“Bữa cơm có thịt” tiếp sức học trò vùng cao tới trường

10/09/2024 - 06:03

PNO - Được hỗ trợ từ Dự án nuôi em, hàng ngàn học sinh nghèo vùng cao Nghệ An đã có những bữa cơm bán trú đầy đủ dinh dưỡng. Được ăn ngon ngay tại trường, nhiều em nhỏ bắt đầu thích đến trường.

Thích đi học hơn ở nhà

“Đến trường có bạn chơi, lại được ăn ngon nên em thích đi học hơn ở nhà” - Chích Văn Hoàn Tiến - học sinh (HS) lớp Năm Trường tiểu học Bảo Nam 2, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - nói với các thầy cô trong ngày tựu trường. Ông Phạm Bá Đường - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay, đó cũng là mong muốn của phần lớn HS người Khơ Mú nơi đây kể từ khi trường được Dự án nuôi em Nghệ An hỗ trợ cơm trưa.

Trước đây, vì điều kiện quá khó khăn, trường không thể tổ chức ăn bán trú nên HS phải đi bộ về nhà ăn cơm trưa. Song, vì cha mẹ lên rẫy làm, nhiều em phải ăn cơm nguội, thậm chí nhịn đói rồi bỏ học buổi chiều, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học.

Điều kiện quá khó khăn, nhiều trường mầm non ở tỉnh Nghệ An tổ chức ăn bán trú theo mô hình dân nuôi - ẢNH: PHAN NGỌC
Điều kiện quá khó khăn, nhiều trường mầm non ở tỉnh Nghệ An tổ chức ăn bán trú theo mô hình dân nuôi - Ảnh: Phan Ngọc

Từ năm học 2019-2020 đến nay, hơn 160 HS của trường được Dự án nuôi em Nghệ An hỗ trợ cơm trưa với số tiền 150.000 đồng/tháng. Bữa ăn của HS đã có đủ chất. Chiều cao, cân nặng của các em được cải thiện, tinh thần cũng như kết quả học tập được cải thiện rõ rệt.

“Nhờ được ăn cơm trưa rồi nghỉ ngơi tại trường nên việc học của HS đều đặn hơn. Sau 5 năm, trường đã vượt khỏi trường tốp cuối của huyện. Nếu không được hỗ trợ thì không biết các em có đi học được không” - ông Phạm Bá Đường nói.

Bà Lê Hồng Quang - Phó hiệu trưởng Trường mầm non Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An - cũng cho biết, khi tổ chức mô hình bán trú dân nuôi, nhiều HS người Khơ Mú ở bản Na Bè thường chỉ được người thân chuẩn bị cho cặp lồng cơm trắng cùng ít vừng, cá khô mang tới trường. Nhiều phụ huynh thậm chí còn tới trường xin cho con nghỉ học vì hoàn cảnh quá khó khăn.

Tỉ lệ HS suy dinh dưỡng khá cao. Từ năm học 2023-2024, các em được Dự án nuôi em Nghệ An hỗ trợ ăn trưa. Với số tiền hỗ trợ hơn 8.000 đồng/ngày/HS, các cô dùng để mua thức ăn mặn, còn gạo, rau, củ, quả, trường xin thêm các nhà hảo tâm hoặc vận động phụ huynh đóng góp.

“Phụ huynh ở đây rất nghèo nên chúng tôi không vận động họ đóng góp tiền mà có thể mang gạo hoặc rau sẵn có trong vườn, trên rừng tới để các cô nấu ăn cho trẻ. Thấy con được ăn ngon, thích đi học hơn, nhiều người cũng quan tâm tới con hơn. Mỗi lần đi rừng, phụ huynh thường tranh thủ hái thêm ít rau, măng… đem về gửi các cô nấu ăn” - bà kể.

Những bữa cơm trưa của hàng ngàn học sinh ở miền núi Nghệ An có đủ chất dinh dưỡng nhờ sự hỗ trợ từ Dự án nuôi em - ẢNH: ĐỖ NGA
Những bữa cơm trưa của hàng ngàn học sinh ở miền núi Nghệ An có đủ chất dinh dưỡng nhờ sự hỗ trợ từ Dự án nuôi em - Ảnh: Đỗ Nga

Giúp trẻ "viết" tương lai

Dự án nuôi em do Trung tâm Tình nguyện quốc gia phát động từ tháng 8/2018 với các hoạt động xây trường, nhận nuôi, cơm trưa… cho HS tại các huyện miền núi khó khăn trên cả nước.

Bà Đỗ Thị Nga - Trưởng ban thường trực Mạng lưới Tình nguyện quốc gia, phụ trách Dự án nuôi em Nghệ An - thông tin, từ 1 điểm trường năm 2018, đến nay chương trình đã hỗ trợ nuôi cơm trưa cho hơn 6.400 HS ở hơn 200 điểm trường tại tỉnh Nghệ An. Dự án được triển khai với mục đích giúp các em HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà cách xa trường vững bước đến trường tìm con chữ, thay đổi cuộc sống.

Mỗi HS có 1 người nhận nuôi. Người nuôi các em sẽ được cung cấp toàn bộ thông tin về hoàn cảnh các em, hình ảnh, số điện thoại của cha mẹ, già làng, trưởng bản, thầy cô... để kiểm tra, kiểm soát. Với số tiền khoảng 8.000 đồng/ngày được hỗ trợ, giáo viên sẽ tranh thủ mua thực phẩm về nấu ăn cho các em. Sau khi ăn, HS tự dọn vệ sinh, rửa bát đũa để rèn tính tự lập.

Theo bà Đỗ Thị Nga, dự án không hỗ trợ 100% bữa ăn bởi họ mong có sự cộng tác từ phụ huynh. Dù không nhiều, nhưng đó là trách nhiệm với con em của mình, từ đó giúp phụ huynh nâng cao ý thức cho con đi học. “Chúng tôi cũng hy vọng lứa HS này sẽ làm thay đổi tư duy, suy nghĩ cũng như tương lai của người đồng bào vùng cao” - bà nói.

Thấy bà Đỗ Thị Nga cùng các nhà hảo tâm đến thăm, nhiều HS vẫn thường hỏi “cô ơi năm sau chúng con được ăn nữa không?”. Bà cho biết nghe vậy, mình thực sự xúc động: “Quả thật, 150.000 đồng mỗi tháng có thể giúp viết nên tương lai 1 đứa trẻ.

Chúng tôi cũng không kỳ vọng tất cả các em phải vào đại học, hay làm ông nọ bà kia mà trước hết phải biết đọc, biết viết, biết tính toán. Chỉ có như thế sau này các em mới làm chủ cuộc sống của mình. Đó cũng là mục đích chính của dự án”.

Ngoài hỗ trợ cơm trưa, dự án còn vận động các nhà hảo tâm, hỗ trợ kinh phí xây hàng chục cây cầu vượt lũ, xây trường, lập tủ sách, lắp đặt hệ thống nước sạch cho HS bán trú ở các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong của tỉnh Nghệ An.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI