Bữa cơm 1.000 đồng ở 'xóm xe Lam'

16/09/2019 - 06:34

PNO - Nhìn những khuôn mặt sạm nắng, khắc khổ ánh lên niềm vui khi nhận được cơm, được quà, tôi hiểu ý nghĩa việc làm của nhóm. Người Sài Gòn vốn bao dung, nghĩa tình và cơm 1.000 đồng đã góp phần tô đẹp thêm tính cách đó.

Từ ba năm qua, con hẻm “xóm xe Lam” ở P.14, Q.10, TP.HCM đã trở thành địa chỉ tình thương khi hàng chục ngàn suất cơm 1.000 đồng cùng hàng ngàn bộ quần áo cũ đã được trao cho những mảnh đời khốn khó. Hoạt động phát cơm, phát quà được thực hiện đều đặn vào lúc 10g15 ngày thứ Ba và thứ Bảy hằng tuần.

Vạn tấm lòng ở “xóm xe lam”  

Hơn 8g ngày 10/9, con hẻm sâu đã nhộn nhịp với hàng trăm vị khách - những khuôn mặt khắc khổ, làn da rám nắng, bàn tay chai sần. Họ là những người đạp xích lô, ba gác, bán vé số, chạy xe ôm… Suốt ba năm qua, cứ đúng giờ là những mảnh đời cơ nhỡ, nhọc nhằn lại đến với “bếp ấm tình người” để nhận những suất cơm với giá 1.000 đồng do nhóm thiện nguyện “Đĩa cơm trên tường” tổ chức. 

“Bà con trật tự, vui lòng xếp thành hai hàng. Ai đến trước đứng trước, ai đến sau đứng sau. Ai cũng có phần, đừng chen lấn, xô đẩy!” - một nữ tình nguyện viên lên tiếng. Người đến “mua” cơm xếp hàng ngày càng dài. Cơm 1.000 đồng nhưng có đầy đủ các món thịt kho, canh, rau luộc. 10g15 mọi thứ đã sẵn sàng. 

Bua com 1.000 dong o 'xom xe Lam'
Hàng dài người lao động nghèo chờ đến giờ nhận cơm

“Hôm nay là kỷ niệm ba năm nhóm hoạt động nên tất cả đều miễn phí, bà con không phải trả 1.000 đồng như mọi khi” - anh Vũ Văn Thức, trưởng nhóm thiện nguyện - thông báo. Mọi người lao xao rồi cất những đồng tiền cầm sẵn trên tay vào túi.

Khi hàng người đã thưa dần thì một ông cụ gầy yếu, tóc bạc, mới rướn mình đạp chiếc xích lô vào hẻm. Dựng chiếc xe cũ nát nép vào một bên, ông cụ đưa tay quệt mồ hôi trán và trả lời tôi: “Chú năm nay 70 tuổi rồi, nhà ở chung cư Ấn Quang, đạp xích lô từ năm 1970 đến nay. Giờ già rồi, khớp bị thoái hóa, có khi đi cả ngày cũng không có “cuốc” nào. Ai thương thì kêu chở hàng, chứ xe cũ nát không ai dám ngồi” - ông Nguyễn Văn Phải run run. 

Hoàn cảnh ông Phải thật đáng thương. Dù tuổi già mang nhiều bệnh tật nhưng hằng ngày ông vẫn ra đường để kiếm tiền nuôi người vợ đang mắc các bệnh tim, tiểu đường, huyết áp và đứa con gái 39 tuổi bị tâm thần. “Tôi đến với cơm 1.000 đồng này từ những ngày mới mở, tuần nào cũng đến, sẵn xin thêm mấy phần cho vợ và con gái. Ngoài cơm, quần áo tôi và gia đình mặc cũng được xin ở đây. Những suất ăn ở đây là những suất ăn đặc biệt đối với chúng tôi” - ông Phải bùi ngùi.  

Ngoài phát cơm, nhóm còn phối hợp với Hội LHPN P.14, Q.10 vận động và tặng quần áo, chăn mền, bánh, sữa… cho những ai có nhu cầu. 

Cho đi là còn mãi 

Anh Vũ Văn Thức kể, ba năm trước, sau khi biết một số bạn học có mong muốn chia sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh, anh đã lên mạng tìm hiểu, rồi cùng các bạn bắt tay gầy dựng hoạt động của nhóm. Cơm 1.000 đồng sau đó đã ra mắt ngày 6/9/2016.

“Ban đầu, nhiều người cũng e dè, nghi ngại. Chúng tôi cũng cảm thấy đơn độc và không khỏi bối rối. Tuy nhiên, nhóm đã thực sự trao niềm vui cho những người khốn khó và tạo được niềm tin, nên ngày càng kết nối được nhiều trái tim. Nguồn tài trợ vận động và quy trình tiếp nhận, xử lý đều được chúng tôi công khai minh bạch hằng tuần trên fanpage của nhóm nên mọi người tìm đến đóng góp hiện vật như gạo, mì, dầu ăn, sữa, cũng như hiện kim ngày càng nhiều. Vì thế mà số lượng suất ăn không ngừng tăng lên. Đến nay mỗi tuần bếp hoạt động hai ngày, vào thứ Ba và thứ Bảy với số lượng từ 500-700 suất/tuần. Chất lượng bữa ăn cũng được cải thiện với giá thành được nâng từ 16.000 đồng lên 18.000 đồng/suất, giúp người nghèo có được bữa ăn ngon hơn, dinh dưỡng hơn” - anh Thức cho biết.

Bua com 1.000 dong o 'xom xe Lam'

Niềm vui khi tìm được chiếc áo mới

 

Ba năm qua, lượng “khách” đến ngày càng đông. Không chỉ người ở Q.10 mà nhiều bà con nghèo ở các quận, huyện lân cận như Q.5, Q.6, Q.11… cũng tìm đến. Ngoài anh Thức và nhóm bạn, nhiều người dân sống quanh khu vực thấy việc làm ý nghĩa cũng tự động đến giúp một tay. Hiện, mô hình có khoảng 20 tình nguyện viên, trong đó có cả những cán bộ công chức về hưu. 

Cô Lê Thị Hồng Thủy, 57 tuổi, cựu giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến, còn đưa cả con trai và ông xã đến để phụ phát cơm, phát quà. “Tham gia công việc thiện nguyện, tôi cảm thấy cuộc đời mình có ý nghĩa hơn” - cô Hồng Thủy chia sẻ. Cô kể, dù quy định mỗi người chỉ nhận một phần cơm, hai bộ quần áo cũ mỗi lần, để mọi người đều nhận được sự sẻ chia, nhưng cũng có nhiều trường hợp xin thêm cái áo, cái quần cho vợ, cho chồng, cho con. “Có lần, một ông cụ hơn 80 tuổi, đến rất sớm, nhận xong phần cơm nhưng vẫn nán lại chờ đến người cuối cùng mới xin thêm 2 suất cơm nữa. Ông làm nghề vá xe lề đường, mỗi ngày kiếm được 50.000-60.000 đồng, phải nuôi một đứa cháu nhỏ và một bà vợ bị mù” - một tình nguyện viên chia sẻ. 

Nhìn những khuôn mặt sạm nắng, khắc khổ ánh lên niềm vui khi nhận được cơm, được quà, tôi hiểu việc làm của nhóm thật sự ý nghĩa. Người Sài Gòn vốn bao dung, nghĩa tình và cơm 1.000 đồng đã góp phần tô đẹp thêm tính cách đó. 

“Có ai đó hỏi mình: làm từ thiện bao nhiêu cho đủ? Thật lòng mình không biết thế nào là đủ vì càng đi nhiều, càng để ý, càng thấy nhiều người khốn khó, chỉ lo không đủ sức để làm thôi vì thiện nguyện là một hành trình không có điểm dừng trừ phi bản thân không muốn đi tiếp” - anh Vũ Văn Thức tâm niệm.

Hội Phụ nữ giới thiệu nhiều người chung tay 

Theo chị Trần Thanh Thủy - Chủ tịch Hội LHPN P.14,  Q.10, TP.HCM - qua ba năm hoạt động, bữa cơm 1.000 đồng đã thật sự lan tỏa, ngày càng nhiều người biết và chung tay. Các hộ dân trong hẻm đã dành không gian của hẻm để người nghèo thuận tiện đến nhận cơm, quà. Hội LHPN phường đã vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn chung tay để hoạt động tiếp tục lan tỏa.  

Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI