Bữa cơm ngọt ngào của điều dưỡng và con... qua điện thoại

09/07/2021 - 07:45

PNO - Bữa cơm gia đình như tiếp thêm sức mạnh cho chị và các đồng nghiệp bên cạnh. Họ gọi về cho người thân, hỏi thăm đôi ba câu rồi động viên nhau...

“Mẹ ơi, mẹ ăn cơm chưa? Hôm nay bà làm đồ ăn ngon quá, con đút cho mẹ ăn nha? Mẹ há miệng nào, mẹ ơi” - con gái của điều dưỡng Nguyễn Ngọc Sen gọi mẹ qua điện thoại.

Chị Nguyễn Ngọc Sen - điều dưỡng viên của Bệnh viện Da liễu TPHCM - xung phong đến trung tâm cách ly tập trung phòng, chống COVID-19 tại ký túc xá Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức, TPHCM) đã một tháng qua, từ ngày 9/6. Cũng một tháng qua, thỉnh thoảng vào giờ cơm, con gái chín tuổi của chị nhớ mẹ gọi đến, hai mẹ con tranh thủ đút cho nhau ăn qua màn hình điện thoại. 

Điều dưỡng Nguyễn Ngọc Sen tranh thủ lúc rảnh rỗi gọi video cho con gái - Ảnh: Lan Anh
Điều dưỡng Nguyễn Ngọc Sen tranh thủ lúc rảnh rỗi gọi video cho con gái - Ảnh: Lan Anh

Vừa múc cơm, chị Ngọc Sen vừa kể: “Tôi có hai con, đứa lớn chín tuổi, đứa nhỏ sáu tuổi, đều gửi lại cho chồng và mẹ. Mình là phụ nữ, vắng nhà nhiều ngày cũng chộn rộn lắm, nhưng mỗi bữa cơm, thấy bà cháu quây quần, lòng cũng nhẹ nhàng đôi chút”. Từ sáng tinh mơ đến tối muộn, chị Ngọc Sen chỉ tranh thủ chút giờ trưa để “đoàn tụ” với gia đình. Đó là điều may mắn vì giờ giấc làm việc của chị thuận lợi. Do yêu cầu công việc, một số đồng nghiệp khác rất khó sắp xếp thời gian để có được bữa ăn online cùng gia đình như chị.

Sáng sớm, chị Ngọc Sen và các nhân viên y tế gọi nhau dậy phân chia công việc, gồm đo nhiệt độ, cập nhật tình trạng sức khỏe người cách ly, nhập số liệu, làm báo cáo, chia phần cơm, nhu yếu phẩm cho người vào cách ly, hỗ trợ lấy mẫu, làm vệ sinh các khu vực và “tác chiến” khi có ca dương tính hay tiếp nhận thêm người mới đến…

7g sáng, đã trong bộ đồ phòng hộ, chị Ngọc Sen đi đo thân nhiệt cho mọi người trong khu vực được phân công và báo cáo bác sĩ về những trường hợp đặc biệt, bất thường. Tiếp đến, chị chuẩn bị nước, khẩu trang, túi rác để phân phát cho người cách ly theo danh sách các khu, sau đó đi tiếp nhận thức ăn và phát cho mọi người theo danh sách, số phòng. 

Xong xuôi mọi việc, chị vừa ăn sáng, vừa cập nhật sinh hiệu theo từng bệnh nhân, xử trí bất thường theo y lệnh rồi tiếp tục đi lấy mẫu xét nghiệm của bệnh nhân theo từng khu vực. 10g30, chị Ngọc Sen đi như bay đến nơi giao, nhận thùng đựng rác. Chị cười: “Ai cũng vậy cả. Điều dưỡng hay bác sĩ cũng phải làm những việc này. Nếu không, sẽ khó đảm bảo an toàn”.

Hôm nay, xe công ích đến muộn, chị hơi lo lắng vì còn phải vệ sinh và chuẩn bị bữa ăn trưa cho toàn khu cách ly, rồi dọn dẹp, xử lý các vấn đề phát sinh khác. Nếu trễ quá, mọi người sẽ không vui. 

Các nhân viên y tế tiễn người trong khu cách ly về nhà - Ảnh: Lan Anh
Các nhân viên y tế tiễn người trong khu cách ly về nhà - Ảnh: Lan Anh

Trưa, chị Ngọc Sen mới có đôi chút thời gian cho riêng mình. Cởi bộ đồ bảo hộ, chị ực một hơi hết chai nước suối, hít thật sâu. Lưng áo ướt nhem. Chị cười: “Khỏe rồi, sống lại rồi, đi ăn thôi. 12g30 rồi à? Để coi con gái ngủ chưa nè”. Nói đoạn, chị bật điện thoại. Qua camera, chị muốn xem hai con chị ngủ chưa, mẹ của chị đang làm gì. “Nhìn tụi nó một chút cho đỡ nhớ em ơi. Buổi trưa, thời gian nghỉ của mình thất thường nên bé con chỉ gọi khi thực sự cần thiết, cứ để cho mẹ làm việc, mẹ còn nghỉ nữa. À, nhà đang ăn cơm. Sao hôm nay cả nhà ăn cơm muộn thế nhỉ?” - giọng chị tươi hẳn lên.

Chị gọi video cho con. Bé gái ríu rít: “Mẹ ơi, mẹ ăn cơm chưa? Hôm nay bà làm đồ ăn ngon quá, con đút cho mẹ ăn nha? Mẹ há miệng nào”. Chị giả vờ há miệng, bé con vội vàng đút cho mẹ qua màn hình. Đôi mắt chị long lanh, ngấn nước. Chị nuốt ực, khen đồ ăn ngon. Bữa cơm gia đình như tiếp thêm sức mạnh cho chị và các đồng nghiệp bên cạnh. Họ gọi về cho người thân, hỏi thăm đôi ba câu rồi tự động viên nhau “sắp hết dịch rồi, sắp được về nhà rồi”. Lúc này, có trường hợp F0, mọi người hẹn nhau chiều nay ăn cơm chung tiếp, rồi tất tả mặc đồ bảo hộ, đi chuẩn bị hồ sơ, hướng dẫn người vào.

Đồng nghiệp kiểm tra kết quả xét nghiệm rồi thông báo: “Âm tính rồi. Hôm nay có mấy chục ca toàn âm tính, chuẩn bị cho họ về nhà thôi” phá tan bầu không khí căng thẳng. Đội y tế khác ôm tập hồ sơ xác nhận tên người đón, biển số xe và số điện thoại của người hoàn thành cách ly, đã có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, được phép về nhà, báo cho đội trực cổng.

14g, hai đội chia nhau đón người hoàn thành cách ly đưa ra cổng, cấp giấy chứng nhận, tiễn người về bằng câu chúc mừng. Đoàn người hoàn thành cách ly nói lời cảm ơn không ngớt. Họ vẫy tay chào nhau, hẹn ngày gặp lại khi Việt Nam không còn dịch bệnh. 

Xe chở đoàn người hoàn thành cách ly xa dần. Chị Ngọc Sen lặng nhìn theo. Chị nói, chị tin rằng dịch bệnh sẽ sớm được khống chế và cuộc sống của người dân TPHCM cũng như cả nước sẽ trở lại bình thường. Chị sẽ cùng hai con và người thân ăn những bữa cơm chung thực sự chứ không phải “ăn chung online” qua điện thoại.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI