banh, đi chặt lô ô về đẽo súng cò ke bắn họ,... chúng cứ xuýt xoa "sao hồi xưa sướng thế?", nghe mà xót xa!".

Đây không phải trường hợp đầu tiên, trước đó không lâu, anh Chu Chí Khanh (TP.HCM) cũng đăng tải 1 đoạn clip ghi lại cảnh 2 cậu bé ngồi sau xe bố, xúc cơm ăn vội bữa tối giữa đường để chuẩn bị cho ca 3... khiến nhiều người xót xa.

Buc anh hoc sinh gap gap xuc com an giua san truong de kip chay 
Vừa đi đường vừa xúc cơm ăn (Ảnh cắt từ clip của anh Chu Chí Khanh).

Phải "dạy" bố mẹ trước

Câu chuyện trên không còn mới, nhưng đặt ra vấn đề đang rất nóng về tình trạng "ăn - học" của các em học sinh hiện nay.

Nói về nguyên nhân dẫn đến hiện thực này, chị Ngọc L. cho rằng: "Vì đơn giản trong tất cả các cuộc thi, học sinh đều là thánh nhân. Người ra đề là siêu sao. Học sinh không học nâng cao thì không thể đỗ đạt. Ví dụ như thi giải toán trên mạng học sinh lớp 3 giải toàn dạng toán lớp 4 và học sinh lớp 4 giải toán lớp 5. Không học trước thì không giải được.

Muốn thay đổi thì phải thay đổi từ trên xuống, vì cha mẹ nào cũng muốn con học hành tử tế chứ không học lại sa đà vào chơi bời và yêu đương cũng khổ. Cộng thêm việc còn bé không biết làm ăn thì ra ngoài chết đói nên tóm lại vẫn phải học. Cố lấy cái bằng cấp 3 xong làm gì thì làm... suy nghĩ của đại bộ phận cha mẹ".

Buc anh hoc sinh gap gap xuc com an giua san truong de kip chay 

Một lý do nữa được anh Nguyễn C. đặt ra: "Vấn đề còn nằm ở khâu cộng điểm khi chuyển cấp tạo áp lực là học sinh phải khá giỏi mới chuyển cấp vào được trường tốt đặc biệt là THPT. Trong đó, Toán là môn nặng nhất nên tạo ra cuộc đua học thêm không cho con học thêm sợ thua bạn bè".

Để giảm tải áp lực đè lên đôi vai các em học sinh, chị Phạm Thị T. cho rằng phải "dạy" bố mẹ trước: "Tôi nghĩ rằng phải... dạy bố mẹ trước về sự lựa chọn và sự ưu tiên! Để bố mẹ không chọn việc học thêm các bộ môn hẹp và giải thưởng để đánh giá thành tích của con!

Và không chọn cuộc đua về thành tích, giải thưởng cho con! Con cần cuộc sống cân bằng giữa ngồi lì học với cô ở trường, học trong thể thao, vận động và học từ thầy sách và thiên nhiên quanh mình!".

Đồng quan điểm, chị Thu H. nói: "Mình tin là ba mẹ nắm vai trò quyết định trong việc này. Nếu trường bắt đi học thêm, GV bắt đi học thêm, các kỳ thi bắt đi học thêm nhưng mình không đi thì ai làm gì được mình? Vẫn tin là "Quyền lực chỉ có sức mạnh khi ta đồng ý với nó!".

Học sinh vừa ngồi sau xe máy vừa xúc cơm ăn (Video: Chu Chí Khanh).

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI