Bữa mai về ăn cơm với má

23/01/2023 - 12:31

PNO - Về nhà ăn cơm với má không hẳn là một bữa cơm, mà là để má bày biện giùm chúng tôi những nỗi nhớ, những ký ức, những điều ngỡ xưa cũ của tuổi nhỏ đã qua.

 

Bếp củi mẹ tác giả thường nấu
Bếp củi mẹ tác giả thường nấu

“Má, má ơi, con về rồi nè!” trở thành câu quen thuộc của tôi từ nhỏ đến giờ, mỗi khi đi đâu về đến nhà. Má tôi sẽ “ơi” lên một tiếng, rồi lụi cụi đi từ bếp lên, chậm rãi biểu tôi vô nhà rửa mặt rồi ăn cơm - bữa cơm má đã nấu.

Nay đã là một người có gia đình, lần nào về thăm, tôi cũng dắt díu cả một bầy cho má. Cái gia đình nhỏ này khiến má chộn rộn hẳn. Vậy mà, trăm lần như một, má luôn đi chợ từ sớm để lựa cho đúng mớ cá đồng đem về kho tiêu, mua miếng thịt sớm để kho rệu cho mấy đứa con nít vốn đóng đinh danh hiệu “món ngoại nấu” mà chúng thích mê thích mệt. Má đã già, lưng ngày một còm, hai cái chân đi nhiều thì đau nhức nhưng biết con về vẫn lụi hụi loay hoay.

Về nhà ăn cơm với má không hẳn là một bữa cơm, mà là để má bày biện giùm chúng tôi những nỗi nhớ, những ký ức, những điều ngỡ xưa cũ của tuổi nhỏ đã qua. Chẳng hạn, má biết tôi lúc nào cũng làm một vòng “thực địa”: sẽ xách cái rổ, hái cho bằng được nắm rau tai tượng, kèo nèo để làm rau sống chấm cá kho khô. Tiện tay, tôi sẽ lặt vài trái ớt hiểm ở gốc cây bần, đâm chén muối ớt cay xé lưỡi. Mùa này, bần đang trổ bông ra trái. Tôi sẽ ngó xem có trái bần nào chín rụng, lượm đem vô dầm nước mắm chua cay… Má sẽ cười khì khi nhìn cái rổ “hầm bà lằng” thứ mà tôi “thu hoạch” được, rồi nói với đám nhỏ: “Nắng muốn chết mà má tụi bây cũng ráng đi kiếm đi tìm”. Rầy vậy nhưng má vui lắm.

Đứa con đi xa lâu lâu về nhà chỉ để biết những thứ quen thuộc vẫn còn nguyên ở đó. Mấy thứ quen thuộc ấy đủ để tôi hình dung ra má trong lúc làm những thứ liên quan tới chúng. Chẳng hạn như góc bếp với mấy cái cà ràng “kinh điển” của má. Những buổi sáng trời se se, má sẽ ngồi nấu nước, châm sẵn vô cái bình thủy vẽ hoa cúc. Chẳng hạn cái ấm nước nhuốm bụi than đen đã móp méo và cái quai ấm thì được anh Hai quấn dây chì thay đi thay lại nhiều lần mà má vẫn không chịu bỏ vì đó là món đồ má mua hồi mới ra riêng. Chẳng hạn cái lu sành là món quà bà nội cho lúc má rời nhà nội, dùng làm dưa cải, vẫn ở góc bếp đó. Má nói cái lu này làm dưa cải là ngon nhất. 

Bữa mai về ăn cơm với má, rưng rưng khi thấy má vẫn bày cơm trên cái mâm nhôm có đôi chỗ móp. Nhìn đám con cháu túm tụm lại, ăn mấy món đồng quê, má cứ cười. Niềm vui của người già giản dị vậy đó. 
Niềm vui của người già còn là thích kể những câu chuyện cũ cho đám cháu thế hệ Z nghe gì cũng háo hức như nghe… cổ tích. Chẳng hạn như cái nhà này, hồi chưa có đường đất đi vào, toàn đi bằng xuồng. Mấy đứa cháu mắt tròn mắt dẹt, nghe kể có những chuyến đi xuồng cả ngày lênh đênh mới tới nơi, kêu: “Ngon dữ, ngon dữ”. Tụi nó đâu biết ngoại đã chèo rã hết hai cánh tay trong cái nắng hụt hơi, cái gió lật ngược nón.
Má kể chuyện má của tụi nhỏ lúc còn nhỏ như tụi nó bây giờ, mua được bộ đồ mới mặc tết, xếp kỹ, nôn nao chờ mùng Một để được mặc, chừng lấy ra thấy bị gián nhấm rách, khóc ba bốn ngày tết chưa thôi. 

Bữa mai về ăn cơm với má, ngồi ở cái bếp nằm bên mé hiên nhà, nhìn ra sân thấy vàng hoa vạn thọ má trồng. Mấy bụi cải già chưa kịp nhổ vừa trổ bông. Giàn bí với đám đậu rồng xen nhau màu hoa vàng hoa tím. Góc ao cũ vẫn cây bình bát già lão nghiêng thân xuống mé nước… Ngồi trước mặt là bà má tóc bới củ tỏi - củ tỏi tóc ướp màu thời gian, nhỏ thó mà vẫn mạnh mẽ cứng cỏi - tự nhiên thấy biết ơn quá chừng. 

Một năm 12 tháng, mấy dịp có một buổi mai nhìn mâm cơm bốc khói. Mấy ngày tết về với má, nghe tụi nhỏ vừa ăn vừa cười. Tụi nhỏ sẽ nói “con thích mùi bà ngoại”. Dù không biết diễn tả mùi bà ngoại ra sao nhưng đó là cái mùi luôn khiến tụi nó nhung nhớ. 

Minh Phúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI