Bữa cơm mùa bão…

10/11/2020 - 14:53

PNO - Năm tháng bào mòn ký ức, những bữa cơm mùa bão dường như chìm vào quên lãng nếu không có đợt ốm của cha tôi.

Lũ chúng tôi lớn lên ở vùng quê nghèo miền Trung. Cha mẹ vất vả, quẩn quanh ruộng vườn, nuôi gà, nuôi heo nuôi hai anh em tôi ăn học. Nghĩ cũng lạ, trong khi tụi nhỏ trong xóm lớn lên một chút là vào miền Nam học nghề, làm thợ may kiếm tiền; cha mẹ lại bắt chúng tôi học văn hóa.

Cha bảo: “Có cực hơn nữa, cha mẹ cũng sẽ lo cho hai đứa bây ăn học đàng hoàng. Muốn đi miền Nam cũng được, ráng thi đỗ rồi vào đó mà học đại học”. Thế nên, ở độ tuổi 13-15, chỉ có hai anh em chúng tôi còn đi học, còn ở nhà giúp cha mẹ mấy việc vườn tược, ruộng đồng.

Hồi ấy, cả xóm mười mấy hộ, chỉ có nhà tôi vẫn phải dùng radio để nghe tin tức, chủ yếu là dự báo thời tiết. Cha tôi bảo, quê mình hay đón bão nên phải chủ động phòng, chống. Cứ đến mùa tháng Bảy, tháng Tám âm lịch là nhà tôi lại lên tinh thần chống bão, lụt.

Chúng tôi mua sẵn những chiếc bao ni-lông lớn, lúc khẩn cấp sẽ nhét sách vở và áo quần vào đó, tránh bị nước mưa làm hỏng. Cha và tôi dùng những vác tranh lớn lợp mái nhà, gia cố thêm sợi mây. Mẹ tôi tất tả trữ thêm cơm gạo, mắm muối, củi lửa. Bởi lẽ, sau bão sẽ là những cơn mưa dữ dội, mưa trắng trời trắng đất, lụt lội kéo dài tới vài ngày.

Chúng tôi từng ao ước bữa cơm có cá - Ảnh minh họa
Chúng tôi từng ao ước bữa cơm có cá kho - Ảnh minh họa

Với tôi, mãi cho đến tận bây giờ cũng không thể quên những bữa cơm mùa bão. Điện mất, gió thổi vù vù, cả nhà quây quần bên chiếc đèn dầu. Cơm nấu bằng củi có lớp cháy vàng ươm, giòn rụm; mùi mắm ruốc, sả ớt thơm nức mũi.

Tôi thích cảm giác mẹ tôi thỏa mãn nhìn hai đứa con trai khẳng định: “Bao giờ tụi con lớn, đi làm có tiền sẽ xây nhà chắc chắn cho cha mẹ. Cơm mùa bão nhà mình sẽ có thịt gà, cá kho. Mà lúc đó, nhà mình sẽ không cần phải thức khuya canh nhà tốc mái nữa đâu. Cha mẹ chỉ việc đóng chắc cửa nẻo rồi đợi bão qua”.

Chúng tôi lớn lên, vào thành phố học đại học, nỗ lực phấn đấu để thoát nghèo, thoát khổ. Số lần về nhà cũng ít, bởi chúng tôi tranh thủ dịp hè và dịp tết ở lại làm việc, kiếm thêm tiền. Mấy mùa bão liên tiếp, chúng tôi chỉ biết điện thoại về nhà, nhắc cha mẹ cẩn thận, chú ý sơ tán theo yêu cầu của chính quyền.

Trời không phụ lòng người, trải qua gần mười năm phấn đấu, rốt cuộc anh em tôi cũng giúp cha mẹ cất được căn nhà nho nhỏ, đầy đủ tiện nghi, vững chãi trong mùa mưa bão. 

Trưởng thành rồi, công việc bận rộn, hết xã giao lại công tác, chúng tôi thi thoảng mới về nhà, dấm dúi cho cha mẹ ít tiền rồi lại vội vã ra đi. Năm tháng bào mòn ký ức, những bữa cơm mùa bão dường như chìm vào quên lãng nếu không có đợt ốm của cha tôi. Hai đứa chúng tôi vội vàng về nhà, đưa ông cụ đi viện.

Ảnh minh họa
Mỗi lần nhìn cảnh bão lũ miền Trung, tôi lại nhớ những bữa ăn cơ cực ngày nhỏ - Ảnh minh họa

Ngày ông khỏe, mẹ tôi làm mâm cơm, rồi buồn buồn: “Cơm nhà mình bữa nay có gà, có cá nhưng hai đứa không về. Mẹ cha không phải muốn quấn chân mấy đứa, nhưng bây ráng về nhà. Mẹ làm ruốc sả, để dành mùa mưa đợi bây. Bây làm chi thì làm, một năm ráng về nhà một hai dạo. Mùa bão sắp đến, bây còn muốn ăn cơm cháy củi với mắm ruốc nữa không?”.

Tôi lặng lẽ cúi đầu, giấu vội giọt nước mắt. Những lời hứa thơ bé, cha mẹ nhớ hết, chỉ là chúng tôi chóng quên. 

Hải Miên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI