Ăn ngon - Sống khoẻ

Bữa ăn phải đủ dinh dưỡng hay vui vẻ mới quan trọng?

10/10/2022 - 10:33

PNO - Khi gia đình có ba thế hệ, không dễ dung hòa các sở thích ăn uống và dinh dưỡng. Tuy nhiên, cần đưa ra nhiều lựa chọn, đa dạng nguồn thực phẩm.

Gia đình tôi có người già và trẻ em, chế độ ăn theo sở thích của hai lứa tuổi này tương đối khác nhau. Tôi nghe nói, tâm lý vui vẻ, hợp khẩu vị khi ăn giúp tiêu hóa tốt hơn. Nhưng để làm hài lòng mọi người là không dễ. Xin bác sĩ tư vấn giúp khi thiết kế bữa ăn gia đình, tôi nên tập trung vào vấn đề dinh dưỡng lứa tuổi, hay chiều theo sở thích để người ăn vui vẻ và hấp thụ tốt?

Tường Hân (huyện Hóc Môn, TPHCM)

Thạc sĩ Trương Nhật Khuê Tường - giảng viên bộ môn dinh dưỡng - thực phẩm, Trường đại học Y Dược TPHCM: Người lớn tuổi rất dễ suy dinh dưỡng, chủ yếu do tuổi cao khiến các cơ quan trong cơ thể bị thoái hóa, đặc biệt là hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả. Bắt đầu từ việc thay đổi các gai vị giác, khả năng nhai, nuốt; ruột, dạ dày bị suy yếu, dịch tiêu hóa như nước bọt, dịch vị, dịch ruột bị giảm sút nên khả năng tiêu hóa thức ăn bị kém, khó hấp thu dinh dưỡng. Bên cạnh đó, do người cao tuổi thường mắc các bệnh mạn tính, tiểu đường, tim mạch, ung thư… nên thường xuyên mệt mỏi, ăn không ngon miệng, không đủ chất. 

Để có được sức khỏe tối ưu, người cao tuổi cần được chăm sóc tốt về chế độ ăn uống và cần có một đời sống tinh thần khỏe mạnh. Đặc biệt là con cái nên thường xuyên quan tâm, hỏi thăm, động viên cha mẹ, tránh để người cao tuổi cảm thấy cô đơn dẫn đến tâm lý lo âu, trầm cảm. 

Đối với trẻ em, nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề dinh dưỡng là an toàn thực phẩm, việc nhai nuốt, tiêu hóa, hấp thu. Việc giảm hấp thu chất dinh dưỡng do quá trình chuyển hóa kém, hoặc thừa dinh dưỡng; hay những khó khăn khi cho ăn như chán ăn, tính cách kén chọn hoặc ám ảnh ép ăn nên sợ ăn.

Cha mẹ nên theo đuổi phong cách tiếp cận trẻ, đề cao sự tương tác: đặt ra giới hạn phù hợp, phản ứng lại với những dấu hiệu thèm ăn, chán ăn của trẻ và luôn nhất quán trong việc giáo dục tăng cường thói quen ăn uống tích cực và tránh những thái độ phản đối tiêu cực. 

Một điều quan trọng cha mẹ cần chú ý, đó là việc tạo áp lực cho trẻ lên các món ăn và trong lúc ăn có thể phản tác dụng vì gây khó chịu cho trẻ, dẫn đến các vấn đề về hấp thu hay những khó khăn khi ăn uống.

Tóm lại, khi gia đình có ba thế hệ, thực sự không dễ để dung hòa các sở thích ăn uống và dinh dưỡng. Tuy nhiên, chúng ta không cần tạo thêm áp lực cho bản thân và người thân, thay vào đó hãy cởi mở, giáo dục chế độ ăn tích cực, lành mạnh, đưa ra nhiều sự lựa chọn, đa dạng nguồn thực phẩm.

Khi người lớn tuổi hoặc trẻ em gặp phải những đợt cấp siêu vi hay các bệnh thông thường, và khó ăn, chúng ta có thể cân nhắc lựa chọn bổ sung các sản phẩm thay thế bữa ăn để bù đắp năng lượng và các vitamin, khoáng chất thiết yếu. 

Một số điều cần cân nhắc đối với chế độ dinh dưỡng trẻ em và người lớn tuổi: 

- Tuân thủ quy tắc an toàn thực phẩm: ăn ngay sau khi chế biến, không tái hâm nhiều lần thức ăn nhiều ngày, qua đêm, không để thực phẩm chín/sống cùng một ngăn tủ lạnh, ăn chín, uống sạch. 

- Ăn chậm nhai kỹ: ưu tiên thức ăn mềm, dễ tiêu; ưu tiên đạm cá và bổ sung đạm thực vật cho phong phú bữa ăn. Không tái sử dụng dầu thực vật đã chiên. Tăng cường nguồn trái cây, rau củ. 

- Ăn đúng bữa, đúng giờ. Đối với người già yếu, đang điều trị bệnh, khó ăn uống, nên chia nhỏ bữa ăn để đảm bảo số lượng và đủ chất dinh dưỡng.

- Thực phẩm cần tránh: Hạn chế thức ăn chế biến dưới dạng sống, tái, gỏi… Bởi vì những thức ăn này dễ có nguy cơ gây ngộ độc, chướng bụng đầy hơi, rối loạn tiêu hóa. Người lớn tuổi cần hạn chế bia, rượu và thức uống có cồn. 

- Luyện tập: người cao tuổi nên rèn luyện sức khỏe bằng các bài tập thể dục phù hợp, nhẹ nhàng giúp nâng cao sức khỏe, kích thích sự ngon miệng và tiêu hóa, hấp thu tốt dinh dưỡng. Đối với trẻ em, cần hoạt động thể chất 60 phút/ngày và hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử. 

B.T. (ghi) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI