|
Học sinh Trường tiểu học Triệu Thị Trinh (quận 10) trong giờ ăn bán trú - Ảnh: T.T. |
Nếu tăng giá, không vượt quá 15%
Tại kỳ họp thứ 17 (tháng 7/2024), HĐND TPHCM khóa X đã thông qua nghị quyết quy định mức học phí và các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2024-2025. Nghị quyết này không bao gồm nội dung về suất ăn trưa bán trú. Như vậy, căn cứ theo quy định tại khoản 3, điều 4, Nghị định số 81/2021 của Chính phủ, trường học được thu tiền ăn bán trú theo thỏa thuận, không còn mức trần như năm học trước.
Chị Kiều My - ngụ quận Phú Nhuận, có 2 con đang học cấp II và cấp III - bày tỏ: “Không còn quy định mức trần tiền ăn bán trú khiến tôi hơi lo. Tôi sợ rằng vật giá leo thang sẽ kéo theo tiền ăn tăng cao. Thu theo thỏa thuận thì mỗi phụ huynh mỗi ý, không biết nhà trường sẽ tính toán trên cơ sở nào?”.
Chị Như Quỳnh - ngụ TP Thủ Đức, có con học tiểu học - nói: “Khi nghe thông tin trường học được thu tiền ăn bán trú theo thỏa thuận, tôi nghĩ ngay mức thu sẽ tăng so với năm ngoái. Hàng quán bên ngoài vẫn có nhiều nơi bán phần ăn dưới 35.000 đồng. Nếu trường tăng tiền ăn cao hơn năm ngoái thì phải đưa ra được lý do chẳng hạn khẩu phần ăn của học sinh có gì thay đổi, chất lượng như thế nào. Ví dụ nếu tăng lên 40.000-45.000 đồng/ngày mà trường không giải thích rõ thì tôi sẽ đón con về nhà ăn trưa”.
Theo ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM - dù tiền ăn bán trú không được quy định mức thu tối đa nhưng các cơ sở giáo dục vẫn phải căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của học sinh để xây dựng dự toán thu chi cụ thể. Trong đó, đảm bảo nguyên tắc thu đủ chi đủ, phù hợp với tình hình thực tế năm học. Nếu tăng thì tỉ lệ tăng không vượt quá 15% so với năm học 2023-2024.
“Các khoản thu, mức thu phải được cơ sở giáo dục thỏa thuận thống nhất với cha mẹ học sinh, có ý kiến của UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và Sở GD-ĐT theo phân cấp quản lý. Sau khi nghị quyết có hiệu lực, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ phối hợp Sở Tài chính có văn bản hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện đúng quy định và công khai để người dân giám sát” - ông nhấn mạnh.
Phụ huynh đồng ý mới thực hiện
Ông Dương Hữu Đức - Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (Gò Vấp) - cho hay: năm trước, trường thu tiền ăn 30.000 đồng/ngày nên chỉ đảm bảo được tiêu chí no bụng. Món mặn chỉ quanh quẩn thịt gà, thịt heo xay, cá ba sa, trứng… Cuối tuần, học sinh mới được ăn phở hoặc mì xào có thịt bò.
“Năm học mới này, trường vẫn bàn với công ty cung cấp suất ăn không tăng giá. Nhưng năm sau chắc phải lên 32.000 hoặc 34.000 đồng/ngày, bằng các trường trong quận Gò Vấp. Phụ huynh cũng đồng ý vì trường đang đặt suất ăn công nghiệp. Trường cũng muốn trực tiếp ra chợ mua thực phẩm rồi về nấu để giảm chi phí nhưng thiếu nhân lực và nguy cơ mất vệ sinh cao. Vì vậy, trường phải hợp đồng qua các công ty trung gian để mua nguyên liệu, xử lý và chế biến. Công ty cũng bị đánh thuế và nhiều thứ khác nên giá này đã rất cố gắng” - ông nói.
Ông cũng thông tin thêm, các trường vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể của Phòng GD-ĐT vì quận Gò Vấp luôn đưa ra mức trần riêng, thấp hơn quận khác. Năm trước, mức trần của quận là 34.000 đồng/ngày. Các trường tùy theo khu vực, số lượng phụ huynh đăng ký bán trú mà chọn mức thu từ 32.000-34.000 đồng/ngày. Sau đó, các trường họp thông qua cấp ủy, hội đồng trường, phụ huynh học sinh, hội đồng sư phạm. Phụ huynh đồng ý hết thì trường triển khai.
Ông Dương Văn Thư - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (quận 3) - cũng cho biết, năm trước, trường thu tiền ăn 35.000 đồng/ngày, số lượng học sinh đăng ký bán trú tương đối đông. Tuy nhiên, sau 1 năm thì tình hình vật giá đã khác. Trước tiên, trường sẽ trao đổi lại với đơn vị cung cấp suất ăn xem giá cũ có ổn không, có cần thiết phải tăng không? Sau đó, trường sẽ thông báo đến phụ huynh.
Ví dụ, để phù hợp với giá cả thị trường và yêu cầu dinh dưỡng cho học sinh, đơn vị cung cấp suất ăn mong muốn tăng tiền ăn lên 37.000-38.000 đồng/ngày thì phụ huynh có đồng ý và đăng ký nhiều không? Nếu số lượng đăng ký quá ít, trường phải xem xét lại. Ông giải thích: “Dinh dưỡng cho học sinh quan trọng nhưng vẫn phải phụ thuộc vào khả năng của phụ huynh. Việc này cần được trao đổi và lấy ý kiến cẩn thận, phụ huynh phải thống nhất thì mới làm được”.
Ông Cao Đức Khoa - Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1) - cũng thông tin, nếu được quận cho phép, trường sẽ thỏa thuận với phụ huynh về mức thu trong khoảng 35.000-40.000 đồng/ngày. “Trường sẽ đưa ra mức thu ban đầu dựa trên nhu cầu dinh dưỡng của lứa tuổi và yêu cầu của phụ huynh. So sánh với mức thu của năm ngoái, phụ huynh có đóng góp hay ý kiến thì cùng nhau thảo luận và đưa ra con số cuối cùng. Phụ huynh đừng lo lắng mức thu tăng cao vì đã có quy định tăng không quá 15%. Chắc chắn các trường không chạy đua tăng giá để gây áp lực lên phụ huynh” - ông khẳng định.
Tiền ăn tăng, khẩu phần ăn tăng Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú) - chia sẻ, việc thành phố bãi bỏ mức trần sẽ tạo điều kiện cho trường thay đổi mức thu hợp lý hơn. Tuy nhiên, trường phải giải thích rõ với phụ huynh vì sao phải tăng mức thu. “Mức thu không ảnh hưởng đến vấn đề vệ sinh thực phẩm vì các trường đều phải chọn thực phẩm đạt các chứng nhận an toàn như ISO 22000, HACCP, VietGAP… Tuy nhiên, mức thu ảnh hưởng đến khẩu phần ăn. Ví dụ, giá thịt heo đã tăng từ 120.000 đồng/kg lên 160.000 đồng/kg. Nếu vẫn thu 35.000 đồng thì thay vì nấu cá, thịt liên tục, trường phải tìm thực phẩm khác có giá thấp hơn hoặc phải giảm khối lượng cá, thịt trên mỗi suất ăn. Hay với bữa xế, thay vì học sinh được ăn một phần bánh flan 80g thì chỉ còn lại 65g thôi. Tiền ăn tăng thì khẩu phần ăn tăng, chế độ dinh dưỡng của học sinh tăng” - bà nói rõ. |
Trang Thư