- Vàng lên giá còn xuống chứ dâu với vợ mà đưa nó lên rồi thì chỉ có nước lên luôn!
Bà Năm Trầu thảy cái nón lá xời xuống đất, ngồi lên đám rễ vú sữa già như bầy rắn bò lổm ngổm trước mặt, thở hổn hển. Kiểu thở của một người già vừa bực trong mình vừa mệt vì đi tất tả dưới nắng trưa.
Thằng Ngao mở mắt, giọng nhừa nhựa:
- Chuyện gì vậy bà Năm?
- Bà dâu nhà tao chứ gì! Ai đời, mày coi, một tay nó ẵm con, một tay cầm chén cháo, vai thì vắt cái khăn, nách thì kẹp bình nước. Thím Hai mày nói, Lan, ẵm vậy coi chừng té em nhen. Ai đời thuở, con dâu mới đầu hôm sớm mai mà gằn giọng trống không với mẹ chồng: không ẵm vậy thì ai ẵm!
“Rồi, chuyện bà nội chồng với cháu dâu”, thằng Ngao nghĩ thầm, ngồi dậy, nói một câu hổng liên quan, nhằm đánh lạc hướng cơn bực của bà hàng xóm:
- Trời nay nóng dữ thiệt, bà Năm!
Bà Năm Trầu không dứt ra được cơn bực đang sôi sục trong lòng:
- Vậy mà thím Hai mày không một chút phật ý nào, bỏ thau chén đang rửa, lăng xăng chạy lại ẵm con cho nó đút ăn. Tao thấy dị hợm, bực quá nên mới bỏ qua đây nè!
Thằng Ngao cười cười:
- Trời, bây giờ hiếm có mẹ chồng nào không để ý, xét nét con dâu từng lời ăn tiếng nói như thím Hai à nghen! Vậy nhà cửa mới bớt lời qua tiếng lại được, bà hổng coi Sống chung với mẹ chồng sao, phức tạp kinh khủng.
Bà Năm Trầu phun cái phẹp, cốt trầu như vệt máu đỏ lòm gần chân võng thằng Ngao đang ngồi:
- Thời buổi này chứ đâu phải hồi Bảo Đại còn ở truồng mậy, đâu phải tao kêu đày đọa, ăn hiếp con người ta. Tao ớn mấy bà dâu bây giờ dữ lắm, nói động đến mấy bả để lại bỏ nhà đi à!
Nhưng chỗ lễ nghĩa, phép tắc thì đâu có bỏ qua được, cái gì phải thì thôi chứ, đâu có để cho nó leo lên đầu mình ngồi, rồi muốn tri trét cái gì thì tri thì trét chứ. Dạy dâu dạy vợ phải từ thuở ban sơ mới về. Tại thím Hai mầy bị mắc bùa nên mới sợ nó như vậy, chứ tao thì miễn bàn đi mầy!
Dù không tin mấy chuyện bùa ngải nhưng trước thái độ quả quyết của bà Năm Trầu, thằng Ngao không giấu được cảm giác tò mò:
- Gì nghe ghê vậy bà Năm, bùa gì mà mắc?
Không chút để tâm đến câu hỏi của thằng Ngao, bà hàng xóm tiếp tục mạch chuyện của mình, như một diễn viên giỏi nghề đang thể hiện màn độc thoại:
- Không phải mình thím Hai mầy, chú Hai mầy với thằng Sò cũng mắc. Nó cho dộng biết bao nhiêu bùa rồi mới chịu đi cưới nó đó chứ!
Thằng Ngao cười cười, nói xuôi cho bà Năm Trầu bớt nóng:
- Ùi, tại duyên nợ chứ bùa ngải gì bà ơi!
Bà Năm Trầu càng quạu:
- Nó với thằng Sò một trời một vực. Thằng Sò như tài tử xi nê, còn nó xấu hoắc, thấp tè như con út trong ống tre, tới rún thằng Sò. Hồi đám cưới, nó phải đứng trên cái ghế xúp, chụp hình cho đẹp. Hồi đó tao dòm tướng nó mông bằng cái chén, hông hiếc không có gì hết ráo, sợ không đẻ được con nữa là đằng khác. Nó bỏ bùa cháu tao chứ duyên nợ gì.
Thằng Ngao phải kiềm chế dữ lắm mới không bật ra tràng cười trước những hình ảnh so sánh rất sinh động của bà già quê. Ngao xuống giọng:
- Không có đâu bà Năm ơi, trai gái bây giờ gặp gỡ, quen biết, lựa chọn, tìm hiểu, dòm ngó, cân đong đo đếm nhau nát nước rồi mới chịu cưới chứ bùa ngải gì bà Năm.
Giọng bà Năm Trầu cũng bớt gay gắt, ra chiều giãi bày một câu chuyện hơn là thể hiện sự bức xúc:
- Chú Hai mầy đi mua bán bò ở biên giới bị ba nó bỏ bùa. Chú Hai mầy chết mê chết mệt nhà đó luôn, bắt thằng Sò phải bỏ con bồ của nó. Mà tao nói, con nhỏ đó con nhà ai mà đẹp người lại hiền quá trời quá đất. Lâu lâu nhà có trồng trỉa, đám tiệc gì thằng Sò cũng dẫn con nhỏ về phụ hợ hết chứ xa lạ gì đâu.
Quen nhau cũng ba bốn năm rồi, có phải đầu hôm sớm mai gì đâu. Vậy mà thằng Sò một lần theo ba nó vô biên giới chở bò, ghé qua nhà con Lan xong, ăn phải bùa thì về dứt tình với con người ta cái rột. Vợ chồng, cha con, mẹ con nó ăn ở ác quá giờ mới gặp quả báo đó chứ!
Thằng Ngao nhíu trán:
- Bà Năm nói ngày càng khó hiểu à nhen, con thấy chú thím Hai nào giờ cũng hiền lành có tiếng mà bà, làm tổn hại gì đến ai đâu mà ở ác?
Bà Năm Trầu với tay lượm lại nón lá, vừa quạt lia lịa cho đỡ nóng vừa thở dài:
- Nói ra thì mang tiếng bôi xấu con cháu, mà không nói thì để trong bụng chịu không có nổi, có ngày tao chết sớm. Con bồ của thằng Sò có bầu mấy tháng rồi, vậy mà vợ chồng, cha con, mẹ con nó bày mưu tính kế, nói là hai đứa chưa có tuổi cưới hỏi được, xúi con nhỏ đi phá thai xong rồi hất con người ta qua một bên luôn.
Cưới đứa nào mà không là dâu, đẻ con không gọi vợ chồng nó là nội, vậy mà nỡ lòng làm vậy. Phải chi con vợ thằng Sò nó đẹp lạ đẹp lùng, chim sa cá lặn gì đó tao không nói, đằng này nó không bằng cái móng chân của con kia. Bởi vậy tao mới nói tụi nó bị ăn bùa.
Thằng Ngao ngơ ngác. Nó không biết nói gì hết trước câu chuyện tưởng như không tưởng mà bà hàng xóm mới cho hay. Ngao chưa kịp nói gì thì bà Năm Trầu đứng dậy, nói tiếp:
- Bởi vậy... Mà thôi, tao về bển, lúc nãy bực mình quá tao bỏ quên túi thuốc rê rồi, ăn trầu mà thiếu thuốc xỉa chết còn sướng hơn.
Nhìn cái lưng còng của bà hàng xóm như một dấu chấm hỏi đơn độc, lom khom xa dần dưới nắng, thằng Ngao nhớ lại một trưa đã cũ. Cũng tại gốc vú sữa này, ba thằng Ngao và ba thằng Sò ngồi nhậu với nhau. Mấy ông nhậu, chục ông thì hết chín ông đều có nhu cầu “tâm sự loài chim biển” khi có hơi rượu trong người.
Thằng Ngao nghe ba thằng Sò lè nhè, có đoạn: “...Nhà ba tầng màu xanh đầu chợ gần cửa khẩu mình đó anh. Ổng có hai đứa con gái, thấy thằng Sò ổng mê lắm, nói coi nó như con trai chứ không phải rể. Cưới xong ổng mua cho thằng Sò xe tải để nó chở hàng hóa qua lại hai miền biên giới.
Ổng còn tính sẽ rút tiền ngân hàng cho vợ thằng Sò mấy trăm triệu để nó cho vay nóng bên ngoài, chỉ ở nhà lấy lời mà nuôi con. Tui là tui chấm chỗ này anh à. Vợ nào không phải là vợ, dâu nào không phải là dâu, cưới con dâu, con vợ giàu có không phải mình nhẹ lo hơn sao anh. Thấy tui nói phải không, phải thì vô một cái đi anh...”.
Thằng Ngao thở dài, bùa này mạnh dữ à nghen!
Lê Minh Tú