Bữa của hạnh phúc

17/06/2015 - 07:09

PNO - PN - Con bé con sáng nay có gì đó dấm dứt, kiên quyết làm ngược lại mọi đề nghị của mẹ. Thậm chí nó xô đập cánh cửa và dùng kéo rạch những nét giận dữ lên mặt bàn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Bua cua hanh phuc

Nguồn ảnh: internet.

Sự kiên nhẫn có hạn, lại đang bận bịu, nên mẹ quyết định phạt nó đứng góc tường. Con nhóc đứng chừng năm phút, rồi bồn chồn hỏi: “Mẹ, vẫn có thể nói chuyện được lúc phạt đúng không? Con có điều cần hỏi…”.

“Được, con hỏi đi!”. “Mẹ có nhớ buổi sáng hạnh phúc đó không?”, “Buổi sáng nào, con gái?”. “Cái buổi sáng mà mẹ hôn vào má con và đánh thức con thế này: Bé ơi, dậy nhé! Mẹ yêu con! Rồi mẹ bế con vào toilet và lúc ngồi tè thì con được dụi đầu vào bụng mẹ. Rồi mẹ bật đĩa nhạc cho con nghe để tỉnh ngủ…”. “Buổi sáng nào mẹ cũng đánh thức con như thế mà!”. “Không, là cái buổi sáng mà mẹ bật đĩa nhạc mà con nghe từ khi nằm trong bụng mẹ, cái đĩa nhạc í, mẹ vẫn kể thế…”.

“Chúng ta thỉnh thoảng vẫn nghe đĩa nhạc đó, thậm chí con còn múa với nó!”. Con bé miên man kể tiếp, “Cái buổi sáng mà chúng mình bày bữa sáng và trái cây ngay trong phòng ngủ vì các phòng khác rất nóng. Con phải đắp cái chăn mỏng vì mẹ để điều hòa lạnh. Thật là một buổi sáng hạnh phúc! Mẹ ngồi dưới chân con và thỉnh thoảng mẹ nhắc lại: Mẹ yêu em đấy!”…

Kể đến đây, nó rơm rớm nước mắt, “Sao chúng ta không tiếp tục buổi sáng hạnh phúc như thế? Sao mẹ bỏ rơi con bên ngoài buổi sáng của mẹ?”.

Ồ! Hóa ra nó gây gổ, cáu giận, dấm dứt chống đối chỉ để gây chú ý. Một cách “biểu tình” khi mẹ nó tiến hành các “thủ tục yêu thương” qua quýt, để kệ nó đấy, chị ta rúc vào góc công việc bận rộn của mình. Và nó thấy thiếu thốn, nó bị bỏ rơi, nồng độ âu yếm chưa đủ ngưỡng mà nó cần. Thế là con bé sáu tuổi tuyên chiến để đòi quyền lợi, và càng đấu tranh (bằng phương pháp giận dỗi ngốc nghếch) thì dường như nó càng bị mẹ đẩy xa…

Người mẹ ân hận. Chị ôm ghì con bé vào lòng: “Mẹ yêu em đấy! Mình hết cáu giận nhau nhé. Mẹ sẽ đền em buổi chiều và cả buổi tối hạnh phúc theo đúng ý em…”.

Cảnh trên có thể diễn ra dưới bất cứ mái nhà nào, nơi có những em bé đáng yêu như vầng mặt trời nhỏ, chúng thụ hưởng tình yêu thương bất tận của bố mẹ theo cách nghiễm nhiên và thư thả như nhận những viên kẹo dâu. Đó là những đứa trẻ thật sự sinh ra trong nhung lụa - dù bố mẹ chúng nghèo khó, cũng chẳng ảnh hưởng việc chúng được nâng niu. Chỉ vì có những bố mẹ tin rằng nhất định mình phải yêu con theo cách ấy.

Có một số bố mẹ khác lại luôn phấp phỏng và lo âu khi thể hiện yêu thương với con cái. Họ sợ một đứa trẻ quen với nồng độ yêu thương quá đậm đặc sẽ trở nên mè nheo, ích kỷ, dựa dẫm. Tuy nhiên họ đã lầm lẫn giữa yêu thương và nuông chiều, yêu thương và thỏa hiệp. Một đứa trẻ không làm nũng không có nghĩa là đứa trẻ tự lập. Cũng như một đứa trẻ chỉ thích ôm ấp dụi đầu hoàn toàn không có nghĩa là nó yếu đuối, khó thích ứng với đời sống (có thể rất tàn nhẫn) ngoài kia.

Vì sao chúng ta phải cưng nựng một em nhỏ? Vì sao phải thường xuyên nhắc đi nhắc lại, không ngại ngùng và thật chân thành là chúng ta yêu thương nó lắm? Động từ (hay tính từ) “yêu con, thương con” ấy chỉ thể hiện bằng việc chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe, giáo dục… hình như chưa bao giờ là đủ. Em nhỏ cần được nghe lời âu yếm, được ôm hôn trìu mến vào bất cứ giờ khắc nào, như một nhu cầu vô hạn. Bởi thế này thôi: nó cần có được một niềm tin mạnh mẽ vào giá trị tồn tại của bản thân. Rằng nó thật sự quan trọng. Nó là duy nhất. Nó được cần đến. Nó xứng đáng để hiện diện trên cuộc đời này.

Em bé được nuôi dưỡng bằng yêu thương chắc chắn sẽ có giác quan thính nhạy để nhận ra những điều kỳ diệu không lời. Những thứ chẳng mang lại no hay quần áo đẹp, nhưng lại có thể khiến người ta bừng sáng hoặc hớn hở hạnh phúc. Em bé ấy lớn lên luôn có cách bày tỏ lòng yêu tràn đầy của mình, liệu ai có thể cưỡng lại được kẻ ngọt ngào trìu mến đó? Và chúng sẽ không chấp nhận để người khác giày đạp hay thô bạo với mình. Yêu thương chính là năng lượng sinh tồn của giống loài tim ấm mắt xanh trong ấy.

Và chẳng cần giàu có đâu, chẳng cần tí nào tiền bạc đâu, chúng ta hoàn toàn có thể chế biến những “bữa hạnh phúc” tặng cho đứa bé của mình. Hãy tin tôi: Em nhỏ ấy tiệc tùng linh đình mỗi ngày, nhưng không bao giờ nó ngấy chán thứ gia vị tuyệt vời của nụ hôn và những lời âu yếm khôn nguôi.

QUỲNH HƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI