48 tuổi, 14 lần sinh nở
7 giờ tối, PV tìm đến nhà chị Đặng Thị Hải (48 tuổi, trú tại làng Cồ Bản, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, TP Hà Nội). Trong khi những nhà khác đã lên đèn thì nhà chị vẫn tối om, lũ trẻ vẫn chạy lăng xăng ngoài sân, chơi đùa đợi mẹ về. Thỉnh thoảng, chúng lại trêu nhau kêu khóc í óe. Trong khi đó, con dâu cả chị Hải vừa bận nấu cơm vừa tắm cho con nên cũng không có thời gian mà phân giải cho các em.
|
Bữa tối của mẹ con chị Hải là nồi mì trắng sõng |
Hơn 7 giờ, chị Hải mới lọ mọ từ ngoài đồng về. Rửa vội chân tay mặt mũi, chị Hải bảo, ngày nào cũng vậy, cứ khi nhà nhà lên đèn, chuẩn bị tới bữa cơm thì chị mới vãn việc ngoài đồng, ngoài bãi. Chị Hải về, ánh đèn được bật lên những cũng không đủ để chiếu sáng các góc gách của ngôi nhà chỉ chừng 25m2.
Khi chị Hải vừa vào nhà, mấy đứa con nhỏ í ới bám vai, bám cổ mẹ, đứa xin tiền mẹ mua nước mía, đứa xin tiền mẹ vì thèm ăn kem, đứa mách mẹ vừa bị anh đánh, đứa lăn ra khóc vì bị cậu đánh. Làm người phân giải xong xuôi, chị mới ngồi phệt xuống nhà thở dài. Chị bảo, từ năm ngoái, sau khi chồng mất đi, gánh nặng trong gia đình đè lên vai chị. Nhiều lúc chị tưởng chị đã gục ngã vì gánh không nổi.
|
Căn bếp lụp xụp của mẹ con chị Hải |
Ngược thời gian về trước, chị Hải kể, năm 1988, chị lấy chồng là anh Ngô Doãn Năm. Từ đó đến nay, trong gần 30 năm vợ chồng anh chị sinh liên tiếp 14 đứa con, trong đó có 8 con trai và 6 con gái, thường thì mỗi đứa cách nhau 2 năm, cũng có đứa chỉ cách nhau 1 năm.
Hiện 2 con trai lớn, 3 cô con gái đã lập gia đình, một người con mất vì bệnh tật hồi năm ngoái nên trong nhà còn lại 8 người con. Một người con gái của chị lấy chồng nhưng cuộc sống không hạnh phúc nên đã ly dị. Khi con gái đi tiếp bước nữa đã để lại cậu con trai nhỏ cho chị nuôi. Vậy là giờ đây, trong ngôi nhà cấp 4 sập xệ, một mình chị nuôi tất cả 9 miệng ăn, chưa tính chị.
"Năm ngoái, chồng tôi bị bệnh phổi nặng rồi qua đời. Con gái là cháu Út Thảo bị não úng thủy nên cũng đi theo bố. Tất cả cũng do gia đình không có tiền đi viện, chạy chữa sớm nên mới thế. Con bé đáng thương lắm, đẻ rơi con ở bờ bãi được mấy ngày, tôi đặt nó trong túp lều rồi đi úp cá cho con dâu đi bán chứ có chăm bẵm gì được nó đâu.
Trước kia còn có chồng, các con đứa nào yếu đau, tôi cho đi bệnh viện còn ông ấy ở nhà quán xuyến, cơm nước cho những đứa còn lại nhưng giờ ông ấy đi rồi, tôi không dám đi đâu xa nửa ngày. Vì nếu tôi đi, các con ở nhà còn thơ dại, biết lấy ai cơm nước, trông nom.
Như hôm vừa rồi, con trai bị nhược cơ, bác sĩ bảo nằm viện điều trị nhưng tôi xin thuốc về nhà uống và chia sẻ hoàn cảnh gia đình với bác sĩ như thế. Bác sĩ khuyên nên sớm đưa con ra bệnh viện Nhi TW càng sớm càng tốt nhưng tôi bận chưa cho con đi được mà cũng chưa biết khi nào mới rảnh, mới chuẩn bị đủ tiền mà đi.
Con trai lớn lấy vợ, hai vợ chồng nó cũng cặm cụi làm ăn nhưng khổ nỗi nó lại bị bệnh phổi, ngườu yếu từ bé nên cũng không làm nặng và làm lâu được. Mấy đứa em nhỏ hơn chúng cũng biết thương tôi lắm, còn nhỏ mà chúng cũng biết ra đồng cắt cỏ rồi kéo lưới, trông em giúp mẹ. Cứ tối đến, đứa lớn tắm cho đứa bé, lúc tôi về thì việc nhà cũng đã hòm hòm", chị Hải kể.
PV hỏi chị Hải sao không làm kế hoạch hóa gia đình, chị bảo: “Bận, không có thời gian nào để mà nhớ ra”, hơn nữa, anh Năm chồng chị “cấm”. Khi chị sinh 6 đứa con, nghe mọi người vận động chị cũng đến cơ sở y tế, nhưng chồng chị biết được đến làm ầm lên. Từ dạo đó, chị cũng không dám có suy nghĩ làm trái ý chồng nữa. Vậy là lần lượt 14 đứa con ra đời. Điều đặc biệt là tất cả 14 người con của chị Hải đều được sinh tại nhà, không đứa nào được sinh tại bệnh viện hay trạm Y tế, bởi hầu hết chị Hải đều phải đi làm cho đến tận lúc sinh. “Ba lần chồng đỡ đẻ cho, 7 lần tôi đẻ rơi ngoài lều… Như hồi sinh đứa thứ 8, tôi phải đi đập bê tông đến tận lúc sinh, nên hầu như không đứa nào kịp vào viện để đẻ cả”, chị Hải nói.
Gánh nặng vai gầy
Ngoài ngôi nhà cấp 4 trong làng này, trước đó vợ chồng chị Hải cũng dựng túp lều giữa đồng để ở. Nay hai con trai đã lập gia đình, có thêm cháu nội, không còn chỗ ngủ nên cứ tối đến, sau khi cơm nước xong, 2 cặp vợ chồng con trai lớn của chị lại ra ngoài đó ngủ, tiện thể trông nom ao cá, đàn gà, con ngan.
“Đẻ nhiều quá nên không chăm sóc được đứa nào chu đáo. Chúng nó thiếu thốn cả tinh thần và vật chất so với bạn bè cùng trang lứa. Nhà lúc nào cũng không đủ ăn nên vợ chồng cáu bẳn, quát tháo nhau suốt ngày, nhiều lúc cáu sang cả con. Nay lại nuôi thêm cháu ngoại. Khổ thân thằng bé thiếu hơi mẹ nên ai vào cũng sán lại gần, gục đầu vào người, mong được xoa tai, xoa đầu. Nó mới 4 tuổi, còn nhỏ dại lắm…”, chị Hải nói.
|
Nhà chị Hải đông con, giống như điểm giữ trẻ thuê |
Nghề chính của chị Hải là chăn nuôi, mò cua bắt tép. Hôm nào bắt được nhiều thì chị bán, được ít thì đem về nấu cho các con ăn. Chị cũng cho biết: “Ngày trước có ít vốn, vợ chồng tôi đầu tư vào ao nuôi cá, nhưng cuối năm ấy gặp trận lụt lớn, cá đi hết, vợ chồng tôi lại trở thành trắng tay, từ hồi ấy đến nay không vay mượn thêm ở đâu được để làm ăn nên cứ cóp nhặt sống qua ngày.
Hiện ao này chúng tôi vẫn thả cá nuôi, nhưng vì khu này rộng lại vắng nên thường xuyên bị bắt trộm. Có khi nuôi gà được 18 con thì một đêm bị trộm bắt mất 10 con. Thu nhập bây giờ chủ yếu trông vào cuối năm, nếu không bị mất trộm thì cũng được đôi chục triệu tiền bán tôm bán cá. Nhưng sắp tới đây, khu ao này cũng sẽ bị hợp tác xã thu hồi nên trước mắt, chúng tôi cũng không biết sẽ làm gì”.
|
Mẹ con chị ở trong ngôi nhà ẩm ướt |
Chia sẻ về cuộc sốgg của mình, chị Hải bảo: “Mình không có của nhưng mình có con, đó cũng là lộc trời. Tôi chưa bao giờ hối hận vì đã sinh nhiều con, mỗi đứa con là một món quà, có chăng tôi hận mình không có đủ sức để lo cho các con có cuộc sống no đủ như những đứa trẻ khác”.
Đến bữa cơm tối, cô con dâu cả của chị Hải bê ra một nồi mì trắng sõng chỉ nấu với bột canh, mỡ nước, cùng hai bát cà muối để lâu đã thâm đen. Bọn trẻ ngồi quay tròn, nháo nhác chìa bát ra để mẹ chia mì. Ngoài phía đồng xa, tiếng ve kêu dài mãi không dứt, khắc khoải, buồn bã...
NGUYÊN PHƯƠNG